Một mẫu xe bán chạy như Fortuner cũng đã được Toyota chuyển sang nhập khẩu từ Indonesia thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước để dồn sản lượng cho các mẫu xe khác như Vios hay Corolla Altis.
Thái Lan đã chính thức “đánh bật” Trung Quốc và Hàn Quốc để trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) lớn nhất vào thị trường Việt Nam.
Thái Lan đầu bảng, Trung Quốc sụt giảm mạnh
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Thái Lan trong năm 2016 đạt 34.336 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch gần 641 triệu USD, tăng 9.217 chiếc về lượng và tăng hơn 200 triệu USD về giá trị so với năm 2015.
Với mức tăng chóng mặt xét cả về lượng lẫn giá trị, Thái Lan đã vượt xa 2 quốc gia xếp sau là Trung Quốc và Hàn Quốc trong danh sách 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đang xuất khẩu ôtô CBU vào thị trường Việt Nam.
So sánh giữa năm 2016 với năm 2015, trong khi Thái Lan có cú bứt tốc mạnh mẽ thì cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều tụt dốc không phanh. Qua đó, một cuộc soán ngôi ngoạn mục đã chính thức diễn ra.
Năm 2015, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ Trung Quốc là 26.719 chiếc, đạt giá trị kim ngạch hơn 1 tỷ USD, gấp gần 1,5 lần cả về lượng lẫn giá trị so với năm tiếp theo.
Hàn Quốc cũng rơi vào tình thế gần như tương tự. Tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ xứ sở Kim Chi trong năm 2015 đạt 26.539 chiếc về lượng và gần 611 triệu USD, chỉ xếp sau Trung Quốc. Năm 2016, lượng ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ còn 20.204 chiếc trong khi giá trị kim ngạch giảm đến quá nửa còn xấp xỉ 296 triệu USD.
Cũng theo các số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, quốc gia đứng thứ 4 về xuất khầu ôtô CBU vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản và sự thay đổi cũng không đáng kể.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản trong năm 2016 đạt 7.209 chiếc và hơn 269 triệu USD, tăng nhẹ so với mức 6.150 chiếc về lượng và hơn 256 triệu USD về giá trị đạt được vào năm trước đó.
Khá bất ngờ là Pháp đã thế chân Canada để đứng cuối cùng trong danh sách xuất khẩu ôtô vào Việt Nam. Lượng ôtô nhập khẩu từ Pháp năm 2016 chỉ là 66 chiếc, giảm gần 10 lần so với năm 2015 trong khi giá trị kim ngạch cũng tụt một mạch từ hơn 10 triệu USD xuống còn hơn 6 triệu USD.
Ngược lại, Canada lại tăng một mạch từ 92 chiếc trong năm 2015 lên 216 chiếc trong năm 2016, giá trị kim ngạch cũng vọt mạnh từ 2,6 triệu USD lên 7,6 triệu USD.
Thế lực mới ASEAN
Thái Lan chính thức trở thành quán quân xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam. Tuy nhiên, đây không còn là hiện tượng mà đã trở thành một thế lực mới thực sự.
Không khó để lý giải cho thực tế này. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ năm 2015, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối có các bước giảm liên tục để đến năm 2018 chính thức về mức 0%. Ngay trong năm 2017, mức thuế suất đối với mặt hàng ôtô CBU nhập khẩu từ khu vực này cũng đã giảm còn 30%, mức thuế suất áp dụng trong năm 2016 là 40%.
Như vậy, có thể coi ATIGA chính là một lực đẩy mạnh mẽ cho trào lưu nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN.
ATIGA cũng chính là câu trả lời nữa cho “hiện tượng” Indonesia, quốc gia trước đây vốn bị coi là “vô danh” trên bản đồ công nghiệp ôtô thế giới.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, dù chưa phải là một tên tuổi lớn song kim ngạch nhập khẩu ôtô từ đất nước vạn đảo năm 2016 cũng tăng đáng kể so với năm 2015. Cụ thể là tăng từ 3.454 chiếc lên 3.884 chiếc về lượng và tăng từ hơn 35 triệu USD lên gần 45 triệu USD về giá trị.
Thái Lan và Indonesia đã hợp lực để trở thành một thế lực mới về xuất khẩu ôtô CBU vào thị trường Việt Nam, vượt xa so với các nước truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ, Đức.
Chỉ cần với các mức thuế suất áp dụng từ năm 2015 đến năm 2017 (từ 50% giảm dần còn 30%), ôtô ASEAN đã nhanh chóng trở thành một thế lực. Đến năm 2018, khi thuế suất giảm về 0%, viễn cảnh thị trường ôtô nhập khẩu tại Việt Nam ngập tràn xe có xuất xứ Thái Lan và Indonesia hoàn toàn là hiện thực. Chính viễn cảnh đó đã tạo tâm thế “chuẩn bị” cho một loạt các hãng xe đang có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Ngay trong giai đoạn 2015-2017, một loạt hãng xe lớn đang có mặt tại Việt Nam cũng đã và đang thay đổi tỷ lệ xe CBU với xe lắp ráp trong nước (CKD), giữa xe CBU xuất xứ truyền thống với xe xuất xứ ASEAN.
Hiện tại đã có thể kể đến một loạt các mẫu xe được thị trường kỳ vọng có xuất xứ ASEAN như Ford Ranger, Ford Everest, Suzuki Ciaz, Mitshubishi Pajero Sport, Honda Accord, Toyota Hilux…
Thậm chí một mẫu xe bán chạy như Fortuner cũng đã được Toyota chuyển sang nhập khẩu từ Indonesia hay mẫu sedan Civic được Honda nhập khẩu từ Thái Lan thay vì sản xuất trong nước.
Nhiều hãng xe lớn vẫn đang thể hiện quyết tâm và cam kết đầu tư sản xuất lâu dài tại Việt Nam. Bằng chứng là các hãng xe này vẫn tiếp tục đầu tư dây chuyền, mở rộng nhà máy và trên thực tế, cùng với việc tăng tỷ trọng xe xuất khẩu, một số hãng xe cũng bắt đầu dồn sản lượng sản xuất cho một vài mẫu xe chủ chốt. Nhưng nhìn chung, đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, ôtô ASEAN rõ ràng vẫn là một sức ép vô cùng lớn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.