Nhà xe Hưng Long ngang nhiên lập “bến cóc” trong thành phố

10/05/2015 07:32

Nhà xe Hưng Long đã núp bóng “xe hợp đồng” bắt khách tuyến cố định.


Xe Hưng Long ở địa điểm 69 PHạm Hùng, bên trong có cả nhà chờ, quán trà đá

Xe Hưng Long ở địa điểm 69 PHạm Hùng, bên trong có cả nhà chờ, quán trà đá

Theo thông tin phản ánh từ độc giả, trên đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thời gian gần đây xuất hiện xe của hãng Hưng Long đăng kí biển Hà Nội dừng ngay ngoài đường, trước số 338 để đón – trả khách và hàng hóa.

Thời gian dừng đỗ được ước lượng khoảng 30 phút vào các sáng và tối trong ngày. Thế nhưng sau quá trình thâm nhập thực tế, chúng tôi phát hiện quãng đường hơn 1km đường Trần Khát Chân không biết từ bao lâu đã trở thành “bến đỗ” của nhiều xe như Hưng Long, Hưng Thành, Camel Travel…

Và có rất điểm bán vé đi Quảng Bình, Huế, Hội An, Lào Cai, Sapa… cũng được “tập kết” trên tuyến đường này. Để tìm hiểu rõ hơn về “cơ chế” hoạt động của hãng xe Hưng Long, chúng tôi đã vào vai hành khách có nhu cầu mua vé đi tuyến Hà Nội – Quảng Bình.

Thay bằng bán vé, nhà xe sử dụng phiếu thu để đưa cho khách hàng

Thay bằng bán vé, nhà xe sử dụng phiếu thu để đưa cho khách hàng

Vào khoảng thời gian buổi sáng và chiều tối, văn phòng bán vé xe khách Hưng Long có “bản doanh” ở số 338 Trần Khát Chân hoạt động rầm rộ. Bên trong phòng vé, các nhân viên nhà xe vừa hướng dẫn khách hàng mua vé vừa ghi ghi chép chép hết sổ sách lại phiếu thu. Bên ngoài một “ekip” làm nhiệm vụ tập kết hàng hóa và hướng dẫn khách lên xe.

Giá vé được nhân viên ở đây phát ra cho tuyến Hà Nội – Quảng Bình là 230.000 đồng/người và những câu hỏi đính kèm như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ, ngày giờ đặt vé. Sau thủ tục “tiền trao, vé nhận” cho chuyến xe khởi hành lúc 20h30 phút, chúng tôi được nhận giấy biên nhận tiền từ nhà xe này. Thấy “thượng đế” thắc mắc đây không phải là vé, cô này cho biết chỉ cần ra bến đúng giờ xuất “bùa” này là lên xe. Độ phủ sóng của nhà xe Hưng Long rộng khắp Hà Nội – đó là khẳng định của nhân viên bán của nhà xe này. Theo đó, nhà xe này sẽ tổ chức đón, trả khách tại bến xe như: 69 Phạm Hùng (đối diện cổng làng Đình Thôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 338 Trần Khát Chân.

“Nếu anh, chị ở khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm thì ra “bến xe” 69 Phạm Hùng để lên xe và nhớ là ra trước giờ xuất bến được ghi trên phiếu thu là 1 tiếng đồng hồ. Còn nếu ở trên các phố trung tâm thành phố thì ra bến xe 338 Trần Khát Chân. Nhà xe sẽ đón khách tại các điểm này” – Đó là “từ khóa” được nhân viên nhà xe Hưng Long cung cấp cho hành khách.

Xe Hưng Long chuẩn bị xuất phát bến Phạm Hùng

Xe Hưng Long chuẩn bị xuất phát bến Phạm Hùng

Theo một nguồn tin của PV, nhà xe Hưng Long có trên chục đầu xe khai thác tuyến “cố định” Hà Nội – Quảng Bình. Số xe này đều được gán mác là xe hợp đồng du lịch. Theo quy định, những loại xe này chỉ dành cho khách đi du lịch theo tour và hợp đồng (HĐ) nên được đón – trả khách tại trung tâm thành phố.

Khung giờ “vàng” được nhà xe Hưng Long “niêm yết” bắt đầu từ 4 giờ đến 9 giờ sáng và từ 16 giờ đến 21 giờ. Tại các bến xe 69 Phạm Hùng, 338 Trần Khát Chân  nhà xe này còn lập các điểm tiếp nhận hàng hóa đi các tỉnh. Phục vụ cho các đầu xe khách Hưng Long là đội quân xe ôm, taxi… dẫn khách từ các hướng tập kết về, tạo thành cảnh tượng bát nháo, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi “chạy” được giấy phép chở khách du lịch, các doanh nghiệp (DN) đua nhau thuê mặt bằng, mở trạm vận chuyển. Hầu hết các xe đều hoạt động theo phương thức “đánh nhanh, rút gọn”.

Trong các ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, chúng tôi ghi nhận hình ảnh của nhiều xe giường nằm loại 45 chỗ của Hưng Long mang các biển kiểm soát 29B – 08.350; 29B – 11.392; 29B – 06.731; 29B – 04.151; 29B – 04091… di chuyển từ một bãi đỗ xe nằm trên phố Trung Hòa (Cầu Giấy) sang bến xe 69 Phạm Hùng đón – trả khách. Mỗi xe cách nhau khoảng 15 phút để đảm bảo không bị “xô bồ” khi khách lên xuống tại bến xe này.

Sau khi dừng lại ngay số 69 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm), các đầu xe này đều nhanh chóng di chuyển vào điểm “tập kết”. Sự đón khách diễn ra nhanh chóng và công khai chỉ trong vòng 30 phút mặc cho ánh mắt tò mò của rất nhiều người dân sống quanh khu vực đó và cả những khách bộ hành qua đường.

Khách lên xe tại điểm  69 Phạm Hùng

Khách lên xe tại điểm 69 Phạm Hùng

Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra: Không biết tự khi nào nơi đây đã trở thành điểm “bảo kê” cho hoạt động bắt khách của nhà xe Hưng Long? Bởi lẽ, bến xe “ngầm” có địa chỉ 69 Phạm Hùng nằm có diện tích khoảng 600m2 được biết là đất thuộc “quyền sở hữu” của nhà xe Hưng Long. Bên ngoài được quây tôn kín, nhiều “vệ tinh” canh phòng cẩn mật. Những chiếc xe taxi chở khách của tấp nập ra – vào. Và 1 miếng tôn đã được cắt bỏ đủ cho xe chở khách của Hưng Long ra vào. Trong một diễn biến khác, tối 4/5, sau khi “gom” đủ số hành khách cho các tuyến đi Quảng Bình tại bến xe 69 Phạm Hùng, “ekip” trên chuyến xe 29B – 08.350 được “lệnh” chuyển qua bến 338 Trần Khát Chân đón khách và hàng hóa.

Khi được hỏi bây giờ xe chạy thẳng vào Quảng Bình luôn hay còn bắt khách ở điểm nào nữa không anh, người điều phối ở đây chỉ im lặng. Một hành khách “quen” của nhà xe cho biết: “Hình như còn bắt khách ở một bến nữa”!.

Theo tìm hiểu của PV, lộ trình của xe Hưng Long trên địa bàn Hà Nội như sau: Ở chiều đi, các xe xuất phát từ bến xe 69 Phạm Hùng, chạy theo trục đường Phạm Hùng lên đến đường Khuất Duy Tiến rồi rẽ trái ra đường Nguyễn Trãi. Chạy hết tuyến đường này, xe khách rẽ vào đường Trường Chinh – Giải Phóng, đâm thẳng ra Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân và dừng đón, trả khách ở trước số nhà 338 Trần Khát Chân.

Sau khoảng 30 phút dừng bắt khách, xe Hưng Long ngược lại cung đường Đại Cồ Việt – Giải Phóng và di chuyển qua các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm đâm thẳng lên đường cao tốc, kết thúc lộ trình bắt khách các tuyến đường nội đô. Ở chiều ngược lại, sau khi xuống khỏi đường cao tốc trên cao, xe chạy qua một đoạn trên đường Phạm Hùng thì rẽ vào bến xe 69 Phạm Hùng. Thời gian cập bến của mỗi xe vẻn vẹn khoảng 20 phút, sau đó quay ra bãi đỗ tập kết nằm trên đường Trung Yên, Cầu Giấy.

Tìm hiểu về “bến cóc” nơi mà xe Hưng Long “tập kết” ở 69 Phạm Hùng và bến 338 Trần Khát Chân những người buôn bán ở  các khu vực này cho biết, mỗi ngày Hưng Long đón, trả khách tại bến xe này từ  10 – 15 chuyến cho tuyến “cố định” đi Quảng Bình. Điều khá ngạc nhiên là bến “bến cóc” 69 Phạm Hùng nằm sát bến xe khách Mỹ Đình khoảng 300m, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều người dân thắc mắc, nhà xe này chạy với danh nghĩa xe du lịch để bán vé tuyến cố định, nhưng sao các cơ quan chức năng lại không biết?

Diễn biến khác, tại bến xe 338 Trần Khát Chân chiếc xe 29B – 08.350 còn dừng ngay dưới lòng đường thực hiện công việc đón, trả khách và bốc dỡ hàng hóa. Cảnh tượng tung hoành của các xe Hưng Long trên tuyến đường này đã diễn ra trong một thời gian dài, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, người dân lại hiếm thấy lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Nhàn kiểm tra, xử lý. Dư luận nặng lòng với câu hỏi, liệu phía sau những chuyến xe du lịch đội lốt “cố định” của nhà xe Hưng Long có sự bảo kê, tiếp tay từ một nhóm lợi ích nào đó?.

Nhóm P.V

Ý kiến của bạn

Bình luận