Nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn chặn xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 18/01/2024 15:01

Cùng với tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT Gia Lai phối hợp với cơ sở thu mua, sản xuất tổ chức tuyên truyền cho chủ xe, tài xế, người trồng mía thực hiện bốc xếp hàng hóa, vận chuyển đúng quy định pháp luật về TTATGT.

xe chở mía ở Gia Lai
O
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 1.

CSGT Gia Lai kiểm tra xe tải BKS 81C - 227.92 chở mía lưu thông trên tuyến Trường Sơn Đông qua huyện Ia Pa

Nhà máy đường, chủ xe, tài xế cùng kiểm soát hàng hóa, tải trọng xe

Những ngày này, trên các cánh đồng mía ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa (tỉnh Gia Lai), người dân tất bật thu hoạch mía. Xe tải tấp nập ngược xuôi trên các tuyến QL25, Trường Sơn Đông, ĐT622, ĐT622B vào ra các cánh đồng, bốc xếp mía, vận chuyển cung cấp cho các nhà máy đường.

Có mặt tại cánh đồng mía giáp ranh giữa 2 huyện Ia Pa và Kông Chro, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận, mía được thu hoạch chất thành từng đống cao, nhân công hối hả chuyển bốc, chất mía lên thùng xe. Sau khi bốc xếp mía lên xe, tài xế quay video, chụp ảnh hiện trạng hàng hóa trên xe gửi cho chủ hàng, bộ phận tiếp nhận hàng ở nhà máy đường đăng ký xuất phiếu cân xe. Nếu hàng hóa xếp đúng quy cách, kích thước thành thùng xe thì được xuất phiếu tiếp nhận hàng. Còn nếu hàng hóa xếp quá khổ, có dấu hiệu vượt tải thì không được xuất phiếu nhận hàng.

Vừa phụ giúp chủ ruộng mía xếp hàng lên xe, vừa hướng dẫn người làm công cách thức xếp mía đúng kích thước thành thùng xe, tài xế xe tải BKS 81 - 010.25 Nguyễn Ngọc Phong cho biết, những vụ mía trước đây, xe 25 tấn có thể chở 30-35 tấn mía. Để đạt được khối lượng hàng hóa như thế, mía phải chất vượt chiều cao thùng xe, chiều dài đuôi xe. Xe chở hàng quá khổ, quá tải nên khi chạy trên đường phải "canh" lực lượng chức năng. Chuyến hàng nào bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt thì coi như tiền công không đủ tiền nộp phạt. 

"Còn hiện nay, xe 25 tấn thì chở đủ tải 25 tấn, chấp hành đúng tải, đúng khổ. Đối với những trường hợp có lượng mía thu hoạch không đủ chuyến thì chủ mía, chủ xe thỏa thuận giá vận chuyển chứ không ghép hàng, ép chuyến giữa các chủ mía, buộc xe chở quá khổ, quá tải như trước đây", tài xế Phong nói. 

Với kinh nghiệm hơn 3 mùa vận chuyển mía, tài xế xe tải BKS 81C - 231.86 Thái Quốc Phong (47 tuổi) cho hay, những vụ mía trước, tài xế được trả công theo phần trăm khối lượng hàng hóa vận chuyển. Xe càng chở được nhiều, tiền công tài xế sẽ càng cao. Qua vụ mía này, chủ hàng trả tiền công lái xe theo chuyến và chiều dài quãng đường. Đường vận chuyển dưới 60 km thì tiền công 500 ngàn/chuyến, tài xế tự lo tiền ăn, uống. Đối với tuyến đường trên 60 km thì ngoài tiền công 500 ngàn/chuyến, tài xế được hỗ trợ thêm tiền ăn, uống. 

"Với việc nhà máy chỉ tiếp nhận hàng đối với xe chở đúng khổ, đúng tải, còn chủ xe trả tiền công theo chuyến, vì vậy tài xế muốn có tiền công cao thì phải tuân thủ quy cách bốc xếp hàng hóa, chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT. Nếu không tuân thủ thì nhà máy không nhận hàng, không xuất phiếu cân xe, buộc phải bốc xếp lại hàng hóa, mất thời gian, mà còn bị lực lượng chức năng ngăn chặn, xử phạt", tài xế Phong nói. 

Video xe chở mía lưu thông trên tuyến Trường Sơn Đông, QL25, tỉnh lộ cung cấp cho nhà máy đường

Tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm xe quá khổ

Theo đuôi các xe tải chở mía BKS: 78H - 045.42, 78H - 014.83, 81C - 132.58, 81H - 012.49, 78H - 050.99, 81C - 152.28...hành trình từ chân cánh đồng mía huyện Ia Pa và Kông Chro đến nhà máy đường AGRIS (thị xã Ayun Pa) lưu thông qua các tuyến Trường Sơn Đông, ĐT622, QL25, PV ghi nhận các phương tiện chạy nề nếp, trật tự, không còn tình trạng chạy "ăn chuyến" như trước, gây mất ATGT. Đặc biệt, tuyệt nhiên không có cảnh người ngồi, bu bám trên thùng xe, nóc cabin như tình trạng những năm qua.

Trên tuyến, lực lượng CSGT các địa phương, phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai bố trí chốt kiểm tra, kết hợp với các tổ công tác liên tục tuần lưu kiểm soát, đảm bảo TTATGT. Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, lực lượng CSGT đều có hiệu lệnh dừng, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điển hình như vào ngày 12/1, tại tuyến ĐT622 qua địa bàn xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa), tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Ia Pa kiểm tra xe tải chở mía BKS 78C - 016.xx và phát hiện xe tải này xếp hàng hóa cao hơn 10% kích thước thành thùng. 

Hay như trường hợp xe tải BKS 81C - 096.xx do tài xế Nguyễn Văn D. (sinh năm 1988, trú huyện Ayun Pa, Gia Lai) điều khiển trên QL25 chở hàng (mía) vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép. Kết quả kiểm tra, lực lượng Đội CSGT-TT Công an huyện Krông Pa cho thấy hàng hóa xếp cao hơn quy định gần 0,4 m (2,7 m/2,46 m). 

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm chở hàng quá kích thước thành thùng, lực lượng chức năng yêu cầu chủ xe, tài xế chấp hành hạ tải hàng hóa trên xe và lập biên bản xử phạt hành chính cả chủ xe lẫn lái xe theo đúng quy định pháp luật về TTATGT.

Chỉ tính riêng chuyên đề xử lý tải trọng xe, trong năm 2023, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai lập biên bản 1.359 trường hợp vi phạm (tăng gần 17% so với năm 2022), xử phạt 1.669 trường hợp với số tiền gần 7,9 tỷ đồng, tước 311 GPLX, buộc hạ tải 286 trường hợp.

Theo chỉ huy Đội CSGT-TT Công an các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, thời gian qua, nhất là thời điểm trước vụ thu hoạch mía, các đơn vị tăng cường tuyên truyền pháp luật về TTATGT đối với chủ xe, tài xế trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện người điều khiển phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện và ký cam kết chấp hành chở hàng hóa đúng khổ, đúng tải. "Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, chủ xe, lái xe cũng ký cam kết, vì vậy, khi phát hiện trường hợp vi phạm, đơn vị sẽ xử lý nghiêm, tạo tính răn đe, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT", chỉ huy Đội CSGT-TT Công an các huyện Ayun Pa cho hay.

Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 2.

CSGT Gia Lai tăng cường TTKS, đảm bảo ATGT cao điểm vụ thu hoạch nông sản

Trực tiếp chỉ huy công tác TTKS, đảm bảo ATGT trên tuyến QL25, Trung tá Lê Công Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, để đảm bảo ATGT, ngay từ đầu mùa vụ thu hoạch mía năm 2023 – 2024, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị đã phối hợp công an các huyện tổ chức tuyên truyền và ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện với các nhà máy đường và đơn vị kinh doanh vận tải, chủ xe, lái xe thực hiện nghiêm quy định pháp luật về TTATGT, tuyệt đối chấp hành chở hàng đúng khổ, đúng tải. 

"Kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các nhà máy đường cũng có quy định chỉ tiếp nhận hàng, xuất phiếu cân đối với những xe chở mía đúng kích thước thành thùng, đúng tải. Vì vậy, tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải trên các tuyến QL25, Trường Sơn Đông, tỉnh lộ trên địa bàn các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa đã được kiềm chế, hầu hết phương tiện chở mía chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT", Trung tá Ngọc nhấn mạnh.

"Hiện nay, trên đường Trường Sơn Đông, ĐT667 vẫn còn một số phương tiện chở mía đi về nhà máy đường An Khê có dấu hiệu chở hàng quá khổ, quá tải. Đáng lo, có xe chở mía trọng tải lớn lưu thông qua cầu Yang Trung (cũ) tại Km28+800 ĐT667 qua thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro), vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường, bất chấp biển báo hạn chế trọng lượng xe qua cầu, uy hiếp đến an toàn của công trình cầu. Để chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa sự cố công trình, Ban ATGT tỉnh Gia Lai vừa có đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng phương tiện", ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai thông tin.

Theo ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai, nhằm tăng cường quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, kiểm soát tải trọng xe, nhất là trong thời điểm vụ thu hoạch mía, nông sản, Ban ATGT tỉnh Gia Lai có nhiều văn bản đề nghị các đơn vị, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng xe, kích thước thành thùng hàng, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và hạn chế TNGT.

"Qua kiểm tra, theo dõi, đến nay Ban ATGT tỉnh Gia Lai nhận thấy tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa...đã được kiềm chế, đa số chủ xe, lái xe đã chấp hành tốt cam kết, chở mía đúng tải trọng cho phép. Có được kết quả tích cực này là nhờ công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT được thực hiện bài bản, thực chất, kết hợp xử lý nghiêm, quyết liệt các trường hợp vi phạm", ông Dũng nhìn nhận.

Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 3.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 4.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 5.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 6.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 7.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 8.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 9.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 10.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 11.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 12.

Xe tải chở mía lưu thông trên các tuyến Trường Sơn Đông, QL25, đường tỉnh qua các huyện Ia Pa, Ayun Pa


Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 13.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 14.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 15.

 CSGT Gia Lai xử lý nghiêm các trường hợp xe chở mía quá khổ, quá tải

Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 16.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 17.
Giải pháp kiềm chế xe chở mía quá khổ, quá tải ở Gia Lai- Ảnh 18.

Nhà máy đường AGRIS Gia Lai chỉ tiếp nhận, xuất phiếu thu mua mía đối với các phương tiện xếp hàng hóa đúng kích thước thành thùng, chở đúng tải theo quy định