TP.HCM đang thiếu trầm trọng giáo viên mầm non. Ảnh: T.D. |
Thiếu hơn 7.600 giáo viên mầm non
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, toàn thành phố hiện có hơn 3.000 nhóm nhà trẻ và hơn 10.000 lớp mẫu giáo với tổng số giáo viên gần 23.000 người. Tính theo quy định, TP.HCM hiện đang thiếu 7.695 giáo viên. Trong khi đó, tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc, bỏ việc khiến cho lực lượng này luôn thiếu hụt và không ổn định. Năm học 2015-2016, TP.HCM có 1.115 giáo viên mầm non về hưu, chuyển việc, nghỉ việc (có gần 200 giáo viên). Lượng học sinh thì lại tăng lên hàng năm theo cơ học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một lớp mẫu giáo có tối đa 35 học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, tại TP.HCM, hầu hết lớp đều có từ 45-50 học sinh. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ. Giờ ăn, nhận và trả trẻ, lúc trẻ đi vệ sinh, một cô không thể chăm sóc và bao quát được cả lớp vài chục cháu như hiện nay.
Dự báo quy mô phát triển đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 1.929 trường mầm non với trên 472.000 trẻ, cần đến trên 44.600 giáo viên mầm non, trong khi hiện nay toàn TP.HCM mới có trên 22.700 người. Như vậy, TP.HCM phải cần bổ sung thêm khoảng 21.900 giáo viên mầm non mới đáp ứng nhu cầu.
Nguyên nhân khiến giáo viên mầm non không còn “mặn mà” với nghề là bởi giáo viên mầm non chịu rất nhiều áp lực trong công việc như thời gian làm việc quá dài, cường độ công việc cao; điều kiện làm việc chưa đảm bảo tinh thần thoải mái cho người thầy (như áp lực sĩ số, yêu cầu của phụ huynh…). Hiện trung bình mỗi giáo viên mầm non phải dành đến 10 giờ/ngày để thực hiện các yêu cầu của việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, giáo viên mầm non cần dành thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị giáo án… phục vụ các hoạt động giáo dục. Như vậy, giáo viên mầm non cần khoảng 10-12 giờ/ngày để hoàn thành các nhiệm vụ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, mặc dù Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần; giáo viên kiêm nhiệm được giảm 2 giờ dạy/tuần, nhưng thực tế khó thực hiện vì thực trạng thiếu giáo viên. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ/nhóm, lớp quá cao so với quy định, giáo viên mầm non phải giám sát chặt chẽ các hành động, hành vi của mỗi trẻ… khiến các giáo viên luôn trong tình trạng căng thẳng và áp lực, dễ dẫn đến bỏ việc.
Trong khi đó, mức lương giáo viên mầm non chưa tương xứng với khối lượng công việc cũng là nguyên nhân khiến các trường mầm non của TP.HCM luôn trong tình trạng không tuyển đủ giáo viên trong những năm qua. Cụ thể, giáo viên mới ra trường hiện nay có tổng thu nhập (gồm lương, phụ cấp ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách và thu nhập tăng thêm từ các khoản thu khác của đơn vị) khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Người có thâm niên công tác từ 5 - 10 năm, thu nhập trên 5,6 triệu đồng/tháng, từ 10 - 15 năm thu nhập hơn 7 triệu đồng.
Ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 cho rằng, với mức lương thực tế hiện nay là chưa tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi công việc của giáo viên ở các bậc học này. “Các thầy cô phải có mặt ở trường từ 6 giờ, làm việc đến hơn 17 giờ 30. Khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn trong khi đồng lương chỉ tương đương nhân viên bán hàng ở siêu thị nên chưa thu hút người lao động”, ông Hoàng cho biết. Tương tự, bà Trương Thị Thanh Duyên, Hiệu trưởng trường mầm non phường 2, quận 11 chia sẻ, đa số giáo viên mới được tuyển vào chỉ làm việc khoảng một tháng là xin nghỉ. Đối với giáo viên mới ra trường, lương khoảng 3 triệu đồng là quá thấp so với thời gian làm việc 12 tiếng một ngày.
Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, yêu cầu tuyển dụng có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM là một trong những nguyên nhân khiến khó tuyển đủ giáo viên mầm non hàng năm. Bởi thực tế, số lượng sinh viên ngành mầm non tốt nghiệp chỉ có khoảng 30% có hộ khẩu TP.HCM.
Nhiều chính sách đãi ngộ
Trước thực trạng trên, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Hội đồng nhân dân TP.HCM đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non với số tiền hơn 251 tỷ đồng/năm nhằm điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ. Cụ thể, bổ sung giáo viên theo dạng khoán, trong điều kiện không thể tăng biên chế giáo viên mầm non để đủ theo quy định, đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp để đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định. Hợp đồng khoán theo mức lương tối thiểu vùng 3,75 triệu đồng, kinh phí dự kiến hơn 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP.HCM đề nghị hợp đồng khoán theo mức lương 2 triệu đồng/tháng để bổ sung 4.381 nhân viên hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ hiện đang còn thiếu. Nâng mức hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên theo Nghị quyết 01 của TP.HCM lên 10% bằng với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi theo Nghị quyết 01 (tổng mức hỗ trợ 35% theo quy định trung ương và 35% thành phố hỗ trợ thêm). Kinh phí dự kiến hơn 33 tỷ đồng…
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề xuất cơ chế tuyển dụng giáo viên mầm non không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố. Thành phố đề xuất giải pháp thu hút nhân lực cho ngành này bằng cách cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non (cho vay để trả học phí và cả sinh hoạt phí). Sinh viên vay cam kết ra trường sẽ công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.