Tọa lạc bên ngoài thành phố Philadelphia (Mỹ),Covanta Holding Corp. chuyên tạo ra điện từ việc đốt rác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng tạo ra một thứ khác: những xấp tiền xu đen xì và nikel.
Theo Bloomberg, trong một năm, tổng giá trị của những đồng xu có thể lên đến 360.000 USD, gấp 7 lần thu nhập trung bình trong khu đô thị Philadelphia. Covanta chất đống số tiền này vào một chỗ, bởi công ty đang chờ Cục đúc tiền kim loại Mỹ tiếp tục gom mua tiền xu theo một chương trình đã bị tạm dừng vào tháng 11 năm ngoái.
Đủ để xây 90 cây cầu Cổng Vàng
Theo Covanta, mỗi năm, người Mỹ vô tình quẳng 61,8 triệu USD vào thùng rác. Những đồng xu được quét ra khỏi những chiếc bàn trong nhà hàng và bị hút lên từ thảm hoặc đệm của ghế sofa. Chúng nằm lẫn trong đống phế thải và thường kết thúc hành trình ở bãi rác.
Tuy nhiên, không gian này càng giảm khiến chi phí tại bãi rác cũng tăng lên 25% trong thập kỷ qua. Tình trạng này tạo động lực cho Covanta và các công ty khác phát triển phương pháp sàng lọc và trích xuất sắt, thép, nhôm và đồng để bán cho các nhà tái chế.
"Những thứ mà mọi người vứt đi thật đáng ngạc nhiên", Alex Piscitelli, người quản lý nhà máy tại khu vực Chester - nơi Covanta đang phát triển kỹ thuật phân loại các kim loại, nói.
Mỗi năm, người Mỹ quăng khoảng 7,5 triệu tấn kim loại vào những bãi chôn rác. Lượng thép trong đó đủ để xây 90 cây cầu Cổng Vàng, lượng nhôm đủ để đúc 40 tỷ lon bia.
Năm 2011, Covanta bắt đầu nỗ lực phục hồi kim loại từ đống tro tàn tại các nhà máy điện của doanh nghiệp, chi khoảng 70 triệu USD vào các thiết bị. Trong hơn 5 năm, công ty phục hồi hơn 2 triệu tấn kim loại và bán chúng cho những công ty tái chế.
Hoạt động này tạo ra khoảng 61 triệu USD, chiếm 3,7% tổng doanh thu năm ngoái của Covanta. Công ty dự định mở một trung tâm phân loại nhôm, đồng và tiền xu tìm thấy trong các nhà máy ở vùng đông bắc và trung Đại Tây Dương vào năm 2017.
Tuy nhiên, nỗ lực của Covanta đã tạm ngừng trong gần một năm nay. Lý do là Cục đúc tiền kim loại Mỹ, từng gom mua tiền xu hỏng với số lượng lớn, quyết định dừng chương trình hồi tháng 11 năm ngoái, bởi nghi vấn mua phải tiền giả.
Các công tố viên đã đệ đơn kiện tới tòa án dân sự, cáo buộc 3 doanh nghiệp nhập khẩu tiền giả từ Trung Quốc để bán Cục đúc tiền kim loại Mỹ với con số lên đến hàng triệu USD.
Ngoài tiền xu, Covanta còn tìm thấy nhiều thứ khác như vật dụng bằng bạc. Ảnh: Bloomberg.
Một thẩm phán liên bang tại thành phố Philadelphia đã bác bỏ vụ kiện hồi tháng 7, sau khi các công ty dàn xếp ổn thỏa với bên công tố viên. Trong khi đó, Cục đúc tiềnkim loại Mỹ từ chối tiết lộ liệu cơ quan này có tiếp tục mua tiền xu hỏng, sau khi lệnh đình chỉ chương trình hết hạn vào ngày 2/11 hay không.
Điều này khiến Covanta, không liên quan đến các vụ kiện, dự trữ hàng xô tiền hỏng.
“Bạn không thể trả chúng lại cho ngân hàng, cũng không thể nấu chảy chúng. Về cơ bản, bạn phải chờ xem Cục đúc tiền kim loại Mỹ sẽ làm gì”, Steve Bossotti, Phó chủ tịch cấp cao của Covanta, nói.
Cơ sở của doanh nghiệp tại khu vực Chester nằm dọc theo bờ sông Delaware, cách thành phố Philadelphia 24 km về phía tây nam. Máy phát điện hơi nước với công suất 80 MW xử lý 3.500 tấn rác thải từ các thị trấn xung quanh ở hạt Delaware, thành phố Philadelphia và New York mỗi ngày. Bên trong, các công nhân đẩy rác vào băng truyền dẫn về phía lò đốt nóng 1.100 độ C. Không khí nóng và đặc quánh mùi nhựa cháy.
Những ngọn lửa tạo ra hơi nước để cấp năng lượng cho nhà máy phát điện, tiêu thụ phế liệu dễ cháy và biến chúng thành một đống tro, đá và kim loại. Sản phẩm phụ màu đen di chuyển trên băng chuyền, đi qua khu vực lắp nam châm.
Bất cứ kim loại chứa sắt nào đi qua cũng bị giữ lại. Nhôm, đồng và kim loại màu khác bị đẩy về hướng khác, để lại tro và đá phía sau.
Sau khi cài đặt hệ thống, công nhân bắt đầu nhận thấy giá trị trong đống kim loại, từ những vật dụng bằng bạc đến nhẫn kim cương, đặc biệt là rất nhiều tiền xu. Họ bán chỗ tiền xu này cho Cục đúc tiền kim loại Mỹ.
Cơ quan này thành lập chương trình thu mua đồng xu hỏng vào năm 1911, gom mua với số lượng lớn và nung chảy để đúc tiền mới. 0,5 kg xu hỏng giá khoảng 20 USD trong khi nickel (kim loại đúc tiền) là khoảng 5 USD.
“Tôi đã ở trong nghề này 30 năm. Khi nhìn thấy một đống tiền ra khỏi nhà máy, tôi thực sự bất ngờ”, Bossotti chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.