Người Nhật Bản đề phòng sóng thần bằng giải pháp gì?

Diễn đàn khoa học 19/12/2016 04:59

Với diện tích 7.105km2, bờ biển trải dài giáp với Thái Bình Dương, Kochi là một trong những địa phương có nguy cơ cao xảy ra sóng thần nếu có động đất.

photo-0-1481681196346

Tháp sơ tán Minato-sho tại thị trấn Nakoku, tỉnh Kochi.

Tháng 8/2012, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những dự báo về mức độ thiệt hại nếu động đất xảy ra tại Kochi.

Theo cảnh báo này, một động đất mạnh tới 9 độ Richter có thể xáy ra trên một khu vực rộng lớn ở khu vực Nam Hải trên Thái Bình Dương, dọc theo bờ biển Nhật Bản.

Trong kịch bản xấu nhất, số thương vong có thể lên tới 320.000 người và thiệt hại 220 nghìn tỷ yên trên toàn Nhật Bản.

Trong khi đó, theo nghiên cứu độc lập của Kochi, nhà chức trách ở đây lưu ý một số khu vực có thể bị sóng thần cao tới 34m tấn công, làm 42.000 người thiệt mạng.

Những dự đoán về mức độ thương vong và thiệt hại này chính là lý do mà chính quyền tỉnh Kochi đẩy mạnh các biện pháp đề phòng và đối phó với động đất sóng thần nhằm đảm bảo người dân vẫn có thể trốn thoát và an toàn trong trường hợp xấu nhất.

Tháp sơ tán sóng thần

Một trong những biện pháp đối phó khẩn cấp khi sóng thần ập đến được tỉnh Kochi chú trọng là xây dựng các tháp sơ tán. Đó là các cấu trúc xây dựng bằng thép và bêtông, được xây ở những khu vực không có nền đất cao hoặc các tòa nhà cao tầng.

Tháp sơ tán Ominatoshi-minami là một trong 14 tháp sơ tán sóng thần ở khu vực Nankoku, phía Đông tỉnh Kochi.

Tháp này có độ cao 11,43m, được xây dựng cách bờ biển 900m, ngay bên cạnh một trường tiểu học và một trường mẫu giáo.

Các nhà khoa học ước tính thời gian để sóng thần từ bờ biển tràn vào đến khu vực tháp là 37 phút. Trong khi đó, trẻ em và người dân sống trong phạm vi 300m xung quanh tháp chỉ mất 5 phút để đi bộ đến tháp.

Tháp Ominatoshi-minami có ba tầng với tầng 2 có diện tích 224 m vuông, chứa được tối đa 223 người, tầng ba rộng 140m2, chưa được 139 người.

Tháp là một kết cấu xây dựng mở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong trường hợp phải chạy lánh nạn đến tháp.

Lối lên tháp là các cầu thang bêtông rộng 1,8m, bậc thang rộng khoảng 26cm và chiều cao các bậc khoảng 16cm.

Các bậc cầu thang được gắn vật liệu dạ quang để người dân vẫn có thể sử dụng cầu thang trong trường hợp trời tối, không có điện.

Lối thứ hai lên tháp là dốc sơ tán được thiết kế bao quanh tháp, rộng 1,2m và độ cao của lan can là 1,5m. Dốc sơ tán, dùng để sơ tán người già yếu, khuyết tật, khó vận động hoặc vận chuyển hàng. Khu vực sơ tán là chính là các tầng tháp được bao bọc bởi các bức tường bê tông cốt thép dày dặn và vững chắc.

Cầu thang bộ dành cho người sơ tán. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Hệ thống tích trữ lương thực, nước uống, chăn đệm và nhiều vật dụng cần thiết khác như toilet di động, phòng tắm di động… được bố trí tại một nhà kho đặt ở tầng hai của tháp sơ tán.

Theo nhân viên ở tháp sơ tán Ominatoshi-minami, lương thực được dự trữ đủ cho những người sơ tán ở tháp này dùng trong hai ngày. Một điều đặc biệt của nhà kho này là cơ chế hoạt động của hộp giữ chìa khóa, tự động mở khi xảy ra động đất.

Chuông báo động trên tầng cao nhất của tháp. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Tầng ba của tháp sơ tán có diện tích 140​m2. Điểm đặc biệt của tầng sơ tán này là chuông báo động được lắp trên tầng cao nhất và có chức năng báo hiệu cho cư dân sống xung quanh biết sóng thần đang ập đến.

Mái che của tầng ba được lắp đặt các pin năng lượng Mặt Trời để cung cấp điện chiếu sáng cho tháp sơ tán trong trường hợp động đất sóng thần gây mất điện. Mái che này đồng thời cũng là bãi đáp của máy bay trực thăng trong trường hợp cứu nạn.

Hộp cất giữ chìa khóa kho có cơ chế tự động bật mở khi xảy ra động đất. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Tháp sơ tán Ominatoshi-minami là một kết cấu bê tông cốt thép rất chắc chắn, đảm bảo là điểm lánh nạn an toàn cho gần 400 người trong trường hợp xảy ra sóng thần cao 5m. Tỉnh Kochi đã xây dựng được 90 trên tổng số 115 tháp mà chính quyền dự định xây dựng trên toàn tỉnh.

Hộp trú ẩn sóng thần

photo-0-1481681538956
Hộp trú ẩn sóng thần - giải pháp cứu nạn dành cho người già và trẻ em.

 

Không chỉ có tháp sơ tán, Kochi còn phát triển nhiều biện pháp đối phó với sóng thần, trong đó có Hộp trú ẩn sóng thần. Thiết bị này được coi là giải pháp cuối cùng để thoát sóng thần.

Hộp trú ẩn chủ yếu dùng cho người già và người khuyết tật, những người gặp khó khăn khi di chuyển lánh nạn. Thiết bị nặng 0,5 tấn, có thể chứa được bốn người lớn và hai trẻ em, khoảng 300kg.

Thiết bị này đã được thử nghiệm và cho kết quả an toàn trong các trường hợp bị rơi, va đập… Đây là thiết bị do công ty Kochi Marutaka phát triển và dự tính sẽ được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Các tháp sơ tán, các thiết bị cứu nạn, trú ẩn…, tất cả được chính quyền tỉnh Kochi khuyến khích theo cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính của nhà nước song vẫn phát huy tối đa hiệu quả.

Theo tỉnh Kochi, với các biện pháp đề phòng sóng thần đang được chú trọng thực hiện, tỉnh đã giảm mạnh dự đoán thiệt hại của địa phương nếu xảy ra sóng thần.

Một góc kho chứa lương thực, nước uống và các vật dụng cần thiết. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Theo số liệu của tỉnh, tính đến cuối năm tài chính 2015, tỷ lệ sơ tán sóng thần đạt 70%, tăng mạnh so với tỷ lệ 20% tính đến tháng 5/2013, diện tích sơ tán đạt 94% so với mức 24% của năm 2013.

Các chuyên gia cho rằng nhờ các chính sách đề phòng thiên tai thảm họa, tỉnh Kochi đã giảm đáng kể mức dự đoán nguy cơ thương vong và thiệt hại tại địa phương nếu có thảm họa động đất, sóng thần.

Tính đến cuối năm tài chính 2015, nếu xảy ra sóng thần, số thương vong có thể xấp xỉ 14.000 người, giảm 29.000 người so với con số dự tính trước đó là 42.000 người.

Ý kiến của bạn

Bình luận