Toàn cảnh hiện trường vụ sập biệt thự cổ tại số 107, đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội |
Mưa liên tục làm toà nhà bị thấm nước
Liên quan đến vụ sập nhà cổ ở Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP Hà Nội cho biết: Sau quá trình điều tra ban đầu cho thấy tòa nhà được xây từ năm 1905, đã qua sửa chữa tu tạo những năm 1990, có diện tích mặt bằng 1164m2. Như vậy, ngôi nhà đã qua tới 110 năm sử dụng. Toà nhà này có 3 khối, trong đó khối giữa diện tích 300m2 đã đổ sập ra hai bên lối đi.
Đại tá Nguyễn Văn Quyền tiết lộ: “Qua điều tra ban đầu xác định sơ bộ, tòa nhà xây dựng nhiều năm (110 năm) đã xuống cấp và thời tiết liên tục mưa những ngày qua khiến tòa nhà thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần”.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức giám định nguyên nhân theo quy định pháp luật. Cụ thể Sở Xây dựng đề nghị giao Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội tổ chức giám định, xác định nguyên nhân sự cố, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công trình và các công trình liền kề, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo, giải quyết.
Sức khoẻ các nạn nhân cấp cứu đã ổn định
6 nạn nhân bị thương gồm: Nguyễn Thị Tiêu (SN 1951, trú Tầng 1, Khu TT 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị đa chấn thương; Tào Thị Hiện (SN 1965, có HKTT ở Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) bị thương ở chân; Vũ Thị Thúy Hằng (SN 1978, trú tại Tầng 1, Khu TT 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị chấn thương sọ não, gãy xương chậu; Nguyễn Văn Nức (SN 1971, có HKTT ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) bị thương ở chân; Trần Thị Nga (khoảng 60 tuổi có HKTT ở Khu TT 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị đa chấn thương, mất ý thức; Nguyễn Thị Huyền (SN 1988, có HKTT ở Tây Hồ, Hà Nội). |
Vụ sập biệt thư cổ ở Hà Nội xảy ra vào lúc 12h45 ngày 22/9 đã làm 2 người chết, 6 người bị thương. Danh tính 2 nạn nhân tử vong được xác định là Lê Thị Hường (SN 1969) có HKTT ở Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội; Trần Thị Nga (SN 1979) có HKTT ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cả hai đều bị vùi lấp và được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Sáng nay (23/9), hai nạn nhân bị thương nặng là Vũ Thị Thúy Hằng và Trần Thị Nga sức khỏe đã ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng. 4 nạn nhân còn lại sức khỏe có tiến triển tốt, đang trong giai đoạn bình phục nhanh.
Để động viên tinh thần, hỗ trợ một phần vật chất cho các nạn nhân tại các bệnh viện, quận Hoàn Kiếm đã bước đầu hỗ trợ các gia đình có người bị thương 1,5 triệu đồng/người và gia đình có người thiệt mạng là 5 triệu đồng/người.
Các nạn nhân đã được vào hiện trường lấy tài sản
Sáng nay (23/9), hàng chục hộ dân lân cận ảnh hưởng bởi sự cố sập nhà cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở lại hiện trường để vào bên trong lấy tài sản, đồ dùng cá nhân phục vụ trong những ngày được bố trí tạm trú tại tòa nhà CT1B – Định Công (Hoàng Mai).
Để đảm bảo tài sản cho người dân sống trong khu vực cạnh hiện trường vụ sập nhà cổ, lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ dẫn từng người một vào trong khi thật sự cần thiết còn lại không ai được vào trong để đảm bảo công tác điều tra.
Gần 60 hộ dân được lực lượng chức năng cho vào nhà lấy đồ đạc, quần áo và các dụng cụ thiết yếu. |
Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa đã dẫn đầu đoàn thăm hỏi đến gặp 13 hộ dân vụ sập nhà cổ ở 107 Trần Hưng Đạo đã được chuyển đến tạm cư ở chung cư CT1B Định Công. Bên cạnh việc thăm hỏi, chính quyền quận cũng muốn kiểm tra tình trạng ăn ở của nhân dân và hỗ trợ, giải quyết tiếp các kiến nghị. 8 hộ dân khác cũng đang đề xuất được tạm cư, quận và Sở Xây dựng sẽ phối hợp sắp xếp tiếp cho các hộ này.
Tại căn hộ khá rộng với 2 phòng ngủ, ông Nguyễn Quang Tuyến (62 tuổi) cho biết lúc xảy ra vụ sập nhà ông đang bế cháu ở nhà nên chứng kiến toàn bộ vụ việc. Bây giờ nghĩ lại ông vẫn còn run. Ông rất cảm kích trước sự quan tâm của TP, chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường Cửa Nam đã “giải cứu” nhân dân như với người thân. Các lực lượng chức năng đã lăn lộn tại hiện trường, mua cả chiếu cho người dân chuyển đến nơi tạm cư nằm (vì tài sản, vật dụng đang bị phong tỏa tại hiện trường chưa chuyển đến được). Ông Tuyến cho biết cũng không ngờ, trong điều kiện Thủ đô đang “căng” vì phải sắp xếp nhà cho nhiều người dân GPMB ở các công trình trọng điểm, nhưng lại có thể bố trí tạm cư rất nhanh cho các hộ dân vụ nhà sập.
Bên cạnh đó, ở khu nhà bị sập sẽ tiếp tục được phong tỏa để Sở Xây dựng để kiểm định lại công trình, đánh giá mức độ nguy hiểm cho cả các khối nhà liền kề. Sau đó, chỗ nào có thể gia cố, chống đỡ để đảm bảo an toàn, khu vực nào có đủ điều kiện sẽ bố trí để người dân trở về nhà. Phía lực lượng công an cũng sẽ tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực nhà sập, đảm bảo tài sản cho nhân dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.