Nguy cơ xung đột lợi ích khi ông Trump vào Nhà Trắng

Chính trị 18/11/2016 17:29

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một tỷ phú làm tổng thống.

5_pkis
 


Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một tỷ phú làm tổng thống. Ông Donald Trump một nhà tài phiệt bất động sản nắm trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn rải khắp nước Mỹ và thế giới. Một vấn đề đặt ra là làm sao có thể tránh được xung đột lợi ích giữa các tập đoàn kinh doanh của đế chế Trump với công việc điều hành chính quyền của tổng thống Trump, RFI bình luận. 

Một số chuyên gia đã tỏ lo ngại hoạt động của "đế chế Trump Organization" và công việc điều hành chính quyền của ông Trump sẽ vấp phải những xung đột lợi ích chưa từng có ngày sau ngày chính quyền mới đi vào vận hành ngày 20/01/2017.

Luật pháp Mỹ không cấm cản một tổng thống sở hữu các công ty tư nhân đồng thời với việc thực thi lãnh đạo quốc gia. Chỉ có bên Quốc hội, các quy định về sở hữu tài sản với các nghị sĩ khắt khe hơn.

Trong quá khứ, ông Lyndon Johnson khi lên làm tổng thống Mỹ vẫn bí mật điều hành các công ty riêng mặc dù ông vẫn cam đoan với công chúng là đã chấm dứt công việc đó. Theo ông Noah Bookbinder, tổng giám đốc của Citizens for Responsibility an Ethics in Washington, một tổ chức dân sự độc lập, trong việc này không có một ràng buộc pháp lý nào.

Từ sau thời Lyndon Johnson, phần lớn các chủ nhân Nhà Trắng đều đặt tài sản cá nhân, dù đó là bất động sản hay đầu tư tài chính, vào các quỹ tín dụng do các nhà quản trị độc lập quản lý để trong thời gian điều hành đất nước, chủ sở hữu không được phép ngó ngàng đến khối tài sản đó, để tránh xung đột lợi ích.

Riêng trường hợp tổng thống Barack Obama, phần lớn tài sản của ông dạng trái phiếu kho bạc không có gì đáng kể để làm phát sinh xung đột lợi ích.

Khối lượng tài sản khổng lồ khó kiểm soát

Trong khi đó, tổng thống sắp tới của nước Mỹ là một nhà kinh doanh thành đạt, sở hữu hàng loạt danh mục đầu tư, từ bán bản quyền kinh doanh đến những tập đoàn khách sạn. Ông Trump còn nắm trong tay rất nhiều sân golf.

Trong chiến dịch tranh cử, ông ta phải công khai chi tiết tài sản tài chính. Một tài liệu dầy khoảng một trăm trang đã liệt kê cho thấy ông Trump tham gia vốn trong hơn 500 pháp nhân kinh doanh. Trong đó có một số tên như China Trademark LLC hay DT Marks Qatar LLC. Tuy nhiên tài liệu không nói cụ thể tính chất tham gia vốn.

Mặc dù có thể nói, các tổng thống Mỹ thường là những người có của, nếu không muốn nói là giàu có, nhưng chưa có một ai bước vào Nhà Trắng lại có trong tay một khối lượng tài sản lớn như Donald Trump.

Được hỏi về việc tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ  quản lý các công việc kinh doanh như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống, phát ngôn viên của ông Trump đã từ chối trả lời.

Để tránh các rắc rối có thể  xảy ra, Donald Trump đã thông báo trong chiến dịch tranh cử, có thể ông sẽ chuyển quyền quản lý các đầu tư cho các con. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thuyết phục được các nhà chuyên môn về vấn đề đạo đức điều hành chính quyền.

Ông Kenneth Gross, một luật sư ở Washington, từng tư vấn cho nhiều chính khách gặp rắc rối với pháp lý, nhận định, việc chuyển quyền quản lý tài sản dường như chỉ giải quyết vấn đề thời gian dành cho nhiệm vụ tổng thống chứ không thể ngăn cản được nguy cơ xung đột lợi ích vì: "các lợi ích của gia đình ông ta, của con cái ông đều cùng tồn tại với lợi của ông chính ông ta".

Tính chất của các hoạt động làm ăn của Donald Trump càng chứng minh sự cần thiết phải nhờ đến các quỹ tín dụng độc lập, ông Richard Gross nhận định. Thế nhưng, Donald Trump đã bác bỏ ý kiến này.

Lợi ích ở nước ngoài

Nhìn vào khối tài sản của Donald Trump ngay tại Mỹ đã thấy một số xung đột lợi ích là không tránh khỏi. Thí dụ một trong số các công trình xây dựng gần đây nhất, đó là một khách sạn hạng sang xây tại Washington trên mảnh đất thuê của chính quyền liên bang. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, Donald Trump sẽ cùng lúc đại diện cả hai bên.

Ngoài ra, Donald Trump còn đứng tên rất nhiều hợp đồng chuyển giao bản quyền kinh doanh, đồng thời sở hữu nhiều tổ hợp công ty địa ốc có mặt ở tại nhiều nước lớn và các công ty đó có thể được hưởng ưu đãi thuế từ các chính phủ nước ngoài.

Theo New York Times, một số công ty của Trump nắm hàng triệu đô la tiền nợ của các ngân hàng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật Mỹ như ngân hàng Đức, Deutsche Bank hay Bank of China.

Riêng về đế chế khách sạn, hệ thống khách sạn của Donald Trump trải khắp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Uruguay qua Philippines, Hàn Quốc. Ông ta còn sở hữu nhiều sân golf ở các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ở Ai-len hay Anh Quốc.

Đó là những tài sản có thể dễ dàng làm nảy sinh xung đột lợi ích. Có gì bảo đảm các nước có đầu tư của Donald Trump sẽ không gây ảnh hưởng đối với chính sách của Hoa Kỳ qua công việc làm ăn với công ty của Trump hay của con cái ông ta.

Cô con gái Ivanka của ông nắm giữ một thương hiệu đồ may sẵn, được gia công ở Trung Quốc, quốc gia đã bị Trump chỉ mặt thao túng tiền tệ và ông còn dọa xem lại khung thuế đối với hàng nhập từ nước này.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, ứng viên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton cũng đã bị chỉ trích nhiều vì những khuất tất tài chính liên quan đến  quỹ Clinton Foudation, do chồng bà, Bill Clinton thành lập.

Trong thời gian còn làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Clinton đã phải ký một văn bản cam kết các nhà tài trợ không được can thiệp vào chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời chấp nhận để bộ Ngoại giao Mỹ được quyền giám sát các khoản tài trợ đến từ nước ngoài.

Ngược lại với bà Hillary Clinton, ông Donald Trump chẳng có gì báo cáo ai. Trong chiến dịch tranh cử ông ta chẳng ngại gì tổ chức mít tinh ngay tại các khách sạn của mình hay lấy các công ty của mình làm dẫn chứng trong các diễn văn.

Theo nhiều chuyên gia, việc đặt các tài sản của Trump như khách sạn hay sân golf dưới sự quản lý của một quỹ tín dụng là vô ích, người ta sẽ không còn biết ông ta sở hữu những tài sản nào. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến triệt để, theo những người này, cách duy nhất để loại trừ nguy cơ xung đột lợi ích đó là : thanh lý tất cả các tài sản của Trump sau đó gửi tiền vào một quỹ tín dụng.

Nguy cơ nảy sinh các xung đột lợi ích càng trở nên rõ nét hơn khi mà các tài sản của ông Donald Trump vẫn rất mù mờ. Giá trị của nó cũng đã từng là vấn đề được bàn luận. Nếu nhà tỷ phú nói khoảng 10 tỷ đô la , thì nhiều tạp chí tài chính chỉ ước tính khối gia sản đó chỉ chưa đầy một nửa con số trên.

Ông Donald Trump vẫn khăng khăng từ chối công bố các kê khai thu nhập và cũng chẳng có gì bắt ông ta làm được điều đó một khi đã chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. 

Ý kiến của bạn

Bình luận