Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe. Điển hình như vụ TNGT nghiêm trọng ngày 12/3 tại Hải Phòng do 2 học sinh (sinh năm 2005, chưa đủ tuổi để lái xe mô tô và chưa có giấy phép lái xe mô tô) điều khiển xe gắn máy va chạm với ô tô làm hai thiếu niên tử vong. Hay vụ TNGT ngày 11/3 tại Vĩnh Phúc, 2 học sinh (sinh năm 2004) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm phóng với tốc độ cao đã cố tình đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, hậu quả làm 1 chiến sĩ CSGT bị thương.
Năm 2019 và 2020 cũng đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do học sinh điều khiển xe gắn máy (bao gồm xe gắn động cơ xăng có dung tích xy-lanh dưới 50 cm3 và xe gắn động cơ điện) gây ra, làm nhiều em tử vong và bị thương. Trong năm 2020, theo số liệu phân tích chưa đầy đủ của công an các địa phương về độ tuổi của người bị nạn và người điều khiển phương tiện gây tai nạn cho thấy, trong số 10.357 người bị nạn thì có 974 người dưới 18 tuổi, 3.524 người từ trên 18 đến 30 tuổi; 4.019 người gây tai nạn thì có 260 người dưới 18 tuổi, 1.460 người từ trên 18 đến 30 tuổi.
Điều đáng nói, thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông đối với thanh, thiếu niên đã được chú trọng, đẩy mạnh, nhưng TNGT, hành vi vi phạm giao thông ở độ tuổi này vẫn không giảm. Nghịch lý này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính bản thân giới trẻ, gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng văn hóa giao thông.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục tại nhà trường, xã hội, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, tránh tình trạng nể nang khi xử lý vi phạm giao thông đối với thanh, thiếu niên. Đồng thời, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; nhắc nhở con em mình phòng tránh các tình huống giao thông nguy hiểm, tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, kể cả đi bộ; khi đưa đón con em, cần chấp hành tốt Luật Giao thông để làm gương. Mỗi thanh thiếu niên cần có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.