Hiện trường vụ cháy xe khách sáng 8-2 ở đèo Lò Xo, đoạn qua Phước Sơn |
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 2, trên cả nước đã xảy ra gần 10 vụ cháy xe, đa phần là xe khách và xe tải. Nơi xảy ra vụ hỏa hoạn là tại các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và Cao tốc.
Nhiều vụ cháy xe liên tiếp xảy ra
Cụ thể, vào sáng 3-2, xe khách giường nằm loại 42 chỗ (nhà xe Tây Nguyên) do anh Thái Văn Lợi làm tài xế, xuất phát từ Gia Lai đi Quảng Bình. Xe lưu thông trên tuyến đường Hồ Chính Minh và đến đoạn qua X.Phước Xuân (H.Phước Sơn), bất ngờ bốc cháy dữ dội; tài xế nhanh chóng hô hoán để hành khách thoát ra ngoài. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ chiếc xe.
Xe bồn chở xăng bốc cháy - Ảnh: A.X |
Cũng trong chiều 3-2, chiếc xe bồn chở 4.000 lít xăng từ TP.Long Xuyên về H.Tịnh Biên (An Giang) do anh Nguyễn Chí Anh làm điều khiển. Khi ghé vào cây xăng 54 trên Quốc lộ 91 để bơm xăng vào trụ, bất ngờ ngọn lửa bùng nên từ các mối nối đường ống rồi bén lửa vào bồn. Tài xế nhanh chóng lên xe nổ máy, chạy ra khỏi cây xăng khoảng 15m và quay lại dập lửa nhưng không thành.
Chiều 4-2, xe khách loại 29 chỗ lưu thông từ Tiền Giang về TP.HCM trên cao tốc Trung Lương, khi qua địa bàn H.Bến Lức (Long An), xe bốc cháy dữ dội, tài xế nhanh chóng cho xe vào lề để hành khách thoát ra ngoài; phương tiện đã bị cháy rụi.
Sáng ngày 8-2, xe khách giường nằm lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, hướng Kon Tum – Đà Nẵng và đến khu vực đèo Lò Xo, thì bốc cháy dữ dội; phương tiện bị lửa thiêu rụi. Cũng trong sáng cùng ngày, chiếc ô tô 16 chỗ hiệu Ford lưu thông trên Cao tốc TP.HCM - Trung Lương chở 14 hành khách từ Tiền Giang về TP.HCM bất ngờ bốc cháy. Tài xế và lực lượng chữa cháy dập lửa nhưng không thành.
Tiếp đó, ngày 10-2, xe tải chở bàn ghế ép gỗ do Nguyễn Chính Công làm điều khiển trên quốc lộ 1A hướng từ Bắc – Nam, đến đoạn đường tránh Quốc lộ 1A (P.Đậu Liêu, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) thì bốc cháy dữ dội. Ước tính vụ cháy làm thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được cho là do hệ thống chiếu sáng trên cabin xe bị chập điện.
Cùng ngày, chiếc ô tô 5 chỗ hiệu Hyundai của gia đình ông Phan Văn Lợi đang đậu trước nhà đường Dã Tượng (TP.Khánh Hòa) thì nghe tiếng nổ, đến kiểm tra thì thấy lửa bùng lên từ cụm động cơ. Chiếc xe hư hỏng nặng phần đầu sau vụ hỏa hoạn.
Vụ hỏa hoạn gần nhất xảy ra vào trưa 14-2, chiếc xe tải biển số Lào bốc cháy dữ dội khi lưu thông trên Đại lộ Thăng Long (X.Ngọc Liệp, H.Quốc Oai, Hà Nội). Tài xế nhanh chóng cho xe vào lề và tung cửa tháo ra ngoài. Phương tiện bị lửa làm hư hỏng phần cabin.
“Lắp thêm thiết bị điện, không bảo dưỡng” là nguyên nhân gây cháy
Hiện các vụ hỏa hoạn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của những vụ hỏa hoạn là do sự bất cẩn của tài xế đã bỏ qua vấn đề an toàn của phương tiện không bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn; cũng như việc tùy tiện lắp thêm các thiết bị âm thanh, ánh sáng.
Sau khi những vụ cháy xảy ra, Viện Khoa học Hình Sự - Bộ Công an đã vào cuộc và theo kết quả giám định mới đây thì nguyên nhân cháy xe, một nửa là do các sự cố về điện, 20 % do yếu tố kỹ thuật và 15% do phát sinh yếu tố bên ngoài là các vật dễ cháy quấn vào bộ phận ống xả (rơm, rạ,…; đồng thời sự bất cẩn của tài xế đã bỏ qua các quy định về an toàn cũng là yếu tố để phương tiện bốc cháy.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – Nguyễn Hữu Trí, xe đã qua sử dụng nhiều năm, khi vận hành động cơ sẽ sinh ra nhiệt lớn.
“Ngoài ra, hệ thống máy móc bị rò rỉ nhiên liệu thì việc chở hàng hóa trên xe cùng tác động của môi trường và việc tự ý lắp thêm các thiết bị điện, không bảo dưỡng, chăm sóc xe kỹ giữa hai kỳ đăng kiểm cũng là nguyên dân gây cháy”, Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.