Không hài lòng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và trong 5 năm 2011-2015, Đại biểu Phạm Đình Thường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhận xét, trong 5 năm qua việc phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế thiếu sót. Ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập đến điều này, đặc biệt là việc dàn trải ở các khâu đầu tư xây dựng khiến người dân không khỏi sốt ruột.
Lãng phí đầu tư diễn ra trầm trọng
Đại biểu Thường dẫn hàng loạt dự án không phát huy hết hiệu quả thời gian qua như việc xây dựng cảng biển Thị Vải - Cái Mép dù được đầu tư 40.000 tỷ đồng nhưng mới khai thác 20% công suất, 32.000 tỷ đồng đầu tư chưa khai thác được gì; Khu nhà sinh viên ở Lâm Đồng đầu tư ko sử dụng; Dự án đường sắt du lịch đến Quảng Ninh có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ nhưng mỗi ngày chỉ bán được 1 vé tàu du lịch.
“Không hiểu việc lập báo cáo khả thi khi đầu tư vào những dự án này dựa trên cơ sở nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những dự án này không có hiệu quả? Báo cáo của Chính phủ không hề nêu địa chỉ nào nhưng qua đó có thể thấy, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội rất thấp trong khi đó để lãng phí hàng nghìn tỉ đồng”, Đại biểu bức xúc.
Đại biểu Thường cũng cho rằng, việc mua sắm công hiện nay cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Mặc dù Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc mua sắm xe công nhưng chưa thấy ở đâu, chưa thấy ngành nào thực hiện. Trong khi đó trên thực tế, một ông Giám đốc Sở cũng có thể sở hữu từ 1 - 2 xe công, và xe công vẫn được mua sắm thông qua con con đường công an, quân đội… điều đó cho thấy việc thực hiện kỷ cương không nghiêm và càng làm trầm trọng sự lãng phí.
“Vừa qua việc đầu tư nhiều Trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực y tế nhưng vẫn lãng phí vì vốn này được phân cho các địa phương, cho ngành. Một khi đã có vốn kiểu gì địa phương, ngành cũng mua bằng hết, không bao giờ trả lại, kể cả thiết bị không cần mua cũng mua. Nếu ngăn giảm được việc này thì tiền từ những khoản lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị sẽ làm được nhiều việc khác, không lâm vào tình trạng thiếu vốn như hiện nay”, Đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt nhiều dấu hỏi về lợi ích nhóm. |
Đại biểu cũng đề cập đến những bất cập trong quy trình ban hành chính sách và thực hiện chính sách. Ở nhiều chương trình chính sách, trước khi ban hành Chính phủ đều nói có nguồn nhưng sau lại không có, cụ thể như việc xây dựng nhà ở cho người có công, khi ban hành Pháp lệnh người có công, Chính phủ nói có nguồn nhưng đến thực tế hiện nay lại không có tiền.
Cũng chung quan điểm về chống lãng phí, Đại biểu Võ Kim Cự trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thời gian tới, Chính phủ phải hạn chế việc đầu tư dàn trải, chỉ tập trung vào những dự án, công trình trọng điểm và cấp bách. Trong khi đó, năng suất lao động của nước ta đang quá thấp do công nghiệp lạc hậu và phương pháp điều hành quản trị của Nhà nước.
“Như vụ đề xuất xem xét nhập toa tàu cũ của Trung Quốc là đi ngược lại quá trình phát triển, hướng lạc hậu trở lại. Con người sinh ra cơ chế chính sách, không phải cơ chế sinh ra con người do vậy phải kiểm điểm thật nghiêm khắc vụ này. Ngoài ra việc họp hành liên tục cũng gây lãng phí về vật chất và nguồn nhân lực”, Đại biểu Võ Kim Cự nói.
Lợi ích nhóm ở đâu vẫn chưa tìm thấy
Phân tích về một số nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong điều hành của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, sự cầu thị của Chính phủ chưa đáp ứng được lòng mong muốn của nhân dân. Việc tiếp thu, cầu thị chưa đến nơi cho nên những khó khăn cứ lặp đi lặp lại, do vậy Quốc hội, Chính phủ cần suy nghĩ thêm về vấn đề này.
Theo đánh giá của Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, sự cầu thị của Chính phủ cũng như Quốc hội đối với người dân chưa cao. Nhiều chính sách, luật được ban hành ra nhưng không tiếp thu ý kiến người dân. Chỉ rõ hạn chế này, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng có thể có lợi ích nhóm đang lũng đoạn chính sách.
“Nhiều cử tri phát biểu rằng việc điều hành chính sách có bị chi phối bởi lợi ích nhóm không? Trong khi Nghị quyết Đại hội có nói đến lợi ích nhóm. Nghị quyết Trung ương 4 cũng nói nhiều đến lợi ích nhóm. Vậy lợi ích nhóm có ở đâu, có đến mức độ nào? Tại sao nói mà không chỉ ra nhóm nào? Vậy lợi ích nhóm có chi phối, có lũng đoạn lợi ích nhóm không? và làm luật có chi phối bởi lợi ích nhóm không? Có phải đó là nguyên nhân khiến ta không tiếp thu được ý kiến của Quốc hội, của nhân dân hay không?”, Đại biểu liên tiếp nêu ra những câu hỏi.
Việc các nghị quyết cũng như chính sách pháp luật chưa đồng bộ, lời nói chưa đi đôi với việc làm cũng đã được Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc đến. Bởi thực tế này đang gây ra sự giảm sút niềm tin của người dân. “Năm nào chúng ta cũng đánh giá niềm tin giảm sút, nhưng giảm sút cụ thể bao nhiêu thì không ai đánh giá, điều này cứ diễn ra từ năm này qua năm khác”, Đại biểu trăn trở.
Đề cập đến công tác giám sát, Đại biểu Hà Minh Huệ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nhận định, trong những năm qua, công tác quản lý giám sát còn rất lỏng lẻo, chủ yếu mới chỉ quan tâm bề nổi và thành tích.
“Đơn cử việc một cơ quan giám sát, thanh tra nhưng vẫn có những sai phạm ngay trong cơ quan thanh tra của Chính phủ. Gần đây dư luận bất bình về kinh doanh đa cấp ảnh hưởng đến người dân xảy ra nhiều năm và diễn ra ngay trước mặt nhưng lại có những lãnh đạo đến khuyên khích, vậy thì công tác giám sát ở đâu? Rồi Dự án nhà 8B Lê Trực xây cao thêm 16 mét nhưng suốt quá trình sai phạm không ai thấy, không ai biết, hay như các dự án sử dụng đất làm khu sinh thái tại Ba Vì đều đã xảy ra từ rất lâu nhưng chẳng lẽ không ai phát hiện. Do đó Chính phủ khóa tới quan tâm hơn đến điều này”, Đại biểu Huệ nói./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.