Một cây xăng trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) không bán xăng E5, chỉ bán xăng A95 - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM bắt đầu giảm trụ bơm xăng E5 RON92 (E5 - xăng A92 pha 5% ethanol), thậm chí thay thế trụ bơm xăng E5 RON92 thành RON95.
Bỏ hẳn trụ xăng E5
Tại cửa hàng xăng dầu số 8 trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) của Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn vào trưa 15-5, trụ bơm xăng E5 của cửa hàng treo biển "máy hư". Khách hàng đến trụ bơm xăng E5, nhân viên cửa hàng chỉ vào tấm biển rồi đề nghị khách hàng chuyển qua bơm xăng A95.
"Xăng E5 hết hàng, đang chờ xe bồn bơm thêm, anh xài tạm RON95 đi" - nhân viên cửa hàng tư vấn cho khách, nhưng không cho biết khi nào mới có xăng E5.
Tại cây xăng nhượng quyền thương mại của PV Oil trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, cả 3 trụ bơm xăng của cây xăng này đều bán xăng RON95 mà không hề có xăng E5. Với câu hỏi vì sao không bán xăng E5, nhân viên của cửa hàng chỉ lắc đầu và cũng không trả lời khi nào mới bán xăng E5 trở lại.
Tại cây xăng trên địa bàn quận Bình Thạnh của một doanh nghiệp tư nhân có nhiều cửa hàng xăng dầu ở các tỉnh phía Nam, đại diện cửa hàng cho biết các cửa hàng của hệ thống này đều không kinh doanh xăng E5.
Doanh nghiệp kém mặn mà vì lãi ít
Báo cáo của Bộ Công thương về tình hình tiêu thụ và kinh doanh xăng E5 cho biết lượng xăng tiêu thụ trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 740.000m3, tương đương khoảng 37,8% tổng lượng xăng các loại. Đây là con số thấp hơn so với tổng lượng xăng tiêu thụ trong năm 2018 là 3,148 triệu m3, tương đương khoảng 42% tổng lượng xăng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu - tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực - cho rằng kinh doanh xăng E5 doanh nghiệp phải đầu tư trạm trộn, hệ thống hạ tầng hàng trăm tỉ đồng, trong khi sản lượng bán ra thấp, lợi nhuận không cao, chậm thu hồi vốn, chưa kể tỉ lệ hao hụt của xăng E5 RON92 cao hơn. Do đó, nếu không có cơ chế để tạo khoảng cách giá chênh lệch bền vững so với RON95, xăng E5 RON92 khó có thể "sống được" trên thị trường.
Một thương nhân phân phối xăng dầu ở Vĩnh Phúc dẫn chứng: với 4.000 lít xăng E5 RON92, lượng hao hụt lên 25-30 lít tùy thời tiết; trong khi đó xăng RON95 lượng hao hụt 5-6 lít. Tình hình tiêu thụ xăng E5 RON92 thời gian gần đây giảm 20-30% nên hàng tồn kho lâu hơn, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí bảo dưỡng bể chứa.
Vẫn theo vị thương nhân này, gần đây khi nhập xăng từ các đầu mối, các thương nhân phân phối chỉ được hưởng mức hoa hồng rất ít, thấp hơn cả xăng RON95. Với tỉ lệ hao hụt nhiều hơn, chiết khấu thấp hơn, chưa kể phải thêm chi phí phối trộn... nên doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả.
"Thời gian qua xăng E5 RON92 xuất hiện trên thị trường đã phần nào chứng minh được chất lượng, vấn đề quan trọng hiện nay là chi phí giá thành cần giảm hơn, tạo chênh lệch với xăng RON95" - vị này nói.
Giảm thuế môi trường với xăng E5
Ông Bùi Ngọc Bảo - phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng việc đưa xăng E5 ra thị trường là cần thiết bởi đây là sản phẩm xăng thân thiện môi trường, thế giới đều sử dụng. Tuy nhiên, để xăng sinh học có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Nhà nước phải có chính sách hợp lý, phù hợp liên quan đến thuế, giá bán cùng các chính sách đồng bộ khác.
"Đã có cố gắng để đưa xăng E5 RON92 vào thị trường, nhưng cần có sự khuyến khích để giá bán xăng E5 RON92 thấp hơn nhiều so với xăng RON95. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi thuế, tính toán công thức sao cho phù hợp, như việc sử dụng quỹ bình ổn gây rủi ro cho doanh nghiệp... Khi người bán ra cảm thấy gánh nặng thì doanh nghiệp sẽ có xu hướng bán sản phẩm có lãi hơn" - ông Bảo nói.
Theo Bộ Công thương, hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 được tính bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng khoáng RON92 là 3.800 đồng/lít (do RON92 chiếm 95% tỉ lệ phối trộn). Bộ Công thương cũng cho rằng Chính phủ cần tăng mức chênh lệch giá giữa E5 và RON95 thông qua điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92.
Bộ Công thương dẫn chứng các kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng xăng E5 giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như CO, HC... so với xăng khoáng thông thường. Do đó, cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học theo mức độ phát thải là 75-80% mức thuế đối với xăng khoáng, thay vì cách tính cơ học như hiện nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.