Người Việt tan giấc mộng đi xe sang giá rẻ

Doanh nghiệp 13/09/2016 10:21

Một số đại lý đã ngừng kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu.

 

tan-tanh-mong-oto-ngoai-gia-re-cua-nguoi-viet-0_oo
 

Với cách tính thuế mới theo Nghị định 122/2016 của Chính phủ vừa ban hành, các dòng ô tô đã qua sử dụng nhập về Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao. Điều này sẽ khiến nhiều người muốn mua xe cũ nhập khẩu phải chùn bước.

Ngừng nhập khẩu ô tô cũ

Anh Phong, chủ một salon ô tô trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM, cho hay salon của anh đã ngừng kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu và chuyển sang bán ô tô cũ sản xuất, lắp ráp trong nước.

“Tôi được biết nhiều salon ô tô khác cũng đã ngừng nhập khẩu ô tô cũ. Thị trường ô tô cũ vẫn rất ảm đạm” - anh Phong nói.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, anh Phong phân tích nhiều người Việt lâu nay chuộng ô tô cũ nhập khẩu vì chỉ cần bỏ ra số tiền không nhiều đã có thể sở hữu được xe sang động cơ lớn. Ô tô cũ mà khách đặt mua thường nhập từ Mỹ, châu Âu, Nhật… Đây chủ yếu là xe đời cũ 1-2 năm nhưng nhìn giống như mới, số km ít, động cơ bền và nhiều tiện ích đi kèm. Trong khi xe mới nhập khẩu giá cao, còn xe mới được sản xuất, lắp ráp trong nước thì động cơ nhỏ, ít tiện ích. Song hiện nay nhiều người quay lưng với dòng ô tô cũ nhập khẩu.

“Việc áp thuế tuyệt đối với các loại ô tô cũ nhập khẩu đã được thực hiện từ trước đây. Nhưng các đơn vị kinh doanh mặt hàng này vẫn hoạt động được vì nhu cầu khách hàng vẫn có, dù lợi nhuận giảm. Thế nhưng từ đầu năm 2016 khi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi, tức thay vì tính trên giá xe nhập về giao cho đại lý thì tính trên giá xe đến tay người tiêu dùng đã khiến giá xe nhập khẩu tăng cao” - anh Phong giải thích.

Đặc biệt việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có dung tích động cơ lớn (ô tô cũ nhập khẩu chủ yếu động cơ lớn) từ 1-7-2016 nên giá ô tô cũ càng cao hơn. Chưa hết, Nghị định 122/2016 mới ban hành càng đẩy giá ô tô cũ nhập khẩu lên cao hơn cả xe mới khiến khách hàng không chấp nhận.

Đại diện một đại lý kinh doanh ô tô khác đưa ra ví dụ một chiếc Toyota Camry 2,5L nhập khẩu mới từ Mỹ về Việt Nam sau khi cộng các loại thuế có mức giá khoảng 1,7 tỉ đồng. Nhưng nếu nhập chiếc Camry 2,5L cũ hơn đời trước đó 1-2 năm, dù giá nhập rẻ hơn nhưng lại phải cộng thêm 70% thuế suất nhập khẩu, thuế tuyệt đối 15.000 USD/chiếc, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe này cũng tăng thêm 5%... Như vậy khi chiếc xe này đến tay người tiêu dùng giá cao hơn nhập xe mới.

“Tất cả loại thuế đều tăng đẩy giá ô tô cũ lên cao. Đó là lý do khiến nhập khẩu ô tô cũ chậm lại” - đại lý ô tô trên cho hay.

Chống gian lận thuế

Giá ô tô cũ nhập khẩu bị đẩy lên cao khiến không ít người muốn mua xe vỡ mộng. Chị Thanh, nhà ở quận Tân Bình cho hay nghe nhiều người khuyên nếu không dư dả tiền bạc và chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng ô tô thì nên mua xe cũ nhập khẩu vì có nhiều cái lợi. Chẳng hạn giá ô tô cũ đã qua sử dụng thường thấp hơn giá xe mới, số tiền bảo hiểm bỏ ra thấp hơn, các khoản thuế phí phải đóng cũng thấp hơn... Nhưng nay thấy giá xe cũ nhập quá cao nên không còn ham loại xe này.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vinh, giám đốc một công ty kinh doanh ô tô, nhận định: “Nghị định 122/2016 được Chính phủ đưa ra nhằm khẳng định chính sách siết chặt gian lận, trốn thuế đối với tất cả dòng xe cũ nhập khẩu. Tăng thuế nhập khẩu đối với ô tô cũ chắc chắn sẽ khiến giá bán của các dòng xe này tăng theo và người chịu thiệt ở đây sẽ là người tiêu dùng, khi phải bỏ thêm tiền để mua xe. Tuy vậy chủ trương này sẽ kích thích sức mua xe lắp ráp trong nước”.

Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế, nhận xét Nghị định 122/2016 của Chính phủ nhằm mục đích thống nhất về một đầu mối để áp dụng chung, tránh trường hợp có nhiều quyết định, thông tư khiến doanh nghiệp bị rối.

“Riêng với thuế tuyệt đối là loại thuế cố định, áp dụng đối với mặt hàng ô tô cũ đã qua sử dụng nhằm tránh gian lận thương mại về giá nhập khẩu. Tức dù doanh nghiệp kê khai giá nhập bao nhiêu thì cứ tính theo dung tích động cơ xe mà nộp thuế này, Nhà nước tránh được việc thất thu thuế” - ông Sơn giải thích.

Ý kiến của bạn

Bình luận