Ngày 31-3-2017, FBI công bố 27 bức ảnh mới về vụ tấn công Lầu Năm Góc 16 năm trước - Ảnh: FBI |
Thế nhưng vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001 mới là vụ không tặc lớn nhất và gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới.
19 tên khủng bố chia làm bốn nhóm, cướp bốn máy bay của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines để lao vào các tòa nhà biểu tượng của nước Mỹ.
Một năm chuẩn bị
Bọn không tặc đã điều khiển cho hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở Manhattan (New York). Chiếc thứ ba lao xuống Lầu Năm Góc ở Washington DC. Chiếc thứ tư rơi xuống cánh rừng ở Pittsburgh (Pennsylvania) nhờ các hành khách và phi hành đoàn dũng cảm không để bọn khủng bố điều khiển máy bay lao đến mục tiêu Nhà Trắng.
19 tên khủng bố ở độ tuổi từ 20-35. Phần lớn là công dân Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công, bọn không tặc đã nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ bằng visa du lịch và du học sinh từ nhiều năm trước.
Một số tên sống chung với gia đình của mình. Một số khác thuê phòng khách sạn hay thuê nhà. Chúng đăng ký vào các trường hàng không để học lái máy bay và liên lạc với nhau qua hộp thư bưu điện hay thư điện tử. Trình độ học vấn của chúng không đến nỗi tồi. Một số tên đã du học ở châu Âu như Mohammed Atta, 33 tuổi, tên đầu tiên lao máy bay vào tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới. Tên này từng đến Hamburg (Đức) học về quy hoạch đô thị.
Tháng 7-2000, hắn đến Florida (Mỹ) thuê nhà ở chung với người anh em họ Waleed al-Shehri, 23 tuổi, một trong 19 tên không tặc. Chúng đăng ký học lái máy bay với học phí sáu tháng 10.000 USD.
Cuối tháng 8-2001, 19 tên khủng bố đã đặt vé máy bay qua mạng hay mua trực tiếp tại sân bay. Các ghế ngồi được bố trí ở đầu hàng hạng phổ thông dọc máy bay. Có hai tên bỏ ra 4.500 USD mua vé hạng nhất. Chúng trang bị dao cạo và dao xếp giấu trong túi đựng vật dụng.
19 tên cuồng tín đã chuẩn bị kế hoạch không tặc suốt một năm. Trong chưa đầy hai tiếng, từ 8h14 đến 10h03 ngày 11-9-2001, vụ tấn công đã làm 2.977 người thuộc 93 quốc tịch chết và mất tích cùng 6.291 người bị thương.
Trong báo cáo công bố cuối tháng 8-2004, Ủy ban quốc gia về tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9 kết luận tổ chức khủng bố Al Qaeda là thủ phạm, Osama Bin Laden chủ mưu và Khalid Sheikh Mohammed giữ vai trò tổ chức. Sau đó, Mỹ đã khơi mào cuộc chiến chống khủng bố bằng chiến dịch quân sự đánh Taliban ở Afghanistan vào tháng 10-2001 và xâm chiếm Iraq tháng 3-2003.
Bắn chết nhà ngoại giao Việt Nam
Bảy năm trước đó, Pháp đã thoát được một vụ tương tự. Hôm Giáng sinh 24-12-1994, bốn tên thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang của Algeria cướp máy bay với ý định sẽ cho máy bay đâm vào tháp Eiffel tại Paris.
Hôm ấy, chiếc Airbus A300 mang số hiệu AF 8969 của Hãng hàng không Pháp Air France chở 241 người đậu tại sân bay ở thủ đô Algiers (Algeria) chuẩn bị bay về Marseille (Pháp). Nhờ một thanh tra cảnh sát biến chất giúp đỡ, nhóm không tặc do Abdul Abdallah Yahia cầm đầu lên máy bay tự xưng cảnh sát rồi kiểm tra hộ chiếu hành khách.
Nhận thấy máy bay đậu quá lâu, Algeria đưa đội can thiệp đặc nhiệm đến kiểm tra. Bọn không tặc lộ diện, tuyên bố chúng là phần tử thánh chiến và đòi trả tự do cho hai thủ lĩnh nhóm Mặt trận Hồi giáo cứu thế của Algeria.
Algeria bác bỏ yêu sách. Chúng bắn chết một sĩ quan cảnh sát Algeria. Algeria bèn vận động mẹ của tên trưởng toán gọi điện thoại kêu gọi đầu hàng. Tên này tức giận bắn chết ông Bùi Giang Tô, tham tán thương mại đại sứ quán Việt Nam tại Algiers.
Pháp đồng ý cho máy bay bay về Paris với điều kiện phải trả tự do cho phụ nữ và trẻ em. Bọn không tặc đồng ý nhưng phía Algeria lại không chịu. Chúng bắn chết nạn nhân thứ ba là đầu bếp đại sứ quán Pháp tại Algeria.
Đội can thiệp hiến binh quốc gia Pháp (GIGN) được lệnh triển khai trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha. 2h sáng 26-12-1994, máy bay được phép rời khỏi Algiers nhưng phải ghé Marseille vì Pháp lấy cớ phải tiếp nhiên liệu. Đội GIGN rút khỏi Mallorca về Marseille.
Với ý đồ sử dụng máy bay làm quả bom lửa, bọn không tặc đòi 27 tấn nhiên liệu trong khi chỉ cần 8 tấn là đủ bay về Paris. Song sau đó chúng trúng kế, chấp thuận tổ chức họp báo tại Marseille thay vì bay về Paris. 17h12, đội GIGN tấn công. Trong 20 phút, bọn khủng bố bị tiêu diệt.
Giáng sinh không bình yên
Vụ cướp máy bay Airbus A300 mang số hiệu IC 814 của Hãng hàng không Ấn Độ Indian Airlines cũng xảy ra dịp lễ Giáng sinh. Máy bay chở 191 người bay từ Kathmandu (Nepal) về New Delhi (Ấn Độ). Chiều 24-12-1999, máy bay vừa vào không phận Ấn Độ, năm tên không tặc tuyên bố cướp máy bay.
Bọn không tặc thuộc nhóm khủng bố Harkat-ul-Mujahideen của Pakistan. Chúng đe dọa cho nổ máy bay nếu Ấn Độ không trả tự do cho giáo sĩ Masood Azhar người Pakistan cùng 36 phạm nhân và 200 triệu USD tiền chuộc. Chúng ra lệnh cho máy bay bay đến Amritsar (Ấn Độ), Lahore (Pakistan), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và cuối cùng về Kandahar (Afghanistan). Tại Dubai chúng trả tự do cho 27 hành khách nhưng đâm chết một thanh niên Ấn Độ.
Ban đầu Ấn Độ bác bỏ yêu sách. Đặc phái viên LHQ Erick De Mull cùng đại sứ Ấn Độ ở Pakistan đến Kandahar thương thuyết nhưng không thành. Taliban cầm quyền ở Afghanistan lúc bấy giờ bao vây máy bay và cho bọn không tặc 10 tiếng để đưa máy bay rời khỏi Afghanistan. Đến ngày thứ tám, Ấn Độ đồng ý trả tự do cho ba phạm nhân, trong đó có giáo sĩ Masood Azhar. Vụ không tặc kết thúc.
Không tặc Chechnya Ngày 15-3-2001, chuyến bay Tu-154 của Hãng hàng không Nga Vnukovo Airlines chở 174 người bay từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về Matxcơva (Nga) bị ba tên không tặc ép bay đến Medina (Saudi Arabia) và yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tấn công quân ly khai ở Chechnya. Tại Medina, hơn 40 hành khách được thả tự do. Sau khi yêu cầu nạp nhiên liệu, chúng đòi bay đến Afghanistan. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm Saudi Arabia đã tấn công. Một tên không tặc bị bắn chết. Một hành khách người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Trước đó bọn không tặc đã cắt cổ nữ tiếp viên Yulia Fomina người Nga. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định bọn khủng bố Chechnya chịu trách nhiệm trong vụ này. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.