Nhiều người "sập bẫy" khi mua vé máy bay, ra sân bay mới biết bị lừa

Tác giả: L.Chi

saosaosaosaosao
Vận tải 20/08/2024 16:14

Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tính năng hỗ trợ đặt vé, đặt phòng của một số khách sạn, hãng bay, cho phép khách hàng đặt lấy mã code vé trước và thanh toán chậm trong vòng 12 - 24 giờ. Với chiêu thức này, nhiều người dân đã bị lừa tới hàng chục triệu đồng.

Lật tẩy chiêu thức gửi mã code vé máy bay để chiếm đoạt tiền của hành khách - Ảnh 1.

Một trong những chiêu thức được các đối tượng lừa đảo áp dụng là gửi mã code vé máy bay để chiếm đoạt tiền của hành khách (Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục chuyến bay tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài). Ảnh: NIA

Công an Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay xuất hiện nhiều đối tượng rao bán vé máy bay với giá rẻ bất ngờ, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý ham vé rẻ của nhiều hành khách, sau đó lập các tài khoản facebook ảo, đăng tải bài viết rao bán vé máy bay, đặt phòng giá rẻ trong các hội nhóm nhiều người tham gia.

Theo Công an Hà Nội, các đối tượng thường giả mạo các công ty du lịch nổi tiếng, đính kèm trong bài đăng số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng uy tín, minh bạch. Nội dung bài đăng thường là quảng bá về các chương trình khuyến mãi, voucher với ưu đãi lớn và số lượng có hạn.

"Sau khi có người liên hệ hỏi mua, các đối tượng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc. Khi nạn nhân hoàn tất chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng gửi mã code vé, code đặt phòng cho nạn nhân. Nhưng các đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người sập bẫy khi không hề thanh toán tiền trên hệ thống mà chỉ lợi dụng tính năng hỗ trợ đặt vé, đặt phòng của một số khách sạn, hãng bay, cho phép khách hàng đặt lấy mã trước và thanh toán chậm trong vòng 12 - 24 giờ. Chỉ khi khách hàng đến sân bay hay địa điểm du lịch mới biết mình bị lừa", Công an Hà Nội thông tin và cho biết, nhiều người dân đã bị lừa, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Với hình thức lừa đảo này, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.

Ngoài ra, người dân cần xác minh kỹ thông tin của công ty, yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng công ty, có dấu, chữ ký của giám đốc và tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế công ty trước khi thực hiện giao dịch…

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, thời gian qua, một số hãng hàng không cũng cho biết hãng và các cơ quan chức năng đã ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng hàng không.

Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Mới đây có trường hợp một khách mua vé khứ hồi nội địa cho gia đình qua một công ty. Khi đến sân bay check-in, khách mới biết công ty này chỉ đặt chỗ chứ không xuất vé, khách phải mua vé mới cho gia đình.

Một phương thức khác là các đối tượng sau khi nhận được tiền của khách, vẫn xuất vé, nhưng sau đó lại hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải chịu mất một khoản phí hoàn vé nhỏ.

Cuối năm 2022, một khách hàng mua vé máy bay đi Úc cho đoàn khách qua đại lý là chỗ quen biết cá nhân. Khách đã chuyển cho đại lý này tiền vé, nhưng khi xác nhận lại vé trước ngày bay, khách hàng mới biết vé đã bị hoàn lại trước đó. Khách không thể thực hiện chuyến bay như dự định và phải hủy toàn bộ kì nghỉ.

Để tránh mua nhầm vé giả, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách tìm hiểu kỹ để vào đúng website của hãng bay mua vé trực tiếp hoặc trên ứng dụng di động hay tại các phòng vé, đại lý chính thức của hãng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Đây là chứng từ khách hàng dùng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nếu khách hàng cần kiểm tra, xác thực vé hoặc cần được tư vấn mua vé trực tiếp, có thể nhắn tin trực tiếp theo kênh Zalo của hãng; fanpage facebook (có dấu tick xanh) hoặc gọi tổng đài chăm sóc khách hàng của hãng bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận