Ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức tại buổi tập huấn. Ảnh:SGGP |
Tại Hội nghị tập huấn Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận một số điểm mới. Trong đó có 2 điểm nổi bật liên quan đến loại hình đào tạo, văn bằng của người ứng tuyển và phân cấp cho địa phương tuyển dụng.
Không phân biệt loại hình đào tạo trong tuyển dụng công chức, viên chức
Các cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Theo báo Người Lao Động, quy định này để đảm bảo phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục đại học về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, cơ sở đào tạo.
Điểm ưu tiên trong quá trình tuyển dụng sẽ được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2 (vòng thi kiến thức chuyên môn).
Hình thức thi sẽ có 2 vòng: vòng trắc nghiệm thi trên máy tính, nếu không có máy tính sẽ thi trắc nghiệm trên giấy. Kết quả vòng 1 được xác định theo số câu hỏi trả lời đúng cho từng phần thi quy định, nếu trả lời đúng 50% câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được vào vòng 2.
Quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện sẽ không phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy định về tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức sẽ theo hướng chỉ để giải quyết việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, còn việc thực hiện chính sách thu hút sẽ áp dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ.
Phân cấp cho địa phương về tuyển dụng
Kinh tế & Đô thị đưa tin, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Nghị định 161 còn có một số nội dung mới phân cấp cho bộ, ngành, địa phương, như: Được quyết định tuyển dụng công chức không qua thi, quyết định danh sách công chức dự thi nâng ngạch, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng; có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, quyết định số lượng danh mục vị trí việc làm.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan được giao tuyển dụng công chức sẽ có quyền quyết định hình thức tuyển là phỏng vấn hoặc thi viết tại vòng 2. Giao thẩm quyền quyết định việc quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển (bỏ quy định phải có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương).
Bộ Nội vụ chỉ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và không thực hiện việc giám sát thi với vai trò của cơ quan chủ trì thi nâng ngạch như trước đây. Giao thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức chuyên ngành tương đương ngạch chuyên viên cao cấp cho địa phương. Đồng thời, bộ, ngành địa phương cũng được quyền quyết định danh mục vị trí việc làm tại cơ quan mình.
Ngoài ra, Nghị định có sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 theo hướng: Bỏ quy định người ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68 được áp dụng chế độ như đối với cán bộ công chức và không tính trong quỹ lương của cơ quan, đơn vị; không áp dụng chế độ công chức với lái xe bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy và tương đương trở lên.
Thông tư số 03/2019/TT-BNV được ban hành nhằm thực hiện các nội dung được Chính phủ giao Bộ Nội vụ thực hiện tại Nghị định 161; rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nội dung quy định trong các TT do Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền trước đó có quy định liên quan đến việc tuyển dụng công chức viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Nghị định 161.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.