Tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng hay hỏng hóc làm ngư dân điêu đứng được neo ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định - Ảnh: Trường Đăng |
Chiếc tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ông Nguyễn Văn Mạnh (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (ở Nam Định) đóng hiện đã gỉ sét phần vỏ và hư hỏng ở boong, thiết bị, không an toàn để đi biển.
“Gia đình tôi thiếu sót khi không thuê đơn vị tư vấn giám sát thi công độc lập, dẫn đến bị nhà máy làm ẩu mà mình không biết, hoặc biết mà nói họ không nghe” - anh Nguyễn Văn Khỏe, con trai ông Mạnh, nói.
Dân tự làm giám sát
Anh Khỏe nói không cơ quan chức năng nào hướng dẫn, cảnh báo về việc tư vấn giám sát thi công cho gia đình anh cũng như những ngư dân đóng tàu vỏ thép khác, nên bà con không chú trọng lắm đến việc này.
“Chúng tôi cũng không ngờ rằng nhà máy lại dùng thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc như trong hợp đồng. Tôi ra nhà máy của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, thấy họ đóng tàu cho nhà tôi bằng thép ghi “made in China”, tôi thắc mắc, yêu cầu làm cho đúng còn bị họ phản ứng” - anh Khỏe nói.
Theo ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này qua kiểm tra đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công.
“Không có giám sát độc lập, trong khi ngư dân mình chưa biết gì về tàu vỏ thép, để nhà máy làm sao thì biết vậy, họ có theo dõi đi nữa cũng khó phát hiện nhà máy có làm đúng thiết kế, hợp đồng hay không. Sở đã cảnh báo rồi nhưng ngư dân không nghe, họ nghĩ việc phải thuê tư vấn giám sát là tốn thêm tiền, trong khi ngân hàng cho vay cũng không có trách nhiệm lắm đến việc này” - ông Hổ cho biết.
Ông Võ Thiên Lăng - phó chủ tịch Hội Nghề cá VN - phân tích: “Nếu đóng tàu vỏ gỗ, nhà máy không lừa được ngư dân vì họ quá hiểu loại tàu này. Nhưng với tàu vỏ thép thì ngư dân không biết gì. Họ không đủ trình độ xem bản vẽ thiết kế để biết được nhà máy có đóng đúng như bản vẽ đã ký kết trong hợp đồng không, rồi loại thép được đóng chất lượng ra sao, máy móc, trang thiết bị xuất xứ thế nào... Họ chỉ so sánh giá nhà máy A với nhà máy B, chỗ nào rẻ hơn mà làm được mẫu tàu phù hợp là họ chọn.
Tự giám sát mà không biết gì, nên mới xảy ra việc hợp đồng là thép Hàn Quốc nhưng nhà máy lại đóng bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng khiến vỏ tàu nhanh chóng gỉ sét, xuống cấp. Rồi máy móc lắp ráp thiếu đồng bộ, khi vận hành thì hư hỏng, sửa đi sửa lại cũng không xong”.
Phải bắt buộc có tư vấn giám sát
Trước tình hình nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng ở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Nam Triệu bị hư hỏng, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nói các nhà máy đóng tàu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân rồi làm thiếu trung thực, cho ra đời những con tàu mà ra khơi xa chỉ cần bị đâm va là mất an toàn, có khi tính mạng ngư dân không đảm bảo là làm hỏng cả một chương trình lớn của quốc gia.
Ông Phan Trọng Hổ nói vấn đề thiếu tư vấn giám sát thi công là “lỗ hổng” lớn nhất trong thực hiện nghị định 67.
Đến nay, ngoài Bình Định còn có một số tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên cũng bị hư hỏng và nhanh chóng xuống cấp. “Tôi nghĩ nên có quy định bắt buộc về tư vấn giám sát đóng tàu chứ không để cho ngư dân tự quyết, nhà máy làm gì thì làm” - ông Hổ nói.
Trong khi đó, theo ông Vũ Thái Hệ - phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản, quá trình kiểm định tàu cá không có quy định về kiểm tra tư vấn giám sát bởi đây là hoạt động độc lập trong quá trình thi công.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là nội dung quan trọng cần có khi ngư dân chúng ta không đủ trình độ để giám sát thi công. Các cơ quan quản lý nhà nước như sở NN&PTNT, chi cục thủy sản... ở các địa phương cần hướng dẫn, giới thiệu để ngư dân thuê tư vấn giám sát thi công con tàu, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc như vừa qua” - ông Hệ nói.
Không chỉ “vá lỗi” tư vấn giám sát, ông Võ Thiên Lăng cho rằng cần thành lập đoàn thanh tra các nhà máy đóng tàu vỏ thép cho ngư dân có vấn đề. Nếu nhà máy nào vi phạm nặng phải loại khỏi danh sách những nhà máy được giới thiệu đóng tàu theo nghị định 67.
Bên cạnh đó, “cơ quan thiết kế tàu vỏ thép cũng phải gặp ngư dân để tìm hiểu nhằm thiết kế những con tàu đa nghề, kiêm nghề bởi lẽ nếu tàu chỉ chuyên một nghề thì ngư dân khó đánh bắt thời gian dài trong năm, khi mà từng loại nghề đều có thời gian khai thác nhất định” - ông Lăng đề xuất.
Đề nghị xem xét chế độ tín dụng tàu cá theo nghị định 67 Ông Nguyễn Trà Dương - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định - cho biết vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Bình Định kiến nghị xem xét một số chính sách cho tàu cá trong chương trình nghị định 67. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại điều chỉnh thời hạn cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi cho toàn bộ các chủ tàu tham gia chương trình lên 16 năm, vì một số chủ tàu tham gia giai đoạn đầu chỉ được cho thời hạn 11 năm. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cấp bù lãi suất trong trường hợp ngư dân đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu để trả vì các lý do: tàu được giao kém chất lượng phải sửa chữa dài ngày; do diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu, ngư trường... Cho phép ngư dân được đề nghị ngân hàng điều chỉnh lịch trả nợ như tăng và giảm số tiền trả nợ ở một số kỳ trong năm phù hợp với thực tế... |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.