Người thanh niên tạo nên “phép màu” trên biển

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
18/03/2021 07:00

Với tinh thần xung kích tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết với nghề, đoàn viên Trần Văn Khôi thuộc Chi đoàn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, vượt qua sóng dữ xả thân cứu người giữa đại dương mênh mông.


Screen Shot 2021-03-16 at 10.00.53 AM

Anh Trần Văn Khôi (mũ trắng) và các đồng nghiệp tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải xung phong ngồi xuồng cao su ra cứu nạn tàu Vietship 01 (Ảnh Vinamarine)

Người hùng thầm lặng

Gắn bó với công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã hơn 15 năm, cho đến nay đoàn viên Trần Văn Khôi không thể nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhiệm vụ của anh đa phần là tìm kiếm, cứu nạn, ứng cứu, hỗ trợ y tế cho bà con ngư dẫn trên các tàu cá. Điển hình, như vụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30 và máy bay KASA 212 ở Vịnh Bắc bộ, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên hàng loạt tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn do bão số 12, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh – Quảng Bình...

Theo anh Trần Văn Khôi, một trong những lần làm nhiệm vụ khiến anh nhớ mãi là vụ việc tham gia cứu nạn thuyền viên tàu VIETSHIP 01 ở Quảng Trị đầu tháng 10/2020. Thời điểm đó, thời gian đầu lực lượng cứu nạn hàng hải và các ngư dân địa phương kỳ cựu thông thuộc dòng chảy của vùng biển đó cùng nhau cố gắn tiếp cận tàu VIETSHIP 01 bằng ghe đánh cá nhưng không hiệu quả do sóng quá lớn và dòng chảy siết. Lúc này 02 thuyền viên trên tàu VIETSHIP 01 do hoảng loạn nên đã nhảy xuống biển, nhận thấy tình huống nguy hiểm, anh lao xuống nước và bơi ra cứu được 02 thuyền viên này đưa về bờ an toàn.

“Ngày hôm sau sóng gió dữ dội hơn, tham gia trực tiếp ở hiện trường 02 ngày liên tiếp nên tôi và đồng nghiệp hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công tác cứu nạn lần này vì sống chết chỉ cách nhau tích tắc. Với tâm trạng hồi hộp, chúng tôi nổ máy xuồng cứu nạn lao ra biển, mỗi cơn sóng phủ qua xong là một lần chúng tôi biết mình vẫn còn sống. Quãng đường ra khơi đã gian nan nhưng lúc tiếp cận được gần tàu VIETSHIP 01 còn khó khăn hơn nhiều lần”, anh Khôi nhớ lại.

Screen Shot 2021-03-16 at 10.00.36 AM
Xuồng cao su của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 đang vượt sóng dữ tiếp cận thuyền viên bị nạn. (Ảnh: Vinamarine)

Tình người bao la

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, đoàn viên Trần Văn Khôi cho biết nhiều lần trực tiếp chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết của những người bị nạn. Trong thời khắc ngắn ngủi đó những nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp mà cứu sống được những người gặp nạn thì niềm vui sướng càng nhân lên bội phần. Điều đó thôi thúc anh quyết  tâm và tận hiến với nghề, trân quý cuộc sống hơn.

“Nhiều lần cứu được người trở về đất liền an toàn nhìn thấy người thân của họ òa khóc, có người ngất xỉu vì vui và sự bình an của họ do mình góp phần tạo nên thì mình cảm thấy rất tự hào, vui sướng với bớt  đi những khó khăn mệt nhọc nguy hiểm. Đồng thời, anh em trên tàu cùng sống chung với nhau, cùng nhau vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn nên yêu thương và khăng khít với nhau vô cùng. Chính những điều này là động lực cho tôi gắn bó và yêu quý công việc, đồng nghiệp của mình”, anh Khôi chia sẻ.

Tìm kiếm cứu nạn hàng hải mặc dù là một công việc đặc thù, vất vả, nguy hiểm nhưng được xem là 'bà đỡ giữ trừng khơi ', lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải góp phần giảm bớt mất mát, giành giật lại sự sống cho những người hành nghề trên biển. Họ cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển.

“Trong nhiều nhiệm vụ, tôi đã nhiều lần chứng kiến ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết không chỉ của những người gặp nạn mà của chính bản thân tôi, của anh em đồng nghiệp. Trước ranh giới đó, tôi nhận thức rõ được trọng trách của mình. Chính vì vậy tôi càng tích cực rèn luyện bản thân trở nên tỉ mỉ, cẩn trọng hơn vì tôi biết rằng, một sai lầm nhỏ của bản thân sẽ đưa cả tập thể tàu vào tình huống nguy hiểm, những tình huống không thể sửa sai được”, đoàn viên Trần Văn Khôi cho biết.

Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 mặt biển, với chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Cơ quan chuyên trách thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên toàn bộ vùng biển Việt Nam là Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, với 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng được phân bố thành 4 trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải từ khu vực I đến IV, với việc đảm đương các nhiệm vụ cứu hộ trên từng khu vực biển khác nhau của Việt Nam.

Theo thống kê trong năm 2020 các lực lượng chức năng đã tiếp nhận và xử lý 583 vụ, điều động 56 lượt tàu cứu nạn chuyên dụng thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển, hỗ trợ 765 người, trong đó có 13 công dân nước ngoài; số phương tiện cứu và hỗ trợ là 60 tàu.

Ý kiến của bạn

Bình luận