Hiện nay, dự án nâng cấp, cải tạo QL19 đã khởi công 7/8 gói thầu, 1 gói thầu XL-01 dự kiến khởi công trong quý II/2022. Trong 7 gói thầu đang thi công, có 2 gói khởi công cuối tháng 8/2021 hiện đang thi công hệ thống thoát nước, thi công cầu, nền đường.
4 gói thầu khởi công trong tháng 1/2022 với phần việc tổ chức khảo sát thiết kế bản vẽ thi công, huy động công trường, tập kết vật liệu; 1 gói thầu mới khởi công trong tháng 02/2022 hiện đang triển khai huy động công trường,…
Nhiều hố sâu dang dở được đào trước nhà dân |
Tuyến QL 19 là trục chính kết nối giao thương giữa miền Trung và Tây Nguyên, dù đang thi công nhưng mật độ phương tiện giao thông trên đoạn tuyến vẫn diễn ra đông đúc và phức tạp, đặc biệt, thời điểm này đang vào vụ thu hoạch nhiều loại nông sản trên khu vực. Với thực trạng trên tuyến như vậy nhưng các đơn vị thi công chưa chú trọng việc lắp đặt biển báo hiệu nguy hiểm cũng như rào chắn theo đúng quy định.
Ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải tại một số đoạn qua địa phận thôn Cầu Vàng, thôn Hà Lòng (xã K’Dang) và thôn Linh Nham, xã Đắk DJ Răng (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), hiện nay, các đơn vị đang thi công hệ thống thoát nước hai bên đường, thi công cầu,…
Công thoát nước không có nắp, nước thải bẩn bốc mùi, hai đầu cống các thanh sắt dư đâm thẳng ra gây sát thương nếu không may trượt chân ngã xuống |
Hạng mục hệ thống thoát nước đã đổ bê tông, nhiều vị trí cống được đổ cao chia thành hai phần cao - thấp rõ rệt giữa nền đường và nhà dân so với thành cống. Tuy nhiên, nhiều vị trí cống chưa có nắp đậy đảm bảo, nhà thầu thi công không dựng cọc chắn cũng như chăng dây và lắp đèn báo hiệu lúc ban đêm.
Thậm chí, trong lúc thi công hệ thống mương thoát nước dọc hai bên đường tại thời điểm ngày 11/3, nhiều vị trí nhà thầu không đặt biển báo “công trình đang thi công, hạn chế tốc độ” hoặc các dấu hiệu cảnh báo khác. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm.
Chị H.T.K.N (trú tại thôn Cầu Vàng) lo lắng: “Đường bị đào bới tung tóe, nhiều chỗ moi sâu ngay trước nhà dân nhưng không che chắn, không cắm biển báo, giăng dây ngăn cách nên rất mất an toàn. Khu vực đang mùa nắng gió nên bụi mịt mù thổi vào mắt rất dễ xảy TNGT khi lưu thông qua tuyến đường... Vào ban đêm, sẽ còn nguy hiểm hơn, chúng tôi cảm thấy bất an”.
Người dân cảm thấy bất an với kiểu thi công tắc trách này |
Anh Nguyễn Khắc Thành (trú tại thôn Hà Lòng 2, xã K’ Dang, huyện Đắk Đoa) cho biết, tại khu vực, nhiều đoạn hệ thông chiếu sáng ban đêm còn hạn chế, nếu không có những phương pháp cảnh báo, rào chắn, hệ thống chiếu sáng ban đêm… thì rất nguy hiểm.
“Ở đây rất đông thanh niên là người địa phương, buổi tối thường rủ nhau uống rượu nhiều, đã có trường hợp ngã xuống rãnh rồi, nếu tình trạng thi công không đảm bảo an toàn như này kéo dài thì không biết trước hiểm họa gì…”, anh Thành lo lắng.
Một cán bộ Công an xã K’Dang cho biết, đến nay chưa xảy ra vụ TNGT nào nghiêm trọng, nhưng tình trạng người và phương tiện giao thông bị trượt, ngã thường xuyên xảy ra. Đơn vị thi công chưa chú trọng việc cắm biển báo hiệu, cọc tiêu hoặc dây phản quang trong quá trình thi công tại một số vị trí. “Không phải đơn vị thi công cứ đào lên, hết giờ kéo máy về, để lại ngổn ngang đất, đá, hố đào rồi về mà phải đảm bảo ATGT”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Phan Hữu Hiếu, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, tình trạng thi công không đảm bảo an toàn theo đúng quy định sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xẩy ra tai nạn nguy hiểm, khi thi công trên tuyến nhất định sẽ ảnh hưởng đến lưu thông nhưng đơn vị thi công phải thực hiện tốt quy định thi công trên đường bộ đang khai thác.Trong quá trình thi công phải gọ gàng, dứt điểm từng đoạn, rào chắn khu vực thi công, lắp đặt đầy đủ cảnh báo, báo hiệu, đảm bảo ATGT và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường,...
Trước phản ánh của phóng viên Tạp chí GTVT, Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã đi kiểm tra và đã nắm được thực trạng thi công không đảm bảo ATGT trên đoạn tuyến. "Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan, chấn chỉnh tình trạng thi công không đảm bảo trên,...", ông Hiếu nói.
Được biết, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126 km) và Bình Định (dài 17 km). Dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.600 tỷ đồng do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư.
Liên quan vấn đề này,thôn tin với PV Tạp chí GTVT, đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA 2) cho biết, đoạn tuyến theo phản ánh của Tạp chí GTVT thuộc gói thầu 4A, do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Hợp Tiến và Công ty CP Vina Delta thi công từ Km 131+300 - Km155+000 thi công. "Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay để yêu cầu nhà thầu chấp hành đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công", vị này chia sẻ.
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.