Cảnh sát và các phóng viên tập trung bên ngoài căn hộ của Takahiro Shiraishi. |
Những ngày này, không chỉ có người dân ở đất nước mặt trời mọc, mà dư luận quốc tế đang đặc biệt quan tâm tới kẻ sát nhân hàng loạt Takahiro Shiraishi, 27 tuổi ở thành phố Zama, phía Tây Nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Takahiro Shiraishi không chỉ giết người đơn thuần, mà còn theo một cách thức rất bệnh hoạn, đó là "đi săn" các nạn nhân muốn tự tử trên Internet, giả vờ đồng cảm với họ, rồi ra tay sát hại họ.
Chưa hết, hắn còn dùng cưa để ra tay với các thi thể, rồi cất giấu ở trong nhà đến khi các thi thể bốc mùi hôi thối khiến hàng xóm lầm tưởng là mùi rác.
Đất nước vắng bóng tội phạm
Từ trước tới nay, Nhật Bản luôn tự hào trước việc là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới, đặc biệt là các vụ giết người liên quan đến súng ống. Vào năm 2014, nếu như số người chết vì súng ở Mỹ là 33.599 người, thì ở Nhật, con số tương ứng chỉ là 6 người.
Đến năm 2015, cả nước Nhật chỉ có 1 người chết do súng.
Thậm chí, ở Nhật ít tội phạm đến mức tại thành phố Kagoshima ở phía Nam của nước này, cảnh sát còn phải "dàn trận" ở bãi đậu xe của 1 siêu thị bằng cách để 1 chiếc xe ô tô không khóa với thùng bia mạch nha ở bên trong để... "bẫy trộm".
Cuối cùng, sau một tuần thì 5 cảnh sát cũng đã có thể hài lòng trước việc bắt được 1 tội phạm hiếm hoi sa bẫy - 1 người đàn ông trung tuổi đi qua bãi đậu xe.
Nhưng nếu có tội ác, thì lại rất khủng khiếp
Thế nhưng, những ai quan tâm tới tình hình tội phạm ở Nhật Bản sẽ biết rằng vụ phạm tội của Takahiro Shiraishi không phải là tội ác rùng rợn duy nhất trong thời gian qua tại quốc gia này.
Vào tháng 6/2001 ở thành phố Ikeda, tỉnh Osaka, 1 người đàn ông mang theo 1 con dao thái thịt đã đi vào 1 trường học và bắt đầu quá trình đâm chém tàn ác. Chỉ trong 15 phút, hắn đã giết chết 8 đứa trẻ và làm bị thương 15 em khác.
Năm 2015, 1 người đàn ông cũng đã đâm chết 5 người vô tội là họ hàng và hàng xóm của hắn tại phía Tây Nhật Bản, và sau đó đã bị tuyên án tử hình.
Nói đến những vụ án đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ thì không thể không kể đến vụ Satoshi Uematsu đã dùng dao đâm chết 19 người và làm bị thương ít nhất là 50 người khác tại 1 trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở thị trấn Sagamihara, gần Tokyo vào tháng 7/2016.
Được biết, Satoshi Uematsu, 27 tuổi, chính là 1 nhân viên làm việc tại trung tâm này.
Cuộc tấn công được mô tả là vụ giết người hàng loạt ghê gớm nhất từ năm 1938 tại Tsuyama và là 1 trong những tội ác tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Phiên tòa xét xử Satoshi vẫn chưa được thiết lập.
Hoặc ngay đầu tháng 10 năm nay, Hirobumi Komatsu - 1 ông bố 32 tuổi đã bị bắt vì bị tình nghi dùng dao đâm con gái mình đến chết. Chưa hết, hắn còn thừa nhận đã đốt ngôi nhà đang ở, khiến cho vợ hắn và 4 đứa con còn lại thiệt mạng.
Tại sao lại có những thủ phạm giết người tàn bạo và vô lý như vậy?
Tất cả các tội ác đều đáng lên án, nhưng những vụ giết người vô cớ và bừa bãi luôn khiến cảnh sát cũng như các chuyên gia phân tích tâm lý đau đầu và muốn tìm hiểu nguyên nhân.
Nhà tâm lý học kiêm chuyên gia pháp y người Anh Gerard Bailes đã nhận xét rằng: "Những tội ác kiểu này đang biến thế giới thành một nơi xa lạ, nguy hiểm mà trong đó ta không thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra".
Theo nhiều chuyên gia, có nhiều yếu tố cấu thành có thể giải thích cho những vụ án giết người không có lý do cụ thể như trên. Những yếu tố này bao gồm:
Bị các bệnh về thần kinh: Những kẻ tâm thần giết người không còn là điều mới mẻ. Tên tội phạm Satoshi Uematsu chính là 1 bệnh nhân tâm thần. Sau khi ra khỏi 1 viện tâm thần được vài tháng thì hắn đã thực hiện vụ giết người kinh hoàng nói trên.
Vẻ mặt bình thản của tên sát nhân tâm thần Satoshi Uematsu. |
Có gia đình không hạnh phúc, có cha mẹ ly dị, bị bỏ rơi, lạm dụng hoặc đánh đập: Những người sinh ra trong những gia đình kiểu này thường có tâm lý bất thường, dẫn tới những hành động không thể kiểm soát.
Thành viên của các giáo phái cuồng tín: Đã có bằng chứng cho thấy 1 số giáo phái cực đoan có tác động mạnh tới việc phạm tội.
Ví dụ vụ tấn công bằng khí độc làm tê liệt hệ thần kinh ở trên tàu điện ngầm ở Tokyo vào năm 1995 của các thành viên trong tổ chức Aum Shinrikyo, khiến 12 người chết và làm 50 người bị thương.
Bạo lực trên các phương tiện thông tin đại chúng: Một số chuyên gia cho rằng việc tiếp xúc với những cảnh bạo lực được trình chiếu trên tivi, sách báo hay video game, Internet cũng gây biến đổi tâm lý dẫn tới các hành vi phạm tội vô cớ.
Ma túy: Ma túy hủy hoại thần kinh, khiến con người có thể giết người một cách bừa bãi.
Dễ tiếp cận với các loại vũ khí hủy diệt: Việc dễ dàng tiếp cận và sử dụng những vũ khí nguy hiểm, ví dụ như súng, khiến cho các vụ phạm tội trở nên vô cùng khủng khiếp.
Ví dụ vào năm 1996, 1 tên tội phạm tên là Martin John Bryant ở Tasmania, Australia đã làm đảo lộn cuộc sống yên bình của vùng quê này khi dùng súng bắn chết tới 35 người và làm bị thương 19 người.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.