GS. TS. NGND. Nguyễn Viết Trung |
Bài học nhớ mãi
Thầy Trung chia sẻ: “Tôi đến với nghề giáo thực ra chẳng có cơ duyên gì cả. Lúc bấy giờ, lớp tôi có khoảng 120 người tốt nghiệp, mọi người tỏa đi khắp các công trường trong cả nước, tôi được Nhà trường giữ lại để giảng dạy. Lúc đó, các thầy hướng như vậy thì tôi làm theo chứ với tuổi 21 khi đó tôi còn non nớt với ngành với nghề lắm", thầy cười mãn nguyện.
Là cựu sinh viên Trường Đại học GTVT, thầy được học qua nhiều thầy giáo có uy tín trong và ngoài ngành GTVT. Từ đó đến nay người còn người mất nhưng ở mỗi người thầy đều lĩnh hội được cái tâm với nghề và phong cách nghiên cứu khoa học. Thầy sẽ mãi khắc ghi những bậc “cây đa cây đề” như thầy Đỗ Doãn Hải - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT, thầy Lê Quý An, thầy Nguyễn Sanh…, đặc biệt là thầy Phan Vị Thủy đã tận tình, sát cánh trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ.
Trong cuộc đời Giáo sư Trung có một câu chuyện khiến ông khắc cốt ghi tâm đến tận bây giờ mà ông vẫn thường kể cho sinh viên của mình. Thầy Trung chậm rãi: “Đó là khoảng năm 1983, tôi cùng thầy Hữu (hiện là giáo sư đang giảng dạy tại Trường) đi làm xi măng lưới thép tại Sài Gòn - đây là giai đoạn rất khó khăn cả về đời sống lẫn vật tư. Lúc bấy giờ, tôi rất chán nản bởi vừa đi làm xa nhà mà công việc lại không nhận được sự ủng hộ. Biết được tâm tư của chúng tôi, các thầy đã động viên và truyền cho chúng tôi lòng đàm mê. Thầy Lê Quý An căn dặn tôi: “Cậu không chỉ đi làm khoa học kỹ thuật mà là đi làm cách mạng khoa học kỹ thuật. Mà cách mạng khoa học kỹ thuật là cuộc cách mạng vô cùng khó khăn, phức tạp. Mỗi một người chỉ làm được một phần nhỏ thôi, cho nên đừng có buồn phiền quá, cứ cố mà làm thôi”. Lời dạy bảo đó của thầy tựa như kim chỉ nam trong suốt cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học của tôi”.
“Câu nói “làm cách mạng khoa học kỹ thuật” rất là lý thuyết, bình thường nghe có vẻ sáo rỗng nhưng càng ngẫm càng thấy câu nói của thầy giá trị, thấm thía, nó như động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học”, thầy Trung tâm sự.
Niềm tự hào
Không giấu được niềm tự hào khi nhắc lại các thế hệ sinh viên đã từng học tập tại trường, thầy Trung xúc động: “Hiện tại, tôi là Tổ trưởng nghiệm thu Nhà nước ở cầu Vàm Cống. Khi đi thực tế cầu Vàm Cống, được biết tất cả những người chỉ huy cầu, kỹ sư ở đây đều là sinh viên Trường Đại học GTVT khóa 36 và khóa 37. Những sinh viên đó đã trưởng thành rất nhanh qua năm tháng và thực tiễn công việc. Giờ đây, các thế hệ sinh viên Nhà trường có thể đảm nhận bất cứ khâu nào trong thi công cầu, họ tiếp nhận công nghệ mới của thế giới rất nhanh và kịp thời. Còn nhớ, khi làm cầu Cần Thơ khoan cọc nhồi có độ sâu 100m, chúng ta phải thuê cán bộ kỹ thuật Hồng Kông sang khoan. Nhưng tới công trình cầu Vàm Cống với độ sâu khoan cọc nhồi 120m, đường kính 2,5m được thực hiện bởi toàn bộ kỹ sư Việt Nam. Những lứa sinh viên giỏi như vậy khiến mình cảm thấy sung sướng và vô cùng tự hào".
Trăn trở của người thầy
Trong đời dạy học của mình, thầy luôn truyền đạt cho sinh viên những kiến thức hay, dạy cho họ phương pháp làm việc khoa học và quan tâm, lo lắng đến tương lai của các em.
Theo thầy Trung, hiện nay mối lo ngại lớn nhất là sinh viên phân hóa trong học tập. 3 bàn đầu là những người học thật, các bàn sau là giảm dần và những người ngồi bàn cuối là không chịu học, đến lớp chỉ vào mạng chát chít…
So với cách đây 10 năm, sinh viên bây giờ có điều kiện học tập tốt hơn nhiều, được trang bị nhiều công cụ, thiết bị hiện đại như máy tính, internet... Muốn thành tài thì phụ thuộc chủ yếu vào chính bản thân mỗi sinh viên. Để trở thành kỹ sư cầu đường cũng không đỗi quá khó, cứ chăm chỉ học tập học sẽ trở thành một người kỹ sư lành nghề!
“Trước kia, trước mỗi ngày thi, chúng tôi thường xuống ăn, ở và ôn tập cùng với sinh viên 3 ngày với điều kiện học tập rất khó khăn, không có máy chiếu, internet, muốn minh họa thì chỉ có vẽ tay, tài liệu học tập lại hiếm... Thêm vào đó, mỗi lần kiểm tra, sinh viên phải mất cả ngày trả lời, nhưng nhờ chăm chỉ, ý thức nên các em vẫn đạt thành tích cao.
Băn khoăn, trăn trở là tâm sự mà thầy luôn canh cánh bên lòng. Rời ghế nhà trường, các em sinh viên sẽ vận dụng được kiến thức như thế nào? công việc ra sao? Với thầy, học trò có ngoan, có giỏi thì mới yên lòng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.