Nguy cơ gia tăng bến thủy nội địa không phép

Tác giả: Mỹ lệ

saosaosaosaosao
Ý kiến 05/06/2017 14:10

Nhiều chủ doanh nghiệp bến thủy nội địa dọc tuyến Tầm Vu,phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ phản ánh tình trạng không thể gia hạn giấy phép hoạt động


 

Hình 3 BTNĐ -ML den trang
 


Ông Tô Thanh Phong, chủ doanh nghiệp Diễm Ngân có địa chỉ tại 170 đường 3/2, phường Hưng Lợi phản ánh: Ngày 23/1/2017, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ lên Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) TP. Cần Thơ để đổi giấy phép hoạt động. Theo quy định thì thời gian giải quyết hồ sơ tại đơn vị này là 03 ngày và thời gian trả kết quả là ngày 02/02.

Đến ngày 06/2, doanh nghiệp này nhận được văn bản số 204 của Sở GTVT TP. Cần Thơ do ông Lê Thuận Bé - Phó Giám đốc Sở ký. Văn bản này trả lời rằng: “Qua kiểm tra thực tế vị trí bến thủy nội địa của doanh nghiệp Diễm Ngân nằm trong dự án xây dựng bờ kè rạch Cần Thơ đang triển khai thi công. Để đảm bảo công tác cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa phù hợp với quy định của pháp luật, Sở GTVT đã gửi văn bản đến Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ để cung cấp thông tin liên quan. Vì vậy, Sở GTVT TP. Cần Thơ chưa giải quyết cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp Diễm Ngân. Khi có văn bản trả lời của các bên liên quan Sở sẽ xem xét giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều tháng gửi hồ sơ thì giấy phép của doanh nghiệp này vẫn không thể gia hạn và doanh nghiệp Diễm Ngân từ một bến thủy nội địa có phép trở thành không phép.

Tuy nhiên, trái ngược với văn bản số 204/SGTVT-CVĐTND của Sở nêu trên thì  ngày 27/02 Sở GTVT Cần Thơ lại ban hành giấy phép số 634/GPBTNĐ cho Công ty TNHH VLXD Thanh Thy tại địa chỉ km 08+374 đến km 08+391. Giấy phép này có thời hạn hoạt động từ ngày 27/3/2017 đến ngày 26/5/2017.

Điều đặc biệt là bến của doanh nghiệp Diễm Ngân đặt tại km 08+280 đến km 08+295 tức là chỉ cách khu vực của Công ty TNHH Thanh Thy chỉ 79m. Và theo thông báo của Sở GTVT thì khu vực nói trên đang nằm trong dự án xây dựng bờ kè. Thế nhưng không hiểu sao, một doanh nghiệp xin gia hạn lại không được cấp phép gia hạn nhưng Sở GTVT TP. Cần Thơ vẫn có thể cấp phép một bến thủy nội địa mới để đưa và hoạt động?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Anh Kiệt - Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy Nội địa Khu vực IV (Cục ĐTNĐ) cho biết:  Tính đến nay tổng số cảng, bến mà đơn vị này quản lý là 1.749 cảng bến. Trong đó, số bến được cấp giấy phép là 1.524 và số còn lại hoạt động không phép (chiếm khoảng 12,86%). Và việc doanh nghiệp Diễm Ngân cũng nằm trong tình trạng tương tự. Quá trình kiểm tra, đơn vị đã hướng dẫn doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Sở GTVT để xin gia hạn. Tuy nhiên, qua nhiều lần kiểm tra, doanh nghiệp này vẫn đang trong tình trạng hoạt động “không phép”.

Ông Kiệt cho biết, việc 255 bến thủy nội địa hoạt động không phép nằm đan xen các bến đã được cấp phép hoạt động sẽ tạo ra những phức tạp cho khu vực mà đơn vị đang quản lý. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT đường thủy nội địa do các bến này hoạt động không an toàn và không chấp hành những quy định của ngành Đường thủy nội địa. Các phương tiện khi ra, vào các bến thủy nội địa này không có cơ quan kiểm tra, từ tải trọng nguồn hàng đến các vấn đề khác.

Ông Đào Anh Kiệt cũng cho biết thêm, hiện nay việc phân cấp thẩm quyền cấp phép bến thủy nội địa sang cho các sở GTVT theo quy định của Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT là nguyên nhân gây sự trùng lắp, chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Sự phân cấp, ủy quyền một số tuyến quốc gia, bến thủy nội địa giao cho địa phương quản lý, cấp phép dẫn đến rất nhiều khó khăn, bất cập do nhiều địa phương chưa thành lập cảng vụ. Hơn thế nữa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như lực lượng am hiểu về ngành Đường thủy nội địa tại nhiều địa phương còn nhiều hạn chế gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp khi xin phép hoạt động hoặc gia hạn giấy phép

Ý kiến của bạn

Bình luận