Hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản |
Hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới
Với diện tích 2.188km2, dân số hơn 12,5 triệu dân, Tokyo là một trong những thành phố “đất chật, người đông” nhất thế giới. Tuy nhiên, nơi này lại rất ít khi xảy ra tắc đường bởi hệ thống giao thông được thiết kế hợp lý, thuận tiện đi kèm với sự đa dạng, hiện đại của các loại hình giao thông công cộng, trong đó nổi bật nhất là tàu điện.
Nổi tiếng là đất nước có áp lực công việc cao, thời gian thực sự là vàng ở Nhật Bản. Người Nhật luôn có sự ám ảnh lớn về vấn đề giờ giấc. Họ tìm mọi cách để tiết kiệm thời gian, hạn chế tối đa thời gian di chuyển và không bao giờ muốn đi làm muộn. Do đó, tàu điện siêu tốc Shinkansen với vận tốc trung bình khoảng 300 km/h được rất nhiều người ưa chuộng. Có tất cả 119 tuyến đường tàu trong vùng đô thị Tokyo. Trung bình, cứ 5 phút lại có một chuyến tàu điện ngầm và 6 phút lại có một chuyến tàu hỏa. Thời gian dừng tại các ga chỉ kéo dài khoảng 3 phút để khách lên xuống.
Tàu điện ở Nhật đúng giờ đến từng phút, thông thường tàu chỉ đến trễ 30 giây so với giờ thông báo. Tại ga tàu và các trạm dừng luôn có trang bị các bảng điện tử thông báo giờ tàu bằng tiếng Nhật, tiếng Anh. Hành khách cũng có thể tra giờ tàu qua website hoặc các ứng dụng trên smartphone. Hành khách có thể mua vé tàu bằng máy bán vé tự động hoặc qua thẻ thanh toán Suica. Ai cũng có thể đăng ký làm thẻ Suica mà không cần xuất trình bất cứ giấy tờ tùy thân nào với giá khoảng 1.500 Yên và có ngay 1.000 Yên trong tài khoản để mua vé tàu, vé xe buýt và thậm chí là mua hàng.
Ở Nhật Bản, giao thông cho người khuyết tật rất được quan tâm. Đối với xe buýt, mỗi khi đến trạm dừng, tài xế mở cầu tiếp đất tự động dành cho xe lăn hoặc bắc đường ghép thủ công rất lịch sự để người khuyết tật xuống xe an toàn. Người khuyết tật cũng sẽ nhận được sự chăm sóc chu đáo của các nhân viên bến xe, nhà ga. Trên tất cả con đường ở Nhật Bản đều có đường sơn màu vàng, có ký hiệu nổi để những người khiếm thị phân biệt được phần đường của mình. Với sự thuận tiện và độ chính xác cao, không chỉ người dân Tokyo mà khách du lịch nước ngoài cũng ưa chuộng sử dụng giao thông công cộng Nhật Bản.
Xây dựng mạng lưới điều hướng đường bộ để chuẩn bị cho Olympic
Thế vận hội Olympic 2020, Nhật Bản sẽ đưa công nghệ IoT vào quản lý vận tải để điều tiết giao thông |
Sở hữu hệ thống giao thông công cộng hiện đại nhưng Nhật Bản lại đang đối diện với bài toán khó trong việc sắp xếp đi lại cho các vận động viên và đoàn thể thao tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo và Paralympic 2020. Địa điểm diễn ra Thế vận hội sẽ nằm rải rác trên 9 quận, không giống như các kỳ thế vận hội trước chủ yếu tập trung trong khu liên hợp thể thao Olympic. Phương tiện vận chuyển chủ yếu cho Thế vận hội sẽ là xe buýt và xe khách thông qua các mạng lưới đường cao tốc. Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic không có kế hoạch phân làn đường dành riêng cho Thế vận hội vì đa số đường cao tốc ở Nhật Bản chỉ có 4 làn. Việc nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng đường mới khá khó khăn và tốn kém, do đó để giải quyết bài toán vận chuyển, Ban Tổ chức Thế vận hội đã quyết định phát triển một hệ thống điều hướng trực tuyến, dựa trên nền tảng IoT (Internet of things) để giúp các xe vận động viên và đoàn thể thao tránh UTGT.
Ủy ban Tổ chức Olympic, Thế vận hội Paralympic và Chính quyền Thủ đô Tokyo đang làm việc với General Electric Co. và Toyota Motor Corp - hai nhà tài trợ cho Ủy ban Olympic quốc tế để phát triển công nghệ này.
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 xe buýt và khoảng 4.000 xe khách chuyên chở các vận động viên và thành viên đoàn thể thao tham gia Thế vận hội. Với hệ thống này, tất cả xe buýt, xe khách và các phương tiện chở vận động viên và các thành viên đoàn tham gia Olympic, Paralympic sẽ được trang bị hệ thống định vị GPS kết nối với Internet để cung cấp dữ liệu về ùn tắc, tai nạn và các thông tin khác.
Những thông tin tương tự cũng được thu thập từ Sở Cảnh sát đô thị, Trung tâm Thông tin Giao thông đường bộ Nhật Bản (JARTIC) và các cơ quan khác để chuyển đến các trung tâm điều hành. Các trung tâm điều hành này có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích các dữ liệu đã được cung cấp rồi từ đó cập nhật tình hình giao thông, đưa ra chỉ dẫn đường đi cho các tài xế chuyên chở vận động viên. Trung tâm điều hành sẽ được thiết lập ở Tokyo và một số khu vực khác, bao gồm TP. Sapporo và TP. Sendai để gửi hướng dẫn đến các khu vực xung quanh địa điểm diễn ra Olympic. Hệ thống này dự kiến sẽ được thử nghiệm trong Giải vô địch Bóng bầu dục Thế giới diễn ra vào mùa thu năm 2019.
Công nghệ này sẽ đánh dấu lần đầu tiên được sử dụng trong lịch sử Thế vận hội Olympic và Paralympic trong việc quản lý vận tải. Ban Tổ chức Olympic đang hy vọng khi kỳ Thế vận hội kết thúc, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi để đảm bảo sự di chuyển thông suốt của các phương tiện khẩn cấp vào những thời điểm thiên tai
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.