Nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải trong dây chuyền logistics

10/04/2015 07:37

Có thể nói, kinh tế càng phát triển, lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, các quốc gia càng phát trển. Điều này cho thấy vai trò của logistics thực hiện chuỗi các dịch vụ liên quan đến lưu kho, phân phối và vận tải càng trở nên quan trọng.


Vận tải là một khâu trọng yếu của dây chuyền này, chất lượng của dịch vụ logistics phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng dịch vụ vận tải. Bài báo trình bày vai trò và bản chất mối quan hệ giữa dịch vụ vận tải và dây chuyền logistics. Bài báo cũng chỉ ra một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải trong dây chuyền logistis.

TS. Nguyễn Thị Phương
Trường Đại học giao thông vận tải
Người phản biện: TS. Đinh Thị Thanh Bình

Từ khóa: Dịch vụ vận tải, chất lượng vận tải, dây chuyền logistics.

Abstract: Due to the growth of economy and the increasing turnover of goods among areas and countries, the role of logistics, which includes inventory, distribution and transportation, becomes essential. Transportation is vital node of this chain, and its quality depends significantly on transport quality. This article presents roles and natural relationship between transport and logistics chain. It also shows norms to access transport service quality, and based on those to analyze factors influencing on transport service in logistics chain.

Keywords: Transport service, transport quality, logistics chain

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ logistics đã và đang được sử dụng rộng rãi trong quản lý tối ưu chuỗi các hoạt động từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến quá trình phân phối sản phẩm làm ra của doanh nghiệp. Qua đây có thể thấy vai trò của chất lượng dịch vụ vận tải là không nhỏ để đạt được sự tối ưu này của dây chuyền logisstics. Song trên thực tế, chất lượng dịch vụ vận tải bị tác động bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics cần nhận dạng một cách rõ ràng các nhân tố cơ bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó khai thác các tác động tích cực và triệt tiêu hoặc hạn chế tác động tiêu cực của các nhân tố đó.

2. Nội dung

2.1. Bản chất và vai trò của vận tải và logistics

Trên thực tế, nguồn cung ứng vật liệu cho quá trình sản xuất có thể từ nhiều nơi, các địa điểm sản xuất, hệ thống kho, các điểm bán buôn, bán lẻ cũng được đặt rải rác tại nhiều địa điểm khác nhau. Do vậy, dòng lưu chuyển của vật chất phục vụ quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trở nên hết sức phức tạp. Ngày nay, trước yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực, đáp ứng tốt yêu cầu của người sản xuất cũng như tiêu thụ “cần là có ngay”, toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được chia ra: Sản xuất, lưu thông, phân phối và vận tải, thiết lập nên chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Giữa dịch vụ logistics và vận tải được thể hiện qua Hình 2.1.

Trong dịch vụ logistics, theo hai yêu cầu được đề cập ở trên, người cung ứng dịch vụ logistics phải lựa chọn phương án vận tải cho từng lô hàng sao cho đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và giá cả hợp lý. Chính vì vậy, người vận chuyển (đơn vị vận tải) là đối tác của logistics.

H11

Hình 2.1: Sơ đồ mô phỏng mối quan hệ giữa vận tải và dây chuyền logisstics

Yêu cầu của khách hàng trọng tâm vào ba vấn đề cần được thoả mãn: An toàn, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Điều này đòi hỏi người tổ chức vận tải đa phương thức phải biết tổ chức phối hợp giữa các phương thức, gửi và nhận hàng hoá đối với từng phương thức. Trong toàn bộ quá trình vận tải nói chung, cơ sở hạ tầng kĩ thuật giao thông và trang thiết bị phục vụ tác nghiệp đầu cuối có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian và chi phí đưa hàng. Vai trò cụ thể vận tải đa phương thức trong dây chuyền logistics thể hiện như sau:

Vận tải ô tô: Vận tải ô tô giúp lô hàng được thu gom, giao trả tại các vị trí xa ga, cảng hoặc các điểm tập kết hàng. Vận tải ô tô đáp ứng yêu cầu tính triệt để trong vận tải. Hàng hóa có được gửi đúng nơi, đúng thời gian theo đơn hàng và làm thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng hay không, vận tải ô tô sẽ là một giải pháp giải quyết những vấn đề đó. Bởi vậy, vận tải nói chung và vận tải ô tô nói riêng là nền tảng của hiệu quả và kinh tế trong kinh doanh logistics và mở rộng ra các hoạt động khác của hệ thống logistics.

Vận tải đường sắt: Vận tải đường sắt đã có vai trò nhất định trong dịch chuyển hàng hóa giữa các tuyến vận tải để lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Vận tải đường sắt có ưu điểm lớn về giá thành vận tải nên cũng được nhiều chủ hàng lựa chọn.

Vận tải hàng không: Do ưu điểm nổi trội của vận tải bằng đường hàng không đối với các lô hàng có giá trị cao, yêu cầu vận chuyển nhanh chóng để đảm bảo chất lượng. Những ưu thế về tốc độ của vận tải hàng không đã góp phần giảm thiểu các rủi ro trong lưu thông các lô hàng (giảm tổn thất về chất lượng, giá trị cũng như giảm ứ động vốn trong lưu thông), từ đó nâng cao chất lượng chung của dịch vụ logistics và giảm chi phí tổn thất của hàng hóa trong chuỗi cung ứng.

Vận tải biển và cảng biển: Việc thông thương buôn bán hàng hóa đóng vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, người ta sử dụng nhiều phương thức khác nhau như: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Nhưng đến nay, vận tải đường biển vẫn giữ một vị trí quan trọng trong các phương thức vận tải hàng hóa do có những ưu điểm vượt trội như:

- Vận tải đường biển có năng lực chuyên chở lớn: Phương tiện vận tải đường biển là các tàu có sức chở lớn, đặc biệt các tàu container thuộc thế hệ sau, góp phần phục vụ nhu cầu thương mại ngày càng tăng lên. Mặc dù tàu có sức chở lớn, song thời gian tàu nằm chờ tại cảng giảm do sử dụng các phương tiện xếp dỡ chuyên dụng, hiện đại. Vận tải đường biển thích hợp vận chuyển hàng hóa trong thương mại quốc tế.

- Giá thành vận tải biển rất thấp do trọng tải tàu biển lớn, cự ly vận chuyển xa, định biên thuyền viên trên đơn vị sản lượng ít nên năng suất trong ngành vận tải biển cao. Giá thành vận tải biển có xu hướng ngày càng hạ, hiện nay chỉ khoảng 0,7USD/kg/km, bằng 1/6 so với giá thành vận tải đường hàng không, 1/2 so với đường sắt và bằng 1/4 so với vận chuyển bằng đường ô tô.

Khi nói đến vận tải biển trong dây chuyền logistics, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của cảng biển. Cảng biển là đầu mối vận tải quan trọng, nơi tập trung, kết nối tất cả các phương tiện vận tải: Đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống. Năng lực hệ thống cảng container đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của dịch vụ logistics.

Các nhân tố chính ảnh hưởng đến năng lực hệ thống cảng container bao gồm: Cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống cảng container; cơ sở hạ tầng kết nối với hệ thống cảng; nguồn nhân lực cho phục vụ vận hành cảng; cơ chế quản lý và khai thác cảng. Việc phát triển cảng container không những thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngoại thương mà còn hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động logistics. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, có thể nói cảng container là điểm triển khai quan trọng của dịch vụ logistics. Cảng biển là cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics.

2.2. Các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải trong dây chuyền logistics

- Tiêu chí nhanh chóng, kịp thời

+ Thời gian vận chuyển: Là tổng thời gian vận chuyển trọn gói từ khi chủ hàng gửi từ điểm xuất phát tới tận địa điểm khách hàng yêu cầu (transit time door to door), được xác định:

B

Trong đó:

TVC – Thời gian vận chuyển lô hàng từ điểm nhận hàng đến điểm trả hàng. Thông thường thời gian này được thống nhất giữa nhà vận tải và chủ hàng, được qui định trong điều khoản thời gian giao hàng của hợp đồng vận tải;

TDC - Thời gian phương tiện di chuyển. Tùy theo cách thức tổ chức vận tải lô hàng, thời gian này có thể là tổng của thời gian dịch chuyển của các phương thức vận chuyển i (tDci);

Li – Khoảng cách vận tải của phương thức vận tải i (Km);

Vkt - Tốc độ khai thác bình quân trên tuyến của phương thức vận tải i (km/giờ (ngày));

TXD - Thời gian xếp dỡ hàng hóa lên xuống phương tiện, tùy thuộc số các phương thức vận tải được tổ chức để vận chuyển lô hàng, thời gian xếp dỡ sẽ là tổng của thời gian xếp dỡ tại các điểm nhận và trả hàng j (txdi);

TK – Thời gian không thực hiện tác nghiệp vận chuyển do thời tiết, khí hậu, thủy văn không thuận lợi; sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa vận tải và các đầu mối thu gom, giao trả và xếp dỡ hàng hóa không liên tục; trục trặc trong khâu tổ chức vận chuyển hoặc xếp dỡ; thực hiện kiểm tra đối với lô hàng (do yêu cầu của công tác quản lý nhà nước)…

Với công thức trên cho thấy, để đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, TVC lô hàng phải nhỏ nhất, do đó từng thành phần thời gian phải thấp nhất có thể, đặc biệt thời gian không tác nghiệp.

- Tiêu chí đảm bảo an toàn lô hàng trong quá trình vận chuyển

BB

Trong đó: TVH – Tỷ lệ hàng hóa bị hư hỏng trong khi vận chuyển;

ct1- Khối lượng hàng hóa bị hư hỏng trong khi vận chuyển;

ct2- Khối lượng hàng hóa giao nhận;

TVM – Tỷ lệ hàng hóa bị mất mát trong khi vận chuyển;

ct3- Khối lượng hàng hóa bị mất mát trong khi vận chuyển.

- Tiêu chí độ tin cậy về thời gian

Tiêu chí được thể hiện qua tính chính xác về thời gian giao nhận lô hàng và chất lượng dịch vụ chuyên chở hàng hóa. Những yếu tố tác động đến độ tin cậy là thời tiết, tình trạng giao thông, số lần dừng trên tuyến, thời gian tập hợp và giao nhận hàng hóa trên đường. Tiêu chí được đánh giá qua chỉ tiêu “tỷ lệ lô hàng giao chậm so với qui định”:

ct4

Trong đó: TGHC – Tỷ lệ % số lô hàng bị giao hàng chậm theo qui định;

ct5- Tổng số lô hàng bị giao hàng chậm theo qui định;

ct6- Tổng số lô hàng hàng hóa giao nhận.

- Tiêu chí linh hoạt

Trên thực tế, trong chuỗi các dịch vụ vận tải liên quan đến vận chuyển và xếp dỡ cũng thường xuyên xuất hiện sự thay đổi các phương thức vận tải cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc thậm chí thay đổi cảng xếp dỡ lô hàng. Nguyên nhân thay đổi có thể từ các yếu tố khách quan (thời tiết, thủy văn, khách hàng thay đổi khối lượng…) hoặc từ chủ quan của nhà vận tải (tìm phương án tối ưu hơn), khi đó đòi hỏi các nhà vận tải phải hết sức linh hoạt lên phương án chuyển đổi đáp ứng nhanh những thay đổi của thực tế nhằm đạt mục đích không ảnh hưởng đến thời gian giao hàng cũng như an toàn cho các lô hàng vận chuyển.

- Tiêu chí giá dịch vụ

Thực tế cho thấy, các dịch vụ được cung cấp với chất lượng tốt với mức giá hợp lý được xem như tăng thêm giá trị cho chất lượng dịch vụ cung cấp.

3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải trong dây chuyền logistics

Từ các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá chất lượng của dịch vụ vận tải trong dây chuyền logistics cho thấy có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến các tiêu chí này. Tuy nhiên, có thể phân các nhân tố đó thành hai nhóm nhân tố bên trong và nhóm nhân tố bên ngoài doanh nghiệp vận tải.

- Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp vận tải

+ Các yếu tố điều kiện khai thác

Có thể nói điều kiện khai thác bao gồm điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông cho tất cả các phương thức vận tải có ảnh hưởng rõ rệt đến thời gian các phương tiện vận hành trên tuyến vận tải, nó cũng ảnh hưởng đến tính an toàn của các lô hàng trong quá trình vận chuyển. Điều kiện khai thác không thuận lợi sẽ dẫn đến sự chờ đợi làm tăng thời gian vận chuyển (thời gian giao hàng), làm tăng chi phí phát sinh.

+ Các yếu tố về khách hàng

Trong nhiều trường hợp, mặc dù đã có sự thống nhất về yêu cầu vận chuyển (loại hàng, khối lượng, yếu cầu bảo quản, thời gian thu nhận hoặc giao trả…), tuy nhiên do những lý do khác nhau, khách hàng có thể thay đổi một số điều khoản của hợp đồng, do đó làm cho nhà vận tải phải thay đổi theo (ngoài kế hoạch ban đầu). Điều này không những làm tăng thêm thời gian giao hàng mà còn làm tăng thêm chi phí, gây khó khăn cho nhà vận tải tổ chức hoạt động vận tải.

+ Tính chất lô hàng

Liên quan đến lô hàng bao gồm chủng loại, khối lượng, tính chất, yêu cầu bảo quản trong vận chuyển và xếp dỡ. Các lô hàng khác nhau sẽ có lựa chọn phương thức vận tải, địa điểm thu gom hoặc giao trả khác nhau, lựa chọn thiết bị xếp dỡ khác nhau. Nếu sự lựa chọn thiếu khoa học và thực tiễn có thể làm tăng thời gian giao hàng và chất lượng lô hàng không được đảm bảo. Ngoài ra, tính chất lô hàng còn liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tại các điểm thu gom hoặc giao trả (hoặc tại các đầu mối ga cảng), hàng hóa phải thực hiện các kiểm tra kiểm soát về tính hợp pháp hợp lệ của xuất, nhập khẩu, kiểm tra dịch tễ, môi trường, kiểm tra văn hóa… Các hoạt động kiểm tra càng nhiều càng làm tăng thời gian giao giao hàng và có thể làm tổn hải đến phẩm chất của hàng hóa.

+ Sự hợp tác phối hợp của các tổ chức liên quan

Trong hoạt động vận tải của dây chuyền logistics liên quan đến nhiều tổ chức vận tải khác nhau (vận tải bằng các phương thức khác nhau), liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước, liên quan đến các tổ chức xếp dỡ lô hàng. Sự hợp tác không chặt chẽ giữa cá bên sẽ gây ra hiện tượng chờ đợi, làm tăng thời gian giao hàng, tăng thêm chi phsi phát sinh và ảnh hưởng đến phẩm chất của lô hàng.

- Các nhân tố bên trong doanh nghiệp vận tải

+ Nguồn lực cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất của các doanh nghiệp vận tải chủ yếu là đội phương tiện vận tải (xe ô tô, máy bay, tàu thủy, toa xe, đầu kéo…). Các phương tiện này tham gia dịch chuyển các lô hàng giữa các điểm thu gom và giao trả khác nhau. Các doanh nghiệp vận tải có đội phương tiện đủ về qui mô, phù hợp với chủng loại hàng sẽ là nhân tố quan trọng để đảm bảo lô hàng được giao đúng hạn thời gian qui định. Trong trường hợp các nhà vận tải không đủ, thậm chí không có phương tiện chuyên chở các lô hàng, khi đó họ không thể chủ động để tổ chức vận tải, có thể phải kéo dài thời gian giao hàng vào mùa cao điểm, đồng thời tăng thêm chi phí khai thác làm tăng giá cước vận chuyển.

Tại các cảng đường thủy, cảng hàng không, các ga đường sắt hoặc các cảng nội địa (ICD), nếu được trang bị các thiết bị xếp dỡ hiện đại mang tính chuyên dụng cao sẽ góp phần làm tăng năng suất xếp dỡ, giảm thời gian xếp dỡ các lô hàng.

+ Mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ

Có thể nói sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được ứng dụng mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó bao gồm hoạt động vận tải. Công nghệ thông tin, truyền thông đã được các nhà vận tải ứng dụng khá mạnh mẽ, đặc biệt là công nghệ truyền thông dữ liệu điện tử (EDI – Electronic Data Interchange). Điều đó không chỉ tăng tính thuận tiện và dễ dàng, nhanh chóng kết nối thông tin giữa các tổ chức liên quan đến vận tải lô hàng (các nhà vận tải ở các phương thức khác nhau, cơ quan quản lý, các chủ hàng, người giao nhận), mà còn đảm bảo sự chính xác các thông tin của lô hàng, giúp giảm thiểu các lãng phí thời gian và tổn thất liên quan đến hàng hóa, góp phần tăng nhanh thời gian giao hàng, đảm bảo an toàn hàng hóa và nâng cao hiệu quả của dịch vụ logistics.

+ Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp vận tải chủ yếu là đội ngũ nhân viên vận hành phương tiện vận chuyển, các trang thiết bị xếp dỡ, nhân viên giao nhận hàng hóa. Ngày nay, do ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực vận tải và sự chuẩn mực các thông tin về hàng hóa giữa các nước nhập khẩu, nước xuất khẩu cũng như giữa các tổ chức liên quan lô hàng thương mại, đòi hỏi các nhân viên này phải có nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời cũng phải có kỹ năng tin học và ngoại ngữ, chuyên môn sâu về vận tải container trong dây chuyền logistics. Các kiến thức và kỹ năng đó sẽ giúp cho họ thực hiện thành thạo chuyên nghiệp các nhiệm vụ được giao, làm giảm các thao tác công việc, góp phần giảm thời gian vận chuyển, tăng khả năng xử lý tình huống bất thường xảy ra.

III. Kết luận

Dịch vụ logistics có vai trò to lớn đối với dòng lưu thông của hàng hóa từ nơi có các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đến địa điểm tiêu thụ cuối cùng của sản phẩm. Trong chuỗi cung ứng này thì vận tải là khâu quan trọng. Khi hoạt động vận tải được tổ chức thực hiện một cách tối ưu, chất lượng tốt sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Song, vận tải trong dây chuyền logistics là sự kết hợp của nhiều phương thức vận tải, chất lượng của nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Do đó, các nhà cung ứng dịch vụ logistics, bao gồm dịch vụ vận tải cần nhận thức rõ điều này, từ đó họ đưa ra phương án lựa chọn phương thức vận tải hợp lý, công suất phương tiện phù hợp, tuyến đường tối ưu và phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức liên quan (nhà vận tải, cảng, ga, người cung ứng, người tiêu thụ…) theo tiến trình lưu thông của dòng vật tư và hàng hóa. Chỉ có như vậy, nhà cung ứng dịch vụ logistics mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.

Tài liệu tham khảo

[1]. GS. TS. Đoàn Thị Hồng Vân (2010), Logistics những vấn đề cơ bản, NXB. Lao động.

[2]. Ronald H Ballou, Cambridge International College (2011), Logistics, supply chain & Transport management.

[3]. Dr. Dawei Lu & Ventus (2011), London Business School, United Kingdoml, Fundamentals of Supply Chain Management.

Ý kiến của bạn

Bình luận