Nhà máy biến rác thải thành điện đầu tiên ở châu Phi

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 26/08/2018 06:13

Nhà máy điện Reppie với công suất 25 megawatt mỗi ngày sẽ giúp đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng điện ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

 

nha-may-reppie

Nhà máy điện Reppie chính thức đi vào hoạt động ở Ethiopia. Ảnh: CGTN).

Cơ sở sản xuất điện từ rác thải đầu tiên ở châu Phi hôm qua chính thức đi vào hoạt động ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Nhà máy điện Reppie sẽ giúp chuyển hóa 1.400 tấn chất thải rắn mỗi ngày thành năng lượng, tương đương 80% lượng chất thải của cả thành phố, theo AFP.

Nhà máy được xây dựng cạnh bãi rác khổng lồ có tên gọi là Koshe, nơi tập kết rác thải chính của khoảng 4 triệu người dân ở thủ đô Addis Ababa trong hơn 40 năm qua. Dự án do Chính phủ Ethiopia, tập đoàn Cambridge Industries của Anh và công ty Kỹ thuật Điện Quốc gia Trung Quốc (CNEEC) hợp tác phát triển có chi phí xây dựng lên tới 118 triệu USD.

Chất thải rắn được xử lý và đem đốt bên trong các buồng đốt của nhà máy. Nhiệt sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ được sử dụng để đun sôi nước. Hơi nước tạo ra làm quay các turbine của máy phát điện, giúp tạo ra năng lượng. Với công suất dự kiến 25 megawatt mỗi ngày, nhà máy có thể đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng điện của người dân thủ đô Addis Ababa.

bai-rac-koshe

Bãi rác Koshe ở ngoại ô thành phố Addis Ababa. (Ảnh: AFP).

 Bên cạnh đó, nhà máy điện Reppie còn được trang bị công nghệ xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình đốt rác.

Theo Thủ tướng Teshome, trong những năm qua, Ethiopia đã đầu tư rộng rãi vào các loại hình sản xuất điện dựa trên các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như thủy điện, địa nhiệt điện, điện gió và giờ đây là điện sinh khối. Dự án Reppie là một phần trong chiến lược xây dựng "nền kinh tế xanh bền vững" của Chính phủ Ethiopia.

Ý kiến của bạn

Bình luận