Nhiều trường cao đẳng Mỹ cho sinh viên học từ 6h30

21/10/2018 09:24

Nhiều trường cao đẳng ở Mỹ cho sinh viên vào học từ 6h30 để dành thời gian làm việc. Trong khi đó, giới khoa học khuyến cáo các trường nên lùi giờ vào lớp đến 10h hoặc 11h.


cd (1)

Các tiết học sớm tại Cao đẳng Gateway thu hút nhiều sinh viên theo học. Ảnh: Communitycollegereview.

6h, trước khi Mặt Trời mọc, Melodie Meleskie, sinh viên năm thứ nhất ĐH Wilfrid Laurier (Canada), thức dậy, ăn vội bữa sáng để kịp vào học lớp đầu tiên trong ngày vào lúc 7h.

“Học giờ này, tôi cảm thấy khó tập trung. Lúc đó, thậm chí quán cà phê trong trường còn chưa mở”, Melodie than vãn.

Tuy nhiên, trước thực tế sinh viên tăng nhanh, nhiều đại học ở Ontario, Canada, phải mở thêm các lớp từ sáng sớm để đáp ứng nhu cầu học tập. Trong khi đó, nhiều trường ở Mỹ cũng chọn giải pháp tương tự nhằm giãn tiết học, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tìm kiếm việc làm.

Nhiều trường cao đẳng cộng đồng rộ lên phong trào dậy sớm, học sớm “early bird”, bắt đầu mở lớp từ 6h30, trong khi giờ hoạt động thông thường là 9h.

Phong trào “early bird”

Cao đẳng Cộng đồng Gateway ở Connecticut là một trong rất nhiều cao đẳng ở Mỹ mở lớp cho “early bird”. Theo Hartford Courant, vào học kỳ thu, trường mở lớp từ 6h30 và kết thúc lúc 8h. Nhờ đó, sinh viên có nhiều thời gian để làm các việc khác.

“Nếu sinh viên đăng ký làm thêm theo ca, vào học từ 6h30 là giải pháp đơn giản giúp các em hoàn thành việc học trước khi đi làm”, ông Mark Kosinski, Trưởng phòng Đào tạo Cao đẳng Gateway, giải thích.

Ông nói thêm trường luôn nỗ lực tìm kiếm các phương pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên, đặc biệt trong việc tạo điều kiện để họ vừa làm vừa học. Nhờ đó, sinh viên Gateway có thể học hành đầy đủ, đồng thời có công việc toàn thời gian để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.

Cách làm này trở thành điểm cộng của trường trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh, giúp tỷ lệ ứng tuyển tăng 8% so với trước khi áp dụng lịch học 6h30. Việc đăng ký học sớm còn giúp sinh viên tránh được tình trạng chen chúc tại các lớp có quá đông người theo học, thường là lớp vào buổi chiều.

Cao đẳng Kỹ thuật St. Cloud ở Minnesota cũng khuyến khích sinh viên học sớm. Trước nhu cầu tăng cao của các khóa học về Khoa học Sức khỏe, trường mở nhiều lớp thuộc chương trình này vào 6h30. Giờ học được áp dụng từ năm 2016 và nhanh chóng thu hút sinh viên đăng ký, thậm chí nhiều người có tên trong danh sách chờ vì không đủ lớp.

Theo GS Liz Burand, người đề xuất mở lớp lúc 6h30, phần lớn sinh viên theo học lớp sớm vì giờ này thuận tiện cho học tập. Một số khác lựa chọn nó vì không kịp đăng ký lớp khác. Nhằm giúp sinh viên tỉnh táo, GS Burand cố gắng rút gọn bài giảng và đưa ra nhiều hoạt động tương tác.

“Dần dần, sinh viên theo học lớp sớm là những người học hành nghiêm túc nhất trường”, Aimee Klein, sinh viên Cao đẳng St. Cloud, cho biết.

Cao đẳng Cộng đồng hạt Hudson ở New Jersey cũng mở “lớp học bình minh” cho nhiều môn như Tiếng Anh, Toán, Kinh doanh, Máy tính từ 6h50. Lịch học bắt đầu từ tháng 1/2017 và nhanh chóng được nhiều sinh viên lựa chọn.

Để phục vụ sinh viên theo lớp học sớm, trường thậm chí điều chỉnh thời gian mở cửa của hiệu sách, đồng thời thỏa thuận để giảm phí gửi xe. Tất cả lớp học sớm kéo dài một tiếng đồng hồ, được mở vào hai ngày trong tuần.  

Học muộn hiệu quả nhất?

Trái ngược với cách làm của nhiều cao đẳng Mỹ, các nhà nghiên cứu từ ĐH Nevada và ĐH Open (Anh) khẳng định việc học sớm trái với cơ chế hoạt động của cơ thể và não bộ của thanh thiếu niên.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience hồi tháng 4/2017, họ khuyến cáo các trường đại học nên lùi lịch đến 10h hoặc 11h. Kết luận này được đưa ra dựa trên khảo sát quá trình nghỉ ngơi, hiệu suất hoạt động đầu óc của 190 sinh viên năm nhất và năm hai.

iustudymorni
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Nevada và ĐH Open khẳng định học sớm không hiệu quả. Ảnh: Medical Express.

Theo đó, phần lớn sinh viên không được “lập trình” để hoạt động trí não vào sáng sớm. Thay vào đó, họ thích nghi tốt với lối sống “cú đêm”.

“Giới khoa học từng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra đồng hồ sinh học của thanh thiếu niên khác với trung niên và người già. Điều này hoàn toàn không liên quan thói lười biếng. Người trẻ cũng khó kiểm soát thói quen sinh hoạt thức khuya dậy muộn. Nó là cơ chế sinh học của cơ thể họ”, nhà nghiên cứu giáo dục Mariah Evans, đồng tác giả của nghiên cứu trên, giải thích.

Nói cách khác, yêu cầu sinh viên thức dậy lúc 7h30 và đến lớp, nghe các nhà giáo nói về hoạt động kinh doanh trên Con đường Tơ lụa không khác gì việc đòi hỏi người lớn tuổi bắt đầu làm việc từ 5h.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học cũng đề nghị trường trung học và THCS lùi giờ vào lớp. Sự thay đổi này chỉ mang lại hiệu quả khi các trường đại học, cao đẳng cũng thực hiện lịch học tương tự.

Theo nhóm nghiên cứu, giờ vào học lý tưởng là 11h. Lúc đó, hầu hết sinh viên đều trong trạng thái tốt nhất.

“Chúng ta muốn học sinh, sinh viên học hành tử tế. Chúng ta nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng học thuật với hàng loạt phương pháp. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất là để sinh viên tự do hơn trong tiếp nhận kiến thức, đơn giản ở việc thay đổi giờ vào học”, GS Evans nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận