Trước đó, ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có mưa lớn. Đặc biệt, có 9.900m đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn… Sau khi thủy điện Hòa Bình tiếp tục xả lũ, người dân huyện Chương Mỹ tiếp tục phải sống chung với cảnh ngập lụt. Không những thế, tình trạng rác ngập ngụa, bốc mùi hôi thối còn khiến nhiều người bị ám ảnh.
Dân “khát” nước sạch
Đợt mưa lụt vừa qua tại một số xã thuộc huyện Chương Mỹ không những để lại thiệt hại lớn mà còn làm cuộc sống người dân bị đảo lộn. Trước tình trạng “ngậm nước” cả tuần lễ thì đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân là bài toán khó khăn nhất.
Hàng trăm hộ dân khắp xã Nam Phương Tiến bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề nước. Người dân trong xã phải chịu cảnh sống giữa mênh mông nước, không điện, không nước sinh hoạt, không cả lương thực.
Nhiều nhà ngập tận nóc, các hộ phải đi ở nhờ, ăn tạm cho qua bữa. Nếu không có thuyền người dân buộc phải lội nước có chỗ ngập sâu tới 1,5m hoặc sử dụng chai nhựa làm phao.Cả xã Nam Phương Tiến có 400 ha đất bị ngập, 830 hộ dân bị cô lập và 647 hộ ngập sâu trong nước với hơn 3.000 người bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã triển khai phun thuốc khử trùng, nước rút đến đâu sẽ tiếp tục khử trùng đến đó.
Chính quyền xã Nam Phương Tiến đã phối hợp cùng lực lượng của huyện tiến hành thu gom rác và làm việc với Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai để chở rác đến nơi tập kết khác, xử lý môi trường để đảm bảo cuộc sống người dân sớm ổn định trở lại.
Đánh giá chất lượng nguồn nước vùng lũ, đối với người dân sử dụng nước giếng khoan, tức là nước ngầm ở tầng ngập nước phía dưới, PGS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Giả sử có một nguồn nước bẩn bị thẩm thấu xuống thì nó cũng được lọc qua tầng đất sét nên không ảnh hưởng đến tầng nước ngầm. Hơn nữa rất khó để thẩm thấu xuống, trừ khi có lỗ thủng từ tầng nước mặt xuống tầng nước ngầm, còn nếu như không có lỗ thủng thì hầu như không ảnh hưởng gì. Thế nên chuyện nước dâng lên cao từ 01 đến 02m thì áp suất do cột nước nén xuống cũng tăng không đáng kể. Hơn nữa, dòng ngang vẫn hoạt động, chênh lệch dòng nước giữa cột ngang nơi cao và nơi thấp vẫn chảy xuống. Tầng nước ngầm thì không có sự chênh lệch đó. Ở tầng nước ngầm thì chuyện thẩm thấu từ trên xuống do ngập úng, mưa bão tốc độ rất chậm, chỉ khoảng vài chục milimet một ngày”.
Tuy nhiên, PGS. Trần Hồng Côn cũng cảnh báo: “Nếu người dân dùng giếng khơi, giếng đào sâu chỉ tầm 02 đến 5m, tức là dùng nước mạch ngang, nước mặt thì nguồn nước sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì nước sẽ không được lọc mà chỉ qua một tầng đất cát”.GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường nhận định: “Việc xảy ra ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm nguồn nước ở Chương Mỹ là chuyện đương nhiên sau những đợt ngập úng nặng nề như thế này. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nguồn nước thì gốc rễ vẫn là chỉ đạo từ phía TP. Hà Nội. Để cứu người dân thì cốt lõi là thực hiện đúng quy hoạch đã định từ trước”.
Mối lo ngại từ rác
Ở xã Nam Phương Tiến, từ nhà ra ngõ đâu đâu cũng ngập ngụa trong rác |
Thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến khốn khổ vì bãi rác dân sinh của xã theo nước lũ tràn vào sân nhà, bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Không còn cách nào khác, mọi người thay phiên nhau lội nước vớt chất thải cho vào bao tải. Giữa mênh mông nước, dọc các lối vào làng, nhìn hướng nào cũng thấy rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi ô nhiễm. Có những góc làng rác phủ trên bề mặt nước rộng khoảng 20 - 30m2, đa phần rác là phân, xác động vật...
Bãi rác thải của xã Nam Phương Tiến có diện tích rộng khoảng 300m2, nằm ở thôn Nam Hài, cách UBND xã khoảng 3km. Bãi rác có chức năng tập kết tạm, sau đó sẽ được trung chuyển đến nơi xử lý chất thải do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai phụ trách. Hiện nay, toàn bộ bãi rác đã bị ngập trong biển nước, chỉ trơ lại một góc nhỏ của cổng ra vào.Vấn đề rác thải tràn vào nhà dân đang là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Trước đợt mưa lớn kéo dài, dự đoán sẽ gây ngập trong vùng nên Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã cử công nhân xuống thu gom rác, chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, do thời tiết mưa lớn cộng với lượng rác nhiều nên việc thu gom này gặp khó khăn, không kịp di chuyển hết. Số rác sót lại này theo nước lũ tràn vào các ngóc ngách nhà dân.
Xã và phía Công ty đã căng lưới bao quanh khu vực bãi rác, tránh để rác tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Sau khi nước rút, xã sẽ nhanh chóng vào cuộc xử lý vấn đề ô nhiễm như rắc vôi, phun thuốc, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.Nam Phương Tiến là khu vực mỗi lần mưa lớn lại ngập nước cả tháng nên cơ quan chức năng xác định phải di dời. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa Thành phố sẽ tìm nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, di dời các hộ dân trong vùng ngập úng lên vị trí cao hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.