Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia tại Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Phương Linh. |
Ngày 7/8, TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, trường đã nhận trên 90% giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học từ các thí sinh trúng tuyển đợt 1 vừa qua.
Năm nay, trường này tuyển hơn 4.000 chỉ tiêu ở 32 ngành với điểm chuẩn 20-28 (cao hơn năm ngoái từ 0,75 đến 4,25 điểm). Đại học Bách khoa tuyển sinh theo nhiều phương thức, trong đó xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia chiếm 80-85% chỉ tiêu.
"Với số lượng xác nhận nhập học trên, chúng tôi tuyển đủ trong đợt 1 và không tuyển bổ sung bậc đại học", ông Thông cho biết.
Cùng khối Đại học Quốc gia TP HCM, tính hết hôm nay, gần 1.500 thí sinh trúng tuyển Đại học Kinh tế - Luật theo các phương thức đã gửi giấy chứng nhận điểm thi THPT quốc gia về cho trường. Điểm trung bình trúng tuyển trường này là 25,72; trong đó, ngành Kinh tế đối ngoại lấy điểm chuẩn cao nhất 27,25. Năm nay, trường này sẽ không tuyển bổ sung.
Tương tự, Đại học Kinh tế TP HCM cũng được trên 90% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương (Phó phòng Quản lý đào tạo trường) khẳng định trường tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1.
Nhiều trường khác có số thí sinh xác nhận nhập học khoảng 90% như Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM...
Trong khi đó, một số đại học dự kiến phải xét tuyển bổ sung. Đại học Mở TP HCM hiện nhận được gần 80% giấy chứng nhận điểm thi trong khi thời hạn xác nhận nhập học còn hai ngày. TS Nguyễn Minh Hà (Trưởng phòng Đào tạo trường) dự báo, phần lớn các ngành tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1, song sẽ có một số ngành cần phải tuyển bổ sung.
Tại Đại học Công nghệ thực phẩm TP HCM, giấy chứng nhận điểm gửi về đạt trên 60% chỉ tiêu, cùng với số lượng thí sinh nộp qua đường bưu điện chưa đến nên khả năng số xác nhận nhập học khoảng 85% (tổng số 2.500 chỉ tiêu).
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường) cho biết, đại học này đã lên phương án xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho ba ngành đại học chương trình đại trà, 150 chỉ tiêu đại học chương trình chuẩn quốc tế và 300 chỉ tiêu hệ cao đẳng.
Theo ông Sơn, hiện các trường và các ngành không còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển ở nguyện vọng bổ sung bởi các trường đã tính toán khả năng ảo để dự phòng. "Năm nay, điểm nguyện vọng bổ sung không giảm so với nguyện vọng đợt 1, thí sinh cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định xác nhận nhập học hay chờ đợt tuyển bổ sung", ông Sơn đưa ra lời khuyên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.