Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc tại Hội nghị |
Giảm trên 12 ngàn người chết do TNGT
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành và nhiều đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các địa phương chứng tỏ các địa phương nhận thức rõ về vai trò quan trọng của vấn đề ATGT.
Trong 5 năm qua, nước ta đã kéo giảm được trên 12.000 người chết vì TNGT. Riêng trong 3 năm vừa qua, số người chết vì TNGT đã được kéo giảm xuống mức dưới 9.000 người sau nhiều năm luôn ở mức trên 12.000 người. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện số lượng phương tiện luôn tăng hàng năm mà kéo giảm được TNGT cả 3 tiêu chí là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành.
Tại Hội nghị này, các đại biểu sẽ tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm những cách làm hay, mô hình tốt để đưa ra các giải pháp hữu hiệu phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Nhiều giải pháp tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt; trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tình hình TTATGT đã được kiềm chế, TNGT giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với giai đoạn trước; đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây số người thiệt mạng TNGT giảm xuống dưới 9.000 người. Trong kỳ, tính từ 2011 đến 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ (-19,5%/năm), 23,7% số người chết (-7%/năm), 60% người bị thương (-25%/năm), trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4%/năm và mô tô tăng 7,14%/năm).
Đặc biệt, năm 2015 là năm thứ hai Chính phủ xác định chủ đề của năm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu – Tính mạng con người là trên hết”; do vậy, các giải pháp trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã tập trung vào nguyên nhân gốc của TNGT đó là hoạt động vận tải; qua đó số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2015 tiếp tục giảm. Đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đồng thời, vi phạm về chở hàng hoá quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh.
Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị 18-CT/TW và Nghị quyết số 88-NQ/CP được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo tại Hội nghị |
Công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về TTATGT đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; có nhiều cải cách, đổi mới nâng cao hiệu quả ở các lĩnh vực quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, TTKS và xử lý vi phạm TTATGT được Bộ Công an, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo, tăng cường lực lượng, phương tiện trang thiết bị, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT.
Nhiều cách làm hay
Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ ngành khác, nhiều địa phương đã đạt được những kết quả to lớn trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Các công trình giao thông hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đồng thời phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh.
Các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cũng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT trong đó phải kể đến Bộ Công An, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp và mô hình mới, sáng tạo như: cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Tổ tự quản TTATGT” ở thôn, xóm, “Bến đò ngang an toàn”, “Cổng trường an toàn giao thông”…
Nhiều mô hình bảo đảm TTATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT như: Bắc Ninh với mô hình “Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm ATGT”; thành phố Đà Nẵng với mô hình “Phân tách làn ôtô – xe máy trên một số tuyến phố”; chiến dịch khuyến khích đội MBH đạt chuẩn; Hà Nội với mô hình “Tổ công tác đặc biệt 141”; TP Hồ Chí Minh với mô hình ký cam kết thực hiện giữa thành phố - quận (huyện) – xã (phường) – nhân dân; An Giang với mô hình “Công chức, viên chức nói không với rượu bia vào buổi trưa”.
Một số giải pháp đột phá được thực hiện quyết liệt tại hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; bố trí lệch giờ làm việc, học tập.
Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng.
4 bài học kinh nghiệm
Để có được kết quả này, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng có 4 bài học kinh nghiệm, đó là:
Sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, thường xuyên và kịp thời của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương với các giải pháp thường xuyên, liên tục, tạo nên sự quan tâm của xã hội và hệ thống chính trị về bảo đảm TTATGT.
Công tác lập kế hoạch và tổ chức điều hành đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ đồng thời phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TTATGT của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ.
Cùng với đó là sự đồng thuận, ủng hộ của người tham gia giao thông nói riêng, của cộng đồng xã hội nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai những chủ trương, chính sách, giải pháp về bảo đảm TTATGT.
Trong triển khai thực hiện từng giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phải kiên trì, thường xuyên, cương quyết, minh bạch và bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ ra 3 hạn chế cần phải khắc phục đó là: Tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải; năm 2015, một số địa phương để TNGT tăng trên 10%, TNGT đường thủy, đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí.
Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải đã giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, có đường biên giới với Trung Quốc và Lào; còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Đặc biệt, ùn tắc giao thông lại có hiện tượng tái diễn phức tạp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là khi có triều cường, mưa lớn, gây úng ngập cục bộ hoặc trên các tuyến có công trình đang thi công.
Trong 5 năm (tính từ 16/11/2010 đến 15/10/2015), toàn quốc xẩy ra 158.125 vụ tai nạn giao thông (không xảy ra TNGT hàng không) làm chết 48.015 người, bị thương 162.058, giảm 34.835 số vụ (-18,06%), giảm 12.393 số người chết (-20,52%) và giảm 46.583 số số người bị thương (-22,33%). Trong đó: Đường bộ: Xảy ra 155.288 vụ (chiếm 98,3%), làm chết 46.460 người, bị thương 160.599 người. So với 05 năm trước, giảm 18,08% số vụ, giảm 20,63% số người chết và giảm 22,25% số người bị thương. Đường sắt: Xảy ra 2.114 vụ (chiếm 1,33%), làm chết 1.056 người, bị thương 1.379 người. So với 05 năm trước, tăng 4,86% số vụ, tăng 13,43% số người chết và tăng 10,32% số người bị thương. Đường thủy nội địa: Xảy ra 557 vụ (chiếm 0,35%), làm chết 436 người, bị thương 70 người. So với 05 năm trước, giảm 49,9% số vụ, giảm 48,4% số người chết và giảm 43% số người bị thương. Hàng hải: xảy ra 166 vụ, làm chết 63 người, làm bị thương 10 người. So sánh với 5 năm trước giảm 110 vụ (-40%), giảm 43 người chết (-40,25%), giảm 46 người bị thương (-82,14%); |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.