Nhập ô tô nguyên chiếc, “thả” hay “siết”?

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Thị trường 07/06/2017 06:12

Theo VAMA, cần bổ sung quy định các nhà nhập khẩu phải nộp giấy uỷ quyền của nhà sản xuất OEM cho việc nhập khẩu, phân phối...

nhap-khau-o-to_tlxd
Ảnh minh họa.

 Cần hay không giấy uỷ quyền chính hãng, vì sao?

Bộ Công Thương mới đây đã công bố dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp nhập khẩu, nội dung dự thảo đã “mở” hơn cho việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ không cần giấy uỷ quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20 trước đây. Cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không chính hãng từng bị ảnh hưởng bởi Thông tư 20/2011/TT-BCT được nhập khẩu xe đến hết năm 2017.

Cũng tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra các điều kiện nhập khẩu ô tô như sở hữu hoặc thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu (kể từ 1/1/2018). Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu…

Tuy nhiên, trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị bổ sung vào dự thảo quy định các nhà nhập khẩu phải nộp giấy uỷ quyền của nhà sản xuất OEM cho việc nhập khẩu, phân phối, cũng như cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi chính hãng.

Hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị chuẩn đoán, thiết bị sửa chữa chuyên dùng, phần mềm chính hãng và cuối cùng là Hợp đồng cung cấp phụ tùng chính hãng.

Lý giải về đề xuất này, VAMA cho biết, các quy định là điều kiện cơ bản để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an toàn cho phương tiện thông qua việc bảo dưỡng đúng kỹ thuật, thay thế phụ tùng chính hiệu và triệu hồi sản phẩm khi có yêu cầu của nhà sản xuất (OEM).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đề xuất các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới phải xuất trình cho các cơ quan chức năng Giấy chứng nhận được cấp bởi chính nhà sản xuất của các ô tô do doanh nghiệp mình nhập khẩu.

“Giấy chứng nhận này phải thể hiện rõ doanh nghiệp nhập khẩu được nhà sản xuất chấp thuận cho việc cung cấp chế độ bảo hành và phụ tùng chính hãng cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động triệu hồi sản phẩm bị lỗi áp dụng trên tất cả ô tô được nhập khẩu từ nhà sản xuất đó”, văn bản của EuroCham cho hay.

EuroCham cũng kiến nghị, các điều kiện nên bao gồm năng lực của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong việc bảo trì, bảo dưỡng xe theo đúng quy trình, dụng cụ và phụ tùng thay thế chính hãng theo yêu cầu của nhà sản xuất, cũng như khả năng triệu hồi các xe có lỗi kỹ thuật theo đúng quy định tại Chương III, Thông tư 30/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới…

Một số quy định trùng lặp, không phù hợp

Ngoài việc kiến nghị thêm 1 số nội dung, VAMA cũng đưa ra một số nhận xét cho rằng, một số quy định tại dự thảo do Bộ Công Thương soạn thảo trùng lặp với các văn bản pháp luật hiện hành khác, một số yêu cầu không phù hợp với thông lệ quốc tế…

Cụ thể, VAMA cho rằng, nghị định chỉ nên quy định về điều kiện kinh doanh, không nên quy định quá chi tiết các thủ tục hành chính, biểu mẫu, các trang thiết bị sản xuất, đường thử xe. Chính phủ nên giao việc quy định chi tiết này cho các bộ ngành liên quan.

Bên cạnh đó, 1 số quy định được cho là trùng lặp như quy định về triệu hồi sản phẩm, thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, thủ tục đăng kiểm ô tô, thử nghiệm cho phụ tùng của ô tô...

Điều 5, dự thảo quy định “doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm về triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật; thu hồi, xử lý ô tô thải bỏ” nhưng Điều 12 lại yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu “có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu”.

Hiện, việc triệu hồi xe do nhà sản xuất trong và ngoài nước thực hiện thông qua các đơn vị được uỷ quyền. Các thông tin này được đăng tải trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Liên quan đến yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, VAMA kiến nghị bãi bỏ yêu cầu này vì không phù hợp với thông lệ quốc tế. “Trên thế giới, cũng như Việt Nam, các nhà sản xuất ô tô thông thường không sở hữu mà sử dụng hệ thống các đại lý uỷ quyền trong việc phân phối, bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi các sản phẩm ô tô”, VAMA cho hay.

Kiến nghị cuối cùng, VAMA cho biết, dự thảo có yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đường thử ô tô tuân thủ theo các thông số kỹ thuật và bản vẽ chi tiết kèm theo, VAMA kiến nghị không áp dụng hồi tố quy định này cho các doanh nghiệp ô tô đã được cấp phép đầu tư trước ngày Nghị định có hiệu lực.

“Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay không có đủ diện tích đất để làm đường thử hoặc đã đầu tư đường thử nhưng với các thông số kỹ thuật và bản vẽ khác với dự thảo”, kiến nghị của VAMA nêu.

Ý kiến của bạn

Bình luận