“Người lính Cụ Hồ” viết tiếp trang sử phát triển giao thông vận tải

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 23/12/2021 06:00

Trong năm tháng chiến tranh, người linh vượt mưa bom bão đạn, không ngại hiểm nguy xông pha trên tuyến đầu chống giặc. Thời bình hôm nay, trên các mặt trận, khắp mọi miền đất nước, những người lính năm xưa hăng say sản xuất, trong đó phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia ghi nhiều dấu ấn của “người lính cụ Hồ”. Những tên tuổi như Tổng công ty 36, 319, Trường Sơn, Tân Cảng, Thành An, Lũng Lô, Viettel... luôn tô thắm truyền thống vẻ vang của người lính, làm phong phú bức tranh về ngành GTVT, khẳng định năng lực nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu trong phát triển hạ tầng GTVT.

 

Anh9

Nhiều dự án do các đơn vị quân đội thi công đảm bảo chất lượng được chủ đầu tư đánh giá cao

Một trong những “cánh chim đầu đàn” phát triển hạ tầng giao thông những năm qua là Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập. Chỉ tính riêng 5 năm qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hàng trăm công trình lớn nhỏ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Các công trình mà Binh đoàn thi công, bàn giao đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng và tiến độ, được chủ đầu tư đánh giá cao. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm, tiêu biểu như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường tuần tra biên giới; dự án đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; kè biển Khu Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa); cầu vượt tại nút giao Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh); đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, Dự án án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Bắc - Nam...

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn duy trì và thực hiện nghiêm túc hệ thống quản lý chất lượng, coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng công trình sản phẩm - yếu tố sống còn của doanh nghiệp, khẳng định uy tín với đối tác, chủ đầu tư.

Nhắc đến người lính xây dựng hạ tầng giao thông thời gian qua không thể không kể đến Tổng công ty 36. Từ chỗ tên gọi 36 chưa được biết tới, đến nay Tổng công ty 36 đã là tên tuổi của một thương hiệu nổi tiếng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Tổng công ty xác định thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là một bước đi chiến lược, cùng khát vọng đóng góp thật nhiều cho sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. Để huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Tổng công ty đã xây dựng đề án, huy động trí tuệ tập thể, mạnh dạn đầu tư vào dự án BOT QL19 nối Bình Định - Pleiku với gói thầu hơn 50 km. Đứng trước những khó khăn đó, Tổng công ty 36 đều có biện pháp thi công đảm bảo công trình về đích đúng hẹn, với chất lượng tốt nhất, minh chứng cho năng lực chuyên môn cũng như uy tín của Tổng công ty 36 và hướng đi đúng đắn khi quyết định làm BOT. Dư án đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Một trong những dự án BOT lớn mà Tổng công ty 36 làm chủ đầu tư không thể không nhắc đến là Dự án BOT Xuân Mai - Hòa Bình trên tuyến QL6. Đây là công trình vừa cải tạo, vừa mở mới hoàn toàn, rút ngắn thời gian đi lại đoạn Hà Nội - Hòa Bình, rút ngắn tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, đáp lại sự mong đợi của nhân dân, tạo ra diện mạo mới cho vùng Tây Bắc.

Ra đời trong giai đoạn đổi mới của đất nước, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành nhà khai thác cảng container và cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam. Với trụ cột kinh doanh là khai thác cảng với định hướng tập trung khai thác cảng container chuyên dùng, Tân Cảng Sài Gòn luôn giữ vững vị thế là nhà khai thác cảng số 1 Việt Nam, Top 25 cảng hàng đầu thế giới. Hiện nay, Tân Cảng Sài Gòn đang khai thác 15 cơ sở cảng đồng bộ với hệ thống kho bãi, phương tiện chuyên dụng, hiện đại, đảm bảo tiếp nhận được tất cả các cỡ tàu container trọng tải đến 16 vạn tấn. Bên cạnh đó, Tổng công ty đang đầu tư cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô 130 ha bãi, 1.500 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến, là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Cụm 3 cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu với 110 ha kho bãi, 1.500 m cầu tàu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT, đi thẳng tới châu Mỹ, châu Âu. Thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn đã vươn lên tầm cao mới và có sức lan tỏa rộng khắp, giữ vị trí số 1 tại Việt Nam về khai thác cảng biển và dịch vụ logistics, chiếm 50% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước, có vị thế và uy tín ngày càng cao đối với khách hàng trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó còn nhiều tổng công ty, đơn vị khác chưa được nêu trong bài báo này, nhưng họ luôn phát huy truyền thống “người lính Cụ Hồ”. Người lính thời bình hôm nay đang có nhiều hướng đi mới, góp sức tô điểm cho bức tranh phát triển hạ tầng giao thông ngày thêm sinh động. Qua mỗi công trình, dự án, cây cầu, con đường, bến cảng..., một lần nữa khẳng định tên tuổi và sức mạnh của người lính Việt Nam anh hùng. Dấu ấn của “người lính Cụ Hồ” trên các công trình hạ tầng giao thông trong suốt thời gian qua là minh chứng rõ nét khẳng định khó khăn nào người lính cũng vượt qua, mục tiêu nào cũng có thể chinh phục.

Dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào, “người lính Cụ Hồ” luôn nêu cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực đầu tư, xây dựng nguồn lực con người, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đổi mới cơ chế quản lý để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, xây dựng những công trình hạ tầng giao thông chất lượng, khẳng định vị thế và thương hiệu “người lính Cụ Hồ” trong hội nhập kinh tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận