Nguy cơ làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 11/07/2019 07:23

Nửa đầu năm, quy mô số vụ vỡ nợ trái phiếu diễn ra tại Trung Quốc đã lên tới hơn 55 triệu NDT (8 tỷ USD).

lujiazui-1562647267-3171-1562647415_dpkn

Quận tài chính Lujiazui tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với thử thách thực sự sau nhiều năm vay nợ. Từ năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch giảm đòn bẩy do để kiềm chế rủi ro trên thị trường tài chính nước này. Nó đã khiến hoạt động cho vay phi chính thức đi xuống. Nhiều quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài sản cũng được áp dụng. Việc này khiến nhiều công ty khó huy động thêm vốn, gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu năm 2018.

Nửa đầu năm nay, tình hình có vẻ đang lắng xuống, khi chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiếu hụt thanh khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, rủi ro vỡ nợ lại đang cao lên, một phần do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Đây được đánh giá là vấn đề rất lớn, với nguy cơ ngày càng trầm trọng. Nửa đầu năm, số vụ vỡ nợ trái phiếu diễn ra tại Trung Quốc có quy mô hơn 55 tỷ NDT (8 tỷ USD). Trong đó có 20 vụ là lần đầu tiên. Con số cả năm ngoái là 122 tỷ NDT, gấp hơn 4 lần năm 2017. Các công ty tư nhân chiếm hơn 90% số vụ vỡ nợ năm ngoái. Tình hình này năm nay cũng tương tự.

Nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là thiếu thụt thanh khoản. Nhà đầu tư và các ngân hàng vốn chuộng cho vay doanh nghiệp nhà nước. Họ thường lưỡng lự đổ tiền cho doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ hơn. Bên cạnh đó, việc chính phủ Trung Quốc đột ngột tiếp quản ngân hàng Baoshang hồi tháng 5 cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngại rủi ro.

Một nguyên nhân khác tăng trưởng của Trung Quốc đang mất đà. Các công ty yếu kém được dự báo sắp trải qua các đợt đói vốn với áp lực trả nợ ngày càng tăng.

Trong đợt cao điểm trước, các công ty vỡ nợ nhiều nhất thuộc những ngành dư thừa công suất, như than hay thép. Lần này, quy mô ảnh hưởng rộng hơn. Hãng dầu mỏ CEFC Shanghai International Group và hãng khai thác than Wintime Energy là những cái tên vỡ nợ lớn nhất năm 2018, theo số liệu của Bloomberg. Năm nay, tập đoàn đa ngành China Minsheng Investment Group cũng đang chịu sức ép từ núi nợ 34 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc đã tích lũy nợ trong ít nhất một thập kỷ, nhằm đối phó khủng hoảng tàu chính toàn cầu. Việc này đã giúp chống đỡ kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng khiến họ phải trả giá. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP tăng vọt lên kỷ lục 160% cuối năm 2017, từ 101% cách đây 10 năm.

Năm 2016, giới chức Trung Quốc cam kết kiềm chế nợ doanh nghiệp quá mức và hạn chế đòn bẩy trên thị trường tài chính, nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo về việc vay và quản lý tiền, với mục tiêu kiềm chế hệ thống ngân hàng ngầm quy mô tới 10.000 tỷ USD của nước này.

Khi rủi ro vỡ nợ tăng cao, nhà đầu tư tiềm năng vào Trung Quốc đang phải ánh giá lại kế hoạch. Họ cũng ngày càng nghi ngờ chất lượng báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc. Kangde Xin Composite Material Group - một hãng sản xuất giấy nhựa ép tại Giang Tô (Trung Quốc) gần đây bị Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc phát hiện khai man 11,9 tỷ NDT lợi nhuận giai đoạn 2015 - 2018.

Từ tháng 7/2018, giới chức Trung Quốc đã bơm thêm thanh khoản vào thị trường tài chính, thông qua các biện pháp như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Họ đã bơm thêm tiền mặt cho các ngân hàng và đề nghị tăng cho vay các công ty nhỏ. Để giải quyết cú sốc thanh khoản sau vụ quốc hữu hóa ngân hàng, giới chức tài chính Trung Quốc thúc giục các nhà băng và công ty môi giới lớn hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành. Vì họ là những người mua chính trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy trình hiện tại, các công ty gặp vấn đề sẽ có tối đa 9 tháng từ khi tòa chấp nhận đơn xin tái cấu trúc phá sản để nộp lên kế hoạch cải tổ được tất cả các bên đồng ý. Nếu không làm được, họ sẽ bị tuyên bố phá sản và bắt đầu thanh lý tài sản.

Trên thực tế, quá trình này có thể còn dài hơn. Nhiều người tỏ ra lo ngại với sự can thiệp sâu của chính phủ Trung Quốc vào quá trình tái cấu trúc, và sự lưỡng lự của các ngân hàng trong việc làm theo kế hoạch được tòa án giám sát, do họ không muốn chịu lỗ. Nhà đầu tư ngoại cũng bị hạn chế quyền thực thi với một số tài sản công, Pacific Investment Management Co cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận