Đó là thông tin gây sốc trong những ngày vừa qua. "Thứ hạng" ấy càng khiến nhiều người băn khoăn khi quy mô kinh tế Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Liệu điều gì đã thúc đẩy người Việt tăng cường mua nhà tại Mỹ?
Nguồn lực khổng lồ đang “chảy máu”
Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.
Số tiền này tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay.
Thông tin này ngay lập tức gây chấn động khi quy mô kinh tế Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phạm Văn Đại, Trưởng Bộ Phận Nghiên Cứu Savills TP.HCM phân tích nếu ở Việt Nam mức độ sinh lời của tài sản tốt hơn thì thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài vào, khi ấy sẽ cân bằng được với nguồn vốn chuyển ra. Còn nếu Việt Nam phát triển kém, rủi ro nhiều thì chiều ra lớn hơn chiều vào. Đó là sự công bằng trong cuộc chơi toàn cầu.
GS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: “Nền kinh tế của ta còn nhiều vấn đề phải xử lý, mà lại có một lượng tiền lớn như vậy mua nhà ở Mỹ là điều phải suy nghĩ. Một nguồn lực lớn của đất nước chảy ra nước ngoài. Nó giống như mỗi năm có hàng tỷ USD chảy ra nước ngoài theo các du học sinh hay đi chữa bệnh mà ở trong nước lại không vươn lên để làm tốt hơn. Đó là điều đáng suy nghĩ vì chảy máu lượng ngoại tệ rất lớn hàng năm”.
Vì sao doanh nhân ra đi?
GS Đặng Đình Đào cũng cho rằng cũng có lý do người giàu ở Việt Nam lo ngại điều gì đó trong môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài thì có thể tạo cho họ cảm giác an toàn hơn.
Chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Những người có tiền ở Việt Nam muốn gửi tiền vào thị trường nào ổn định. Chuyển tiền sang bên Mỹ rồi thì làm gì. Một là tự mình quản lý, đầu tư vào các hoạt động kinh tế bên Mỹ. Hai là lựa cái tương đối ổn định là đi mua nhà. Đó là việc làm đơn thuần để bảo vệ nguồn tiền. Thậm chí, có người không chỉ bất an về kinh tế mà còn bất an về địa vị của mình, về rủi ro cá nhân của họ ở Việt Nam nên gửi tiền ra ngoài dự trữ”.
Trò chuyện với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận về con số 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ: Tôi nhìn vào đây thấy khá lo lắng bởi cho thấy tín hiệu thị trường trong nước chưa đủ sức hấp dẫn, giữ chân người giàu ở Việt Nam. Hiện chưa biết được những ai đem tiền đi, nhưng quan sát đó là một số doanh nhân rũ áo ra đi, nhiều doanh nhân thành đạt đã bán cho nước ngoài sản nghiệp của họ. Đấy là điều đáng tiếc bởi họ không chỉ mang tiền mà còn là cả kinh nghiệm, kỹ năng, ý tưởng.... đó là "vốn vô cùng lớn" của đất nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.