Người Do Thái khởi nghiệp được chính phủ đầu tư triệu đô, miễn thuế

Thị trường 02/09/2016 14:02

Điều gì khiến cộng đồng startup của một quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ?

nguoidothaikhoinghiepduocchinhphudaututrieudomient

Điều gì khiến cộng đồng startup của một quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ? Liệu đó có phải do nền giáo dục, đầu tư vốn hay số lượng các doanh nhân khởi nghiệp?

Trên thực tế, yếu tố quan trọng nhất tác động đến cộng đồng startup ở hầu hết các quốc gia là sự hỗ trợ của chính phủ. Việc chính quyền các nước có những chính sách rộng mở, nuôi dưỡng một hệ thống startup lành mạnh, tạo điều kiện thông thoáng cho các quy định về thuế và đặc biệt không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tại Israel, chính quyền Tel Aviv thậm chí đóng vai trò còn to lớn hơn vậy khi hầu như đằng sau thành công của mỗi doanh nghiệp đều có bóng dáng nhà nước.

Hàng năm, văn phòng khoa học quốc gia Israel (OCS) sử dụng 85% khoản tiền ngân sách 450 triệu USD để hỗ trợ cho gần 200 startup cũng như đầu tư cho hàng loạt các dự án nghiên cứu, phát triển của những tập đoàn lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng OCS là cỗ máy đốt tiền của Israel, nhưng giám đốc OCS, ông Avi Hasson nhận định rằng những startup gặp khó trên thị trường vốn hiện nay có ý nghĩa dài hạn với kinh tế Israel và chính phủ phải đứng ra giúp đỡ những doanh nghiệp này.

Báo cáo thường niên mới đây của OCS khiến nhiều chuyên gia bất ngờ bởi chúng không đề cập đến những vấn đề thường thấy trong cộng đồng startup như bảng xếp hạng công ty khởi nghiệp hay nguồn gốc của những doanh nhân khởi nghiệp thành công.

Thay vào đó, OCS chỉ ra hàng loạt những startup đang gặp rắc rối tại Israel cũng như sự cần thiết hỗ trợ của chính phủ đối với cộng động khởi nghiệp vì nền kinh tế lâu dài của đất nước.

Tăng trưởng giảm tốc

Năm 2014 là năm đỉnh cao của cộng đồng startup Israel. Khoảng 700 công ty khởi nghiệp của nước này đã gọi vốn được 3,4 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, mức cao kỷ lục trong lịch sử. Thậm chí chính những quỹ đầu tư mạo hiểm tại Israel cũng gọi vốn được 900 triệu USD.

Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng của cộng đồng startup Israel có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Trong khoảng 2004-2007, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân của các sản phẩm công nghệ cao từ nước này đạt 13,2%. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 4% trong khoảng 2007-2011.

Năm 2013, tổng số nhân viên được thuê trong mảng công nghệ cao tại Israel đạt 269.800 người, chỉ chiếm 8,9% tổng số lao động được thuê trên cả nước, thấp hơn rất nhiều mức 10,7% của năm 2008.

Báo cáo của OCS cho thấy mảng kinh tế công nghệ cao của nước này bao gồm 2 thành phần chính là startup và những doanh nghiệp cỡ trung và lớn. Do đó, nhiệm vụ chính của OCS là cung cấp các ưu đãi cũng như hỗ trợ nhằm nhanh chóng thúc đẩy các startup trở thành những công ty cỡ trung và lớn trong mảng công nghệ để có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế cũng như thuê được thêm nhiều lao động.

Thiếu nhân lực

Hiện Israel đang thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ sư và lập trình viên. Trên thực tế, tình trạng này đã tồn tại từ năm 2012 cho đến nay.

Mức lương trung bình của các kỹ sư công nghệ tại Israel cao gấp 2,5 lần so với tất cả các nước còn lại và thu nhập bình quân của một lập trình viên máy tính tại đây là khá cao so với các nghề còn lại.

Thật trớ trêu, nguồn đạo tạo nhân lực cho mảng công nghệ của Israel lại đang gặp khó. Năm 2009, chỉ có 11.000 học sinh trên 18 tuổi trong tổng số 118.000 người theo học môn Toán cao cấp và chỉ khoảng 6.600 người trong đó đạt mức điểm khá trở lên (trên 85 điểm).

Nói cách khác, chỉ khoảng 5,6% số học sinh trên 18 tuổi là đủ khả năng tham gia hoạt động trong ngành công nghệ và cung cấp nhân lực cho các startup.

Tuy nhiên, không phải tất cả số học sinh này sẽ theo các ngành công nghệ khi lên đại học. Số liệu của OCS cho thấy hàng năm chỉ có khoảng 4.671 sinh viên theo học các ngành kỹ sư điện, kỹ sư điện tử, công nghệ thông tin, lập trình viên... Trong khi đó, có khoảng 7.000 việc làm mới trong ngành công nghệ cao được tạo ra mỗi năm ở Israel.

Báo cáo của OCS đề nghị chính phủ Israel có một số biện pháp khuyến khích học sinh theo học môn Toán cao cấp cũng như kêu gọi các sinh viên giỏi từ nước ngoài trở về đất nước làm việc.

Khoa học đời sống: tốn tiền nhưng cần thiết

Hiện Israel có khoảng 1.100 doanh nghiệp công nghệ hoạt động liên quan đến khoa học đời sống thực dụng trong xã hội, cao hơn rất nhiều với con số 200 công ty vào cuối thập niên 90. Như vậy, khoảng 40 startup mới về khoa học đời sống đã được xây dựng mỗi năm trong vài năm trở lại đây và khoảng 1/3 trong số đó đã thu được lợi nhuận.

Theo báo cáo của OCS, mảng khoa học đời sống vẫn là trụ cột trong xuất khẩu công nghệ của Israel nhưng vẫn còn rất nhiều startup trong mảng này gặp thất bại và cần sự trợ giúp của chính phủ. Nguyên nhân là thời gian để nghiên cứu, phát triển những ứng dụng liên quan đến đời sống con người thường lâu hơn so với việc phát triển phần mềm.

Hậu quả việc đầu tư cho mảng khoa học đời sống là khá rủi ro. Với yếu tố đó, chính phủ Israel đã cung cấp nhiều hỗ trợ về trang bị, tài chính cũng như hỗ trợ về công nghệ cho các startup trong mảng này.

Xuất khẩu công nghệ khoa học ứng dụng đời sống của Israel chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và đạt tổng giá trị 8,5 tỷ USD vào năm 2014, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng khoa học đời sống mà Israel thành thạo bao gồm các mảng như công nghệ sinh học, công nghệ nano, thiết bị y tế...

Ngoài các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ, Israel còn hy vọng công nghệ của mình được xuất sang các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí là Đông Á, nơi có tệ nạn sao chép và vi phạm bản quyền khá cao.

Bên cạnh đó, chính phủ Israel cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên hợp tác với các doanh nghiệp địa phương có kinh nghiệm về thị trường, luật pháp, giá cả để có thể nhanh nhất tiếp xúc với khách hàng.

“Đốt tiền” vì tương lai

Ngoài mảng công nghệ kỹ thuật cao, hầu hết các ngành kinh tế khác của Israel đều có vấn đề về năng suất và hiệu quả.

Tờ Economist đã từng nhận định có khoảng 24 tập đoàn lớn của nước này kiểm soát gần 1/4 trong số 596 công ty niêm yết trên sàn chúng khoán, qua đó chiếm hơn 2/3 tổng giá trị vốn hóa thị trường.

Những ông lớn này đều có các vấn đề như nợ cao, kinh doanh dàn trải và tính chuyên quyền độc đoán. Mức tăng trưởng lợi nhuận trên giá mỗi cổ phiếu của các hãng này chỉ vào khoảng 2%.

Trước tình hình đó, OCS đã thực hiện chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành kinh tế truyền thống và đầu tư 400 triệu USD cho những ngành này trong vài năm qua.

Đặc biệt, OCS đã giúp khoảng 1.00 doanh nghiệp phía Nam Israel để xây dựng nền tảng thương mại điện tử, cung cấp hỗ trợ về marketing trực tuyến, xây dựng website trên điện thoại di động...

Báo cáo của OCS là một minh chứng rõ ràng cho việc không có bất kỳ một startup nào của Israel bị bỏ rơi và các chính sách của chính phủ bao phủ hầu như toàn bộ các mảng kinh tế của đất nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng kinh tế tư nhân.

Với những thành quả đáng khăm phụ của Israel trong công cuộc hiện đại hóa đất nước và phát triển nền kinh tế, nhiều chuyên gia đồng ý rằng nên xem xét tập trung hơn cho việc “đốt tiền” đầu tư cho công nghệ, startup hay hỗ trợ những doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đây là tiền đề phát triển đất nước cho dài hạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận