Nhiều điểm mới ứng phó cấp quốc gia về tai nạn tàu thuyền trên biển

Tác giả: Pv

saosaosaosaosao
Bạn đọc 27/06/2020 07:48

Ủy ban QG ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Kế hoạch số 21 về ứng phó cấp QG tai nạn tàu thuyền trên biển.

tim kiem cuu nan

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn:

- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển; xây dựng đề án hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chương trình, nội dung tuyên truyền giáo dục, huấn luyện; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm, cứu nạn cấp Quốc gia và với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trên vùng biển Việt Nam; rà soát, lập đề án bổ sung trang bị tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển;

- Chỉ đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện tốt ứng phó với sự cố, tai nạn tàu, thuyền trên biển; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch được phê duyệt;

- Phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển; tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu, thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển;

- Cập nhật, cung cấp thông tin về diễn biến tình huống sự cố, thiên tai cho cơ quan dự báo, cảnh báo để tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai:

- Chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển;

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển;

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Công điện để chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển.

Bộ Giao thông vận tải:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và vùng nước cảng biển; xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó về tai nạn tàu, thuyền trên biển; hàng năm triển khai, kiểm tra việc thực hiện, soát xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tổ chức trực ban để tiếp nhận các thông tin liên quan đến tàu, thuyền bị nạn trên biển;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của các chuyên ngành Hàng hải, Hàng không, Đường thủy nội địa thuộc Bộ kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mình với việc sẵn sàng tham gia trực và tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo hệ thống tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, hàng không tổ chức tốt việc điều phối hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển; tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu thuyền trên biển và trong vùng nước cảng biển;

- Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tàu biển nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và tàu biển Việt Nam hoạt động trong nước và quốc tế, kiên quyết không cho rời cảng những tàu, thuyền thiếu các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; nâng cao chất lượng đăng kiểm tàu biển, phương tiện thủy nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật đối với tàu biển khi hoạt động tại vùng nước cảng biển, nội thủy và lãnh hải Việt Nam;

- Chủ trì thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan thông báo cho các tổ chức quốc tế về tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên;

- Chỉ đạo Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam tổ chức trực 24/24h để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn; thông báo các tần số (kênh) trực canh, cấp cứu - khẩn cấp của hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam, các phương thức liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong nước và nước ngoài biết để thông tin, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển;

- Tổ chức khảo sát, kịp thời cập nhật năng lực phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn trên biển trong nước và các nước trong, ngoài khu vực để tham mưu, đề xuất sử dụng lực lượng, phương tiện khi có tình huống (đặc biệt đối với các trang bị, phương tiện tìm kiếm dưới mặt nước, ở các vùng biển sâu);

- Rà soát phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung theo hướng đầu tư, mua sắm các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng, không hạn chế cấp sóng, gió và có các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày và tại các vùng biển, đảo xa.

 Bộ Quốc phòng:

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các lực lượng khác của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc sẵn sàng trực và tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo địa bàn hoạt động trên biển;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ ứng phó sự cố, tai nạn tàu thuyền trên biển, các biện pháp phòng tránh, ứng phó với sự cố, tai nạn trên biển và các nội dung liên quan đến khai thác hải sản theo quy định;

- Chỉ đạo Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các quân khu ven biển xây dựng, luyện tập kế hoạch ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến thời tiết trên biển, kêu gọi tàu, thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết nguy hiểm xảy ra trên biển;

- Rà soát phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền đầu tư, mua sắm bổ sung phương tiện, trang bị tìm kiếm cứu nạn trên biển (đặc biệt đối với phương tiện, thiết bị tìm kiếm dưới mặt nước); nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền trên địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển (trước mắt đối với hai Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu Miền Bắc và Miền Trung).

(Còn nữa) 

Ý kiến của bạn

Bình luận