Người Nhật hoảng loạn vì virus corona, đòi hủy Olympic 2020

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Xã hội 12/02/2020 10:24

Đến ngày 12/2, đã có 202 người nhiễm virus corona ở Nhật Bản, con số cao nhất sau Trung Quốc đại lục. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục của nước này đang hứng chịu ảnh hưởng.

Screen_Shot_2020_02_11_at_16.41.46
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bước xuống từ du thuyền Diamond Princess, con tàu chở khoảng 3.700 người đang bị cách ly tại cảng Yokohama vì dịch virus corona. Ảnh: AFP.

Bà Fumio Takenaka dõi theo bản tin tối 9/2. Phóng sự ghi lại vào buổi sáng cùng ngày cho thấy những chiếc xe cứu thương réo còi báo động xếp hàng trên bến tàu nơi du thuyền Diamond Princess neo đậu ở thành phố Yokohama.

Các nhân viên y tế mặc áo bảo hộ màu xanh nhạt, đeo khẩu trang và đội mũ kín mít mang theo vật tư y tế lên tàu. Nội dung phóng sự cho biết hàng loạt người trên tổng số 3.700 khách trên tàu đã nhiễm virus corona chủng mới.

“Tôi sống ở Yokohama nên chứng kiến việc này ngay gần khiến tôi sợ hãi”, Takenaka, bà nội trợ sống ở quận Yamate của thành phố nói. “Sáng 10/2, điều đầu tiên tôi làm là đến cửa hàng mua hai hộp khẩu trang lớn và hai chai dung dịch khử trùng tay”.

“Tôi phải mua để trang bị cho con gái đi học và chồng đi làm. Anh ấy phải đi tàu và tiếp xúc với nhiều người ở nơi làm việc. Vài tuần trước, thậm chí không một ai nghe tin tức gì về virus corona. Nhưng bây giờ, nó đã giết chết người và đang hiện diện ở đây, ngay tại Yokohama. Tôi không muốn nhận bất cứ rủi ro nào”.

Nhiều ca nhiễm nhất sau Trung Quốc

Ngày 12/2, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo có 174 ca nhiễm virus corona trên tàu Diamond Princess, nâng tổng số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp 2019-nCoV ở nước này lên 202 - con số cao nhất ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục.

Trong số này có hai công dân Nhật Bản được sơ tán khỏi thành phố Vũ Hán - tâm dịch virus corona. Họ được xác định nhiễm bệnh sau khi những xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính.

Một bệnh nhân là người đàn ông ngoài 50 tuổi trở về trong chuyến bay đầu tiên hôm 29/1. Ông bị cách ly trong phòng khách sạn và 2 lần xét nghiệm đầu đều cho kết quả âm tính. Đến lần thứ 3, sau 12 ngày, ông được chẩn đoán nhiễm bệnh.

Virus corona đã lây nhiễm cho hơn 43.000 người trên thế giới, giết chết hơn 1.000 người - vượt xa con số 8.000 ca nhiễm và 774 trường hợp tử vong vì hội chứng hô hấp cấp tính nặng năm 2003 (Sars).

Đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào ở Nhật Bản dù 1 người đàn ông Nhật đã qua đời sau khi nghi nhiễm virus corona ở Vũ Hán.

Những con số chết chóc và dịch bệnh virus corona đã phủ sóng rộng khắp các phương tiện truyền thông Nhật Bản, làm dấy lên nỗi sợ hãi của cộng đồng, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Một số cửa hàng đã treo biển thông báo mỗi khách hàng chỉ được mua số lượng khẩu trang nhất định. Các nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng khuyên mọi người nên rửa tay kỹ, theo South China Morning Post.

Mạng xã hội tràn lan thông tin về virus như cách thức lây lan và ủ bệnh, kèm đó là các đề xuất chính phủ hủy bỏ hoặc hoãn lại Thế vận hội Tokyo Olympic 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Nhiều sự kiện bị hủy

Các quan chức kêu gọi công chúng không tin vào những tin đồn.

“Chúng tôi vô cùng lo lắng sự lây lan của virus có thể như đổ thêm dầu vào lửa nhân Thế vận hội”, ông Toshiro Muto, Giám đốc Ban tổ chức Tokyo, nói trong cuộc họp của Ủy ban Paralympic quốc tế tuần trước. “Tôi hy vọng rằng dịch bệnh có thể được giải quyết nhanh nhất có thể”.

Ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới dịp Thế vận hội năm 2020 là chủ đề thảo luận chính của các nhóm phụ trách thế vận hội từ trung ương đến địa phương Nhật Bản cuối tuần vừa qua.

Mối quan tâm về dịch bệnh được nhìn thấy ở mọi tầng lớp trong xã hội.

Screen_Shot_2020_02_11_at_16.41.58
Giới chức Nhật Bản đang gấp rút lên kế hoạch dẹp dịch trước thời điểm Olympic 2020. Ảnh: AFP.

Những lão làng trong làng bóng bầu dục Nhật Bản đã hướng dẫn các cầu thủ và huấn luyện viên không bắt tay với người hâm mộ tại các sự kiện.

Công ty quản lý nghệ sĩ Nhật Bản Johnny & Associates đã hoãn các sự kiện của nhóm nhạc nam SixTones and SnowMan, dự kiến ​​tổ chức vào tháng 3.

Nhóm nhạc thần tượng nữ AKB48 cũng hủy lịch trình ở Osaka và gửi đi thông điệp: “Chúng tôi ưu tiên sức khỏe của người hâm mộ và các thành viên của nhóm”.

Tương tự, hai công viên giải trí rộng lớn ở Tokyo - Tokyo Disneyland và DisneySea, vốn là điểm đến yêu thích của khách du lịch, đã cấm mọi người ôm các linh vật và nhân vật hoạt hình do người đóng thế.

Học sinh trung học được phép đeo khẩu trang trong phòng thi. Bên ngoài có bố trí chỗ rửa tay. Đại học Chuo thông báo trên trang web yêu cầu những người không khỏe không đi thi.

Chính phủ Nhật bị chỉ trích vì phản ứng không thỏa đáng từ sớm. Quyết định cho 2 người di tản khỏi Vũ Hán cuối tháng 1 về thẳng nhà vì họ từ chối xét nghiệm đã bị lên án. Thủ tướng Shinzo Abe khi đó giải thích rằng không có cơ sở pháp lý nào để ép họ tiến hành xét nghiệm.

Kinh tế đình trệ

Một số trường học Nhật Bản đang từ chối nhận trẻ em trở về từ Trung Quốc. Một phụ nữ giấu tên trở về từ Quảng Châu, nơi làm việc của chồng cô nói với Asahi rằng cô thậm chí không được bước vào trường nơi con cô học mà chỉ được ngó qua cổng. Cô không thể ghi danh cho con cho đến ít nhất là cuối tháng 3, mặc dù cô nói rằng đã trở về hơn một tháng và không có dấu hiệu nào của bệnh.

Cơ quan giáo dục địa phương đã yêu cầu trường học này xem xét lại quyết định của họ và gọi đó là “phản ứng thái quá trắng trợn”. Các cơ quan giáo dục cũng đã kêu gọi các trường học phải đảm bảo những đứa trẻ mới trở về từ Trung Quốc không bị bắt nạt hoặc phân biệt đối xử.

Nhiều công ty đang chịu tác động rõ rệt của cuộc khủng hoảng. Giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo lường trước sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới.

Ngày 10/2, Nissan thông báo tạm ngừng sản xuất ôtô tại nhà máy ở tỉnh Fukuoka vì nguồn cung các phụ tùng từ Trung Quốc bị gián đoạn. Hãng này và một loạt doanh nghiệp khác xung quanh Vũ Hán cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Các nhà phân tích cho rằng việc trì hoãn hơn nữa chuỗi cung ứng quốc tế sẽ đe dọa một số lĩnh vực sản xuất.

Lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nhật Bản là du lịch. 13 sân bay trên toàn quốc buộc phải tạm dừng hoàn toàn các chuyến bay đến vùng dịch ở Trung Quốc. Trong số đó, nhiều sân bay phụ thuộc lớn vào túi tiền của khách du lịch Trung Quốc.

Các chủ cửa hàng ở Kyoto nói với tờ Kyoto Shimbun rằng lượng khách giảm mạnh nhất trong 30 năm qua.

Các du thuyền bị ảnh hưởng “lây” vì vụ việc 3.700 hành khách bị cách ly trên tàu Diamond Princess ở cảng Yokohama. Chính phủ Nhật Bản từng nói họ hy vọng nhiều vào lĩnh vực kinh doanh du thuyền, đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp du lịch xứ hoa anh đào.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận