Máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Hàng loạt các quy định điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không đã được sửa đổi bổ sung nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Đây là nội dung chính của Nghị định số 89/2019/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Cụ thể, mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng; khai thác từ 11 đến 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng.
Nghị định số 89 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 3 điều kiện gồm nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định, trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được ấn định là 30%.
Nghị định mới này cũng bãi bỏ quy định về việc chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, tăng vốn của doanh nghiệp hàng không cho đối tác nước ngoài.
Đối với điều kiện cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không, Nghị định số 89 quy định mức vốn tối thiểu được lựa chọn là mức thấp (100 tỷ đồng), tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ.
Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bị hủy bỏ trong trường hợp không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục; ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục; cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; không được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép; vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh an toàn hàng không, tổ chức bộ máy điều hành và hoạt động khai thác vận chuyển hàng không...
Trong trường hợp giấy phép bị hủy bỏ, Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định hủy bỏ giấy phép và doanh nghiệp phải chấm dứt ngay việc kinh doanh vận tải hàng không.
Bên cạnh đó, Nghị định số 89 quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để thực hiện vận chuyển hành khách sẽ không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung, tuổi tàu bay không vượt quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu theo hợp đồng mua, thuê mua và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê…
Nghị định số 89 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.