Nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao sau đợt dịch COVID-19 thứ 4

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 20/09/2021 17:27

Chưa kịp phục hồi sau hơn một năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải (DNVT) lại phải đối diện với nhiều khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát diễn biến phức tạp và đứng bên bờ vực phá sản.


Rất cần sự hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng

Là doanh nghiệp liên vận quốc tế Việt Nam – Lào, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của Công ty TNHH-MTV Cảnh Quang Gia Lai, trong trạng thái cầm chừng, hiện chỉ còn túc tắc vận chuyển nhỏ lẻ đối với các đơn hàng đã hợp đồng với đối tác nước bạn. 

Theo ông Trương Minh Cảnh, giám đốc Công ty TNHH-MTV Cảnh Quang Gia Lai, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, gần như đã “chết lâm sàng” do không đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động. Còn những doanh nghiệp lớn có thương hiệu đang trong thế “kẹt”

“Nửa năm nay, doanh thu công ty tôi gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; đặc biệt là tiền lương nuôi hàng chục tài xế đang ăn nằm bên Lào, tiền hỗ trợ cán bộ công nhân viên, phí bảo trì đường bộ…Nói chung hiện tại chúng tôi đang trong cảnh “thoi thóp”, ông Cảnh buồn bã chia sẻ.

4
Nửa năm nay Công ty TNHH-MTV Cảnh Quang Gia Lai, doanh nghiệp vận tải Việt Nam – Lào khốn khó vì chỉ hoạt động cầm chừng 

Cũng theo ông Cảnh, cái khó đối với doanh nghiệp của ông hiện nay là  việc vận chuyển hàng hóa theo đơn hàng đã hợp đồng cũng bị đình trệ. Trong đó, vẫn phải nuôi tài xế tại các tỉnh dọc theo tuyến cho đến khi sang nước bạn Lào nhằm đảm bảo công tác chung chuyển quay đầu của tài xế, khiến doanh nghiệp vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, việc thanh toán cho ngân hàng, trong khi các khoản vay này đều chịu lãi suất cao, phải thanh toán đúng kỳ hạn. 

 “ Đơn cử như công ty tôi đang phải nuôi 10 tài xế nằm bên Lào, 5 tài xế tại Cửa khầu Quốc tế Bờ Y, trung bình mỗi tài xế luông hơn 10 triệu/ tháng, khiến doanh nghiệp càng thêm chồng chất khó khăn", ông Cảnh lo lắng.

Chính vì vậy, mong muốn của ông Cảnh là hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, các ngành, các cấp, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa trên cơ sở đã thực hiện đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhất là các địa phương có cửa khẩu khi xe đi qua…

Lao đao vì đại dịch

Chung tình cảnh, ông Đoàn Thế Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc chia sẻ: Đơn vị có các tuyến vận tải hành khách từ Kon Tum đến thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn…và ngược lại (trong đó tuyến Kon Tum thành phố Hồ Chí Minh là tuyến chủ lực) nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các tuyến này đều ngừng hẳn. Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, mỗi ngày công ty có gần 20 lượt xe xuất bến với khoảng 600 hành khách nhưng hơn 2 tháng nay các tuyến vận tải dừng hoạt động, hàng chục chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng để phơi nắng, phơi mưa khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. “Xe không hoạt động thì đơn vị không có doanh thu, người lao động cũng giảm thu nhập. Trong khi đó, mỗi chiếc xe giường nằm trị giá hơn 4 tỷ đồng thì có đến 70% vốn là tiền vay ngân hàng, với mức lãi suất dao động từ 8,5 đến 10%. Chỉ tính riêng tiền gốc và tiền lãi hàng tháng, công ty phải trả ngân hàng lên đến con số tiền tỷ. Đó là chưa kể các khoản chi phí cố định như trả lương nhân viên, chi phí bến bãi, bảo trì phương tiện, phí đường bộ...Đây là bài toán quá khó khăn đối với doanh nghiệp”- ông Tiến nói.

3
xe khách giường nằm đều dừng hoạt động, để “đắp chiếu”, phơi nắng, phơi mưa và thực trạng đó khiến doanh thu của đơn vị sụt giảm đến gần 90% so với trước đây.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Tân Anh có hơn 30 đầu xe, trong đó có 20 xe tải, 12 xe khách giường, hiện nay chỉ vài chiếc xe tải còn hoạt động để vận chuyển hàng hóa, còn tất cả xe khách giường nằm đều dừng hoạt động, để “đắp chiếu”, phơi nắng, phơi mưa và thực trạng đó khiến doanh thu của đơn vị sụt giảm đến gần 90% so với trước đây.

Ông Đinh Khắc Tấn- Phó Giám đốc Công ty cho biết: Xe không chạy, doanh thu không có mà hàng tháng đơn vị vẫn phải trả lương để giữ chân đội ngũ lái xe. Trong khi đó, với số lượng phương tiện và nhân công như vậy mỗi ngày đơn vị cũng phải mất 200 triệu tiền chi phí các loại (kể cả tiền lãi ngân hàng). Thực tế đó làm cho doanh nghiệp vận tải chúng tôi rất khó khăn. 

“Chúng tôi mong rằng nhà nước có các chính sách tháo gỡ khó khăn, được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp và được tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi, gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua trong cơn đại dịch này…”-ông Tấn đề xuất.

Theo đạo diện Sở GTVT tỉnh Gia Lai và Kon Tum, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp vận tải tại địa phương đứng bên bờ phá sản bởi đại dịch, vì vậy, trên cơ sở nắm tình hình, kiến nghị của các doanh nghiệp, ngành chức năng đã đề nghị cơ quan Tài chính kiến nghị cơ quan chức năng có các chính sách về Thuế, chính sách trong việc trả lãi vốn vay ngân hàng để hỗ trợ các đơn vị vận tải phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế…

Ý kiến của bạn

Bình luận