Nhà đầu tư Thái Lan không chỉ nhắm tới các thị trường Đông Nam Á mà còn đang vươn xa hơn ra nhiều thị trường khác bên ngoài khu vực này. |
Được biết đến như một điểm thu hút đầu tư nước ngoài nổi tiếng, nhưng thời gian gần đây, người Thái Lan đang nổi lên trong vai trò là nhà đầu tư táo bạo ra nước ngoài. Hàng loạt những thương vụ đầu tư của các tập đoàn hàng đầu Thái Lan như Thai Beverage, Indorama Ventures và Thai Union Group cho thấy điều đó.
Việc đầu tư ra nước ngoài chỉ là bước đầu, thế nhưng sau đó việc tận dụng những kiến thức và tài nguyên có được từ nước ngoài để có thể cải thiện hoạt động của mình như thế nào vô cùng quan trọng nếu những công ty Thái Lan này muốn vươn tầm thành công ty đa quốc gia.
Trong quá khứ, các công ty Thái Lan với trọng tâm xuất khẩu phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ và hệ thống phân phối của nhiều công ty đa quốc gia khác. Thế nhưng đến hiện tại, việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một chiến lược thay thế để giúp họ có thể nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việc được cọ xát và cạnh tranh cao hơn giúp nâng cao trình độ công nghệ và quản lý của các công ty nội địa.
Khi ngày một mạnh hơn, các công ty Thái Lan ở nước ngoài có thể giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh cho kinh tế Thái Lan và giúp 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á hội nhập kinh tế sâu hơn.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng đầu tư trong nước của Thái Lan trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 chỉ ở mức 1,6%/năm. Do đó, tốc độ tăng trưởng ra nước ngoài ấn tượng không khỏi khiến nhiều người nghĩ rằng không ít nhà đầu tư đang bỏ qua Thái Lan để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn trong khu vực.
Còn theo số liệu của Liên hợp quốc (UN), đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan tăng vọt, từ mức 6,7 tỷ USD vào năm 2006 lên 85,6 tỷ USD vào năm 2016, tương đương mức tăng trưởng 13 lần chỉ sau một thập kỷ.
Hiện tại, khoảng gần 30% đầu tư của người Thái tập trung ở khu vực Đông Nam Á. Nhiều công ty của Thái Lan đồng thời đang đầu tư nhiều hơn cả vào những nền kinh tế phát triển hơn và có vị trí địa lý khá xa Thái Lan.
Tại Mỹ, tăng trưởng đầu tư của Thái Lan vào Mỹ đang đứng đầu. Từ năm 2011 đến năm 2016, đầu tư của Thái Lan vào Mỹ tăng trưởng đến 55,5% trong khi đó tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đạt 44,7%.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng đầu tư của người Thái vào Mỹ rất ấn tượng, dù tổng đầu tư vẫn ở mức thấp, khoảng 2 tỷ USD tính đến thời điểm năm 2016, một con số nhỏ bé so với 58 tỷ USD của người Trung Quốc.
Phần lớn tăng trưởng đầu tư có được nhờ các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp do các doanh nghiệp lớn ở Thái Lan tiến hành. Năm 2016, tại Đông Nam Á, Thái Lan đứng thứ 2 sau Singapore về đầu tư ra nước ngoài. Tổng giá trị các vụ M&A doanh nghiệp đạt 4,5 tỷ USD.
Thái Lan là nước lớn thứ hai ở Đông Nam Á về quy mô M&A ở nước ngoài (tính đến 2016). Đồ họa: Nikkei. Nguồn: UNTAD
Con số của năm 2017 được ước tính còn cao hơn, xét đến việc doanh nghiệp Thái Lan thực hiện nhiều vụ M&A giá trị lớn.
Đơn cử như ThaiBev, tập đoàn kinh doanh các sản phẩm đồ uống nổi tiếng, mới đây đã hoàn thành hai thương vụ với tổng trị giá 5,8 tỷ USD tại Việt Nam và Myanmar vào tháng 10 và tháng 12/2017.
Tháng 6/2017, công ty nông nghiệp Charoen Pokphand Foods thuộc tập đoàn CP, công bố mua lại 95% cổ phần của Paulsen Foods, một công ty thực phẩm chế biến sẵn lớn của Đức với giá 14,8 triệu USD.
Trong ngành hóa dầu, công ty Indorama Ventures mua lại công ty Artlant của Bồ Đào Nha, giá trị thương vụ này ước tính 34,23 triệu USD.
Việc người Thái tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài có thể có nguyên nhân từ việc môi trường hấp dẫn hơn, đặc biệt kể từ khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn từ năm 2007.
Ngoài ra, khi mà đồng baht Thái Lan lên giá mạnh, với mức tăng giá 3,7% tính từ đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, một phần cũng để giảm bớt áp lực tăng giá của đồng nội tệ.
Tương tự như vậy, Hội đồng Đầu tư của Thái Lan, trước đây từng chủ yếu tập trung vào đầu tư nước ngoài vào Thái Lan, từ năm 2013 đến nay đã đưa đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái thành một trong những ưu tiên chính sách để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Sẽ là sai nếu cho rằng việc doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chỉ có nguyên nhân từ việc đồng baht mạnh lên và các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi. Đầu tư ra nước ngoài nên được coi như một trong những chiến lược củng cố sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung.
Dù doanh nghiệp Thái Lan có nhiều cách khác nhau để vươn ra quốc tế, khác về bản chất đầu tư hay điểm đến, nhưng mục tiêu chung đều là nâng cao khả năng cạnh tranh của các tập đoàn Thái Lan so với các đối thủ.
Việt Nam, với dân số 92 triệu người, thu nhập đang tăng nhanh và nhiều người thích uống bia, tỷ lệ tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, được coi như một điểm đến hấp dẫn.
Vụ thâu tóm Sabeco, công ty nắm 17% thị phần bia của Đông Nam Á, không những giúp cho tập đoàn ThaiBev tăng được năng lực sản xuất trong khu vực mà còn giúp cho thị phần của tập đoàn tại Đông Nam Á tăng lên mức ấn tượng 26% từ mức 9% trước đó.
Người Thái muốn đẩy mạnh các thương vụ thâu tóm còn bởi họ muốn củng cố vị thế trong chuỗi giá trị. Việc công ty Thai Union thâu tóm thương hiệu hàng đầu tại Mỹ, Canada và châu Âu đã giúp công ty phát triển từ một nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp trong nước thành một công ty kinh doanh thực phẩm hàng đầu với doanh thu 4,3 tỷ USD mỗi năm và sở hữu hàng loạt thương hiệu toàn cầu.
Tương tự như vậy, khi công ty Indoram thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm tại Bồ Đào Nha, Mexico và Đức trong năm 2017, công ty đã củng cố vị thế là một công ty hóa chất lớn. Công ty có doanh thu năm 2016 đạt 7,2 tỷ USD và có sự hiện diện tại 25 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi.
Các công ty Thái trong lĩnh vực tài nguyên cũng sử dụng phương thức M&A ở nước ngoài để tìm các nguồn nguyên liệu thay thế. Banpu Public, một công ty năng lượng với nền tảng là khai thác than, đã thâu tóm các công ty khí đốt đá phiến ở Mỹ kể từ 2016. Ngoài ra, một công ty con thuộc tập đoàn PTT đã mua cổ phần tại các nước hay khu vực có nhiều tài nguyên như Canada, Australia và châu Phi.
Doanh nghiệp Thái Lan đã mua rất nhiều tài sản bổ sung vào danh mục của mình, thế nhưng việc trở thành một công ty đa quốc gia cần đến quá nhiều kinh nghiệm khác, chứ không chỉ là việc kết hợp các tài khoản tài chính. Các doanh nghiệp Thái cần học được cách tích hợp các kỹ năng và công nghệ họ thu lượm được vào những tài nguyên sẵn có.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.