Hội nghị ATGT Việt Nam 2023: Nguy cơ cao TNGT liên quan tới học sinh, sinh viên - Tiếp cận từ lý thuyết hành vi

Diễn đàn khoa học 20/10/2023 20:21

Tại Hội nghị ATGT năm 2023, TS. Lê Thu Huyền, Đại học GTVT đã giới thiệu phương thức tiếp cận nhằm phân tích mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả của hành vi vi phạm luật giao thông của học sinh sinh viên trong dòng giao thông hỗn hợp nhiều xe máy.


Hội nghị ATGT Việt Nam 2023: Nguy cơ cao TNGT liên quan tới học sinh, sinh viên - Tiếp cận từ lý thuyết hành vi- Ảnh 1.

Học sinh, sinh viên chiếm một tỷ lệ lớn trong tai nạn giao thông đường bộ

Theo TS. Lê Thu Huyền, xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, cộng thêm với vận tải hành khách công cộng chưa phát huy được hiệu quả cần thiết, khiến cho thời gian gần đây phương tiện vận tải cá nhân gia tăng đột biến, đặc biệt tại các thành phố.

Việc gia tăng của phương tiện cá nhân đã gây áp lực rất lớn tới đời sống người dân đô thị, tiềm ẩn những nguy cơ lớn như tắc đường, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.

Trong điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông và quản lý giao thông là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta.

Học sinh, sinh viên chiếm một tỷ lệ lớn trong tai nạn giao thông đường bộ. Điều này để lại hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề đối với bản thân người bị nạn và toàn thể xã hội. Việc áp dụng các biện pháp an toàn giao thông cần được thực hiện đồng bộ để thu được hiệu quả triệt để đối với tất cả các thành phần của hệ thống giao thông.

Các hành vi vi phạm luật giao thông không chỉ có ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn có tác động tới năng lực thông hành của hệ thống giao thông đường bộ. Bài báo giới thiệu phương thức tiếp cận nhằm phân tích mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả của hành vi vi phạm luật giao thông của học sinh sinh viên trong dòng giao thông hỗn hợp nhiều xe máy.

Ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua, tốc độ cơ giới hóa nhanh chóng trong giao thông vận tải, đặc biệt là sự bùng nổ sử dụng xe gắn máy và các phương tiện cơ giới cá nhân khác, trong điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự hạn chế trong ý thức của người điều khiển phương tiện và trình độ quản lý giao thông là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông đường bộ.

Hầu hết các báo cáo của các cơ quan quản lý và các nghiên cứu khoa học đều cho rằng những hành vi gây mất an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện là nguyên nhân chính của 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên cho đến nay, các nghiên cứu về hành vi gây mất an toàn giao thông ở Việt Nam đều chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng các chỉ tiêu thống kê từ phân tích hồ sơ tai nạn của cảnh sát giao thông trong khi những hồ sơ gốc của các số liệu này thường rất khó tiếp cận vì những quy định về an ninh và tố tụng.

Hơn nữa, những kết quả phân tích hồ sơ tai nạn thường phụ thuộc vào đánh giá định tính và chủ quan của nhân viên khám nghiệm hiện trường, các nhà nghiên cứu chuyên môn về giao thông thường không thể can thiệp vào quá trình đánh giá mà chỉ đơn thuần sử dụng lại kết quả đánh giá. Trong khi đó, trong hoạt động tham gia giao thông hàng ngày trên đường và tại nút giao, những hành vi gây mất an toàn giao thông vẫn thường xuyên xảy ra tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đồng thời trực tiếp làm giảm tốc độ và lưu lượng dòng giao thông.

Nghiên cứu về lý thuyết hành vi và khảo sát thực tế các hành vi vi phạm luật giao thông có thể xác định phương pháp phân tích rủi ro, phân tích chuỗi nguyên nhân - kết quả thực hiện hiệu quả trong phân tích các hành vi vi phạm luật giao thông, từ đó có thể xác định mối quan hệ trực tiếp giữa các hành vi vi phạm luật giao thông và tai nạn giao thông, giữa ý thức và nhận thức của lái xe với các hành vi nguy hiểm.

Cùng với đó là phương pháp có thể phát huy tác dụng ngay cả trong điều kiện thiếu dữ liệu. Đồng thời, có khả năng nâng cấp và mở rộng khi có thêm hiểu biết và dữ liệu; Có thể xây dựng mô hình định lượng đánh giá tác động của các biện pháp, chiến lược, chính sách an toàn giao thông trước khi triển khai thực tế; Đề xuất và đánh giá hiệu quả các giải pháp điều chỉnh hành vi trong dòng giao thông hỗn hợp nhiều xe máy.

Ý kiến của bạn

Bình luận