Nhân loại đã trải qua một tháng 7 nóng nhất lịch sử

Diễn đàn khoa học 17/08/2016 16:02

Chắc chắn rằng, đây sẽ không phải là tháng cuối cùng trong chuỗi kỷ lục về nhiệt độ trong năm 2016

 

1558888
 

Theo báo cáo mới nhất từ NASA và Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA). Gần như chắc chắn, tháng 7/2016 đã trở thành tháng nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử khí tượng nhiều năm qua.

Theo tổng hợp của VnReview.vn từ các trang TimeScienceAlert và Weather, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng tháng sau phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của tháng trước đó trong năm nay. Tuy nhiên, tháng Bảy được khẳng định là đỉnh điểm của tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục so với các tháng và thậm chí cả nhiều năm trước. Nguồn dữ liệu báo cáo được tổng hợp riêng từ hai cơ quan NASA và JMA. Bên cạnh đó, Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA) dự kiến cũng sẽ phát hành bản báo cáo khác vào thứ Năm (18/8) tới đây.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) khẳng định, nhiệt độ trung bình tháng Bảy đã nóng hơn 0,78 độ so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Hầu hết mọi nơi trên toàn cầu đều xảy ra tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục, đặc biệt hiện tượng cực đoan này thể hiện rõ nhất ở "mái vòm nhiệt" trải dải trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, mức nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận là 54 độ C tại Cô-oét.

JMA cũng cho biết, 3 trong số 4 tháng Bảy nóng nhất lịch sử đã được ghi nhận trong ba năm qua. Thậm chí nhiệt độ tháng 7/2016 cũng đã vượt xa mức nhiệt nóng nhất lịch sử vào tháng 7/1981.

Có sự chênh lệch không đáng kể, dữ liệu đối chiếu từ NASA cho thấy, nhiệt độ trung bình tháng Bảy trên toàn cầu đã cao hơn 0,84 độ C so với giai đoạn 1950 - 1980. Thậm chí, mức nhiệt độ này cũng cao hơn 0,11 độ C so với tháng nóng nhất trước đó. Như vậy đây đã là tháng thứ 10 ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục trên toàn cầu theo NASA.

Trước đó, NASA khẳng định, tháng 6/2016 là tháng nóng nhất trong lịch sử kể từ khi cơ quan này bắt đầu đo đạc dữ liệu thời tiết từ năm 1980. Nhiều kỷ lục trước đây được xác lập vào tháng 7/2015 và tháng 7/2011.

Ngược lại, NOAA sử dụng các phương pháp đo đạc khác để tính toán nhiệt độ trung bình toàn cầu. Do đó, NOAA khẳng định tháng 7/2016 đã là tháng thứ 14 xảy ra tình trạng nóng kỷ lục.

Nhà nghiên cứu khí hậu Chris Field đến từ Viện Carnegie và Đại học Stanford bày tỏ quan ngại: "Điều đáng sợ là chúng ta đang rơi vào một thời đại mà ở đó sự ngạc nhiên chỉ xảy ra nếu mỗi tháng hoặc mỗi năm không còn ghi nhận mức nhiệt độ nóng kỷ lục".

Tháng Bảy thường là tháng nóng nhất trong năm bởi vì Bắc Bán Cầu (diện tích lớn hơn) có phần tiếp xúc với Mặt trời nhiều hơn so với Nam Bán Cầu. Qua đó, hiện tượng hấp thu nhiệt lượng trên bề mặt đất diễn ra nhanh hơn.

Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng nóng cực đoan đóng góp bởi bàn tay con người và các mô hình khí hậu ngắn hạn. Đặc biệt hiện tượng El Niño đã đẩy nền nhiệt độ trung bình gia tăng nhanh chóng từ hồi cuối năm 2015 và sớm hơn vào đầu năm nay. Sự khởi đầu của La Niña - hiện tượng trái ngược với El Niño - được hy vọng sẽ giải tỏa bớt căng thẳng phần nào trong ngắn hạn.

Tuy vậy thời tiết vẫn luôn là một hình thái tự nhiên khó đoán định, chưa kể dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn. Chỉ trừ khi con người sớm nhận ra sai lầm, sớm thay đổi và sớm nuôi dưỡng tốt hơn, Trái Đất mới có thể phục hồi lại như xưa.

Ý kiến của bạn

Bình luận