Hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng
Chiều 13/1, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự hội nghị. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công an,… Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, một số cơ quan của Trung ương Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương;...
Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành GTVT trong năm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng VBQPPL. Đặc biệt, năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/5 quy hoạch (các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, quy hoạch về lĩnh vực hàng không đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt), là một trong những bộ hoàn thành công tác lập quy hoạch sớm nhất.
Một "điểm sáng" trong năm qua, sản lượng vận chuyển hàng hóa tăng 23,7%; hành khách tăng 29,4%. Trong đó, vận tải hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số, vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA)); có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới (theo Tạp chí Lloyd's List của Anh).
Một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GTVT trong năm qua là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án.
Đặc biệt, lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây.
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ, ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch (cả nước bình quân khoảng hơn 75%); dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.
Năm qua, Bộ GTVT tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho công tác bảo trì và triển khai các giải pháp siết chặt hoạt động bảo trì nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của hệ thống KCHTGT. Các cơ quan thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành 22 chỉ tiêu/nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử; duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và xử lý 300 nghìn hồ sơ (tăng 15% so với năm 2021). Bộ GTVT đã cơ bản hình thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung.
Năm 2022, Bộ GTVT tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy với mục tiêu tinh gọn, giảm các cơ quan trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đã giảm 01 đầu mối cấp Tổng cục, 4 đầu mối cấp Vụ, 1 đầu mối cấp Cục, 4 đầu mối cấp chi cục, 02 trung tâm và không còn Phòng trong Vụ.
Bộ GTVT cũng đã ban hành 1 QCVN, đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 35 TCVN, giao các cục chuyên ngành công bố 21 TCCS; đang khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các Dự án xây dựng KCHTGT tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ có kết quả thực tế vào năm 2023.
Kịp thời khơi thông những "điểm nghẽn"
Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19.
Cùng với đó, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ, xung đột chính trị tại một số khu vực trên thế giới kéo dài và ngày càng phức tạp, lạm phát tăng cao tại nhiều nước, các vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt kéo dài trên diện rộng,...
Ở trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH. Tuy nhiên, tình hình thiên tai, lũ lụt, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn,...làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động của ngành GTVT nói riêng.
Trước tình hình đó, bám sát các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, khoa học, linh hoạt, bài bản, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", ngành GTVT đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách lớn nhất từ trước đến nay.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định, trong năm qua, ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác với nhiều kết quả nổi bật. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nhìn lại năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, ngay từ đầu năm, với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí cao, Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện chính xác các khó khăn, vướng mắc, tích cực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, làm việc không kể ngày đêm, kịp thời có giải pháp xử lý, khơi thông những điểm nghẽn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo đúng yêu cầu, làm tiền đề hoàn thành Kế hoạch trung hạn của ngành GTVT trong giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm và các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành GTVT.
Công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT luôn tuân thủ quy tắc thượng tôn pháp luật, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tham khảo mô hình mới, cách làm hay để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả, kịp thời.
"Trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt"
Bên cạnh những thành tích đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thẳng thắn cho biết, năm 2022, Bộ GTVT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhiều hoạt động ngoài việc chịu sự điều chỉnh các pháp luật chuyên ngành GTVT, còn chịu sự điều chỉnh nhiều quy định pháp luật khác chưa được sửa đổi đồng bộ, kịp thời nên còn vướng mắc, chồng chéo, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động vận tải sôi động trở lại gần như năm 2019 trong khi ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe,... vẫn còn diễn ra, dẫn đến số người chết vì TNGT giảm so với năm 2019 nhưng tăng so với năm 2021.
Tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công một số dự án còn chậm so với yêu cầu ngoài lý do bất khả kháng của đại dịch COVID-19, diễn biến bất thường của thời tiết, còn có nguyên nhân khan hiếm vật liệu khi các dự án lớn triển khai đồng loạt; một số chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án, chưa phối hợp tốt với địa phương và đặc biệt là việc GPMB một số dự án vẫn còn chậm.
Cùng với đó, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho công tác bảo trì còn hạn chế chỉ đáp ứng được khoảng 40% nên dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực song công tác bảo trì một số tuyến đường bộ còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, đi lại của bà con nhân dân.
Mặt khác, một số lĩnh vực chưa dự báo kịp thời diễn biến phức tạp nên phương pháp, tần suất của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phù hợp, chưa phát hiện kịp thời hành vi sai phạm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ năm 2022, ngành GTVT rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Trước hết, phải bám sát các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức để "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như lời đồng chí Tổng Bí thư đã nói.
Tiếp đó, quá trình chỉ đạo điều hành phải đảm bảo kỷ cương, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tất cả các chủ thể trong từng việc, từng khâu đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, nhiệm vụ đột phá phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành trung ương, sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó là phải tăng cường năng lực phân tích, dự báo; các nhiệm vụ của ngành phải được chủ động triển khai từ những ngày đầu, tháng đầu, với phương châm "từ sớm, từ xa"; đi đôi với việc triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát.
Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả
Năm 2023, với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả", Bộ GTVT tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.
Trong đó, hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án giao thông, hoàn thành 29 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (được giao khoảng 94.161 tỷ đồng).
Hoạt động vận tải trong nước được đẩy mạnh và tập trung phục hồi vận tải quốc tế, đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt. Phấn đấu tăng khoảng 8% sản lượng vận tải hành khách và 7% vận tải hàng hóa so với năm 2022; riêng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến đạt khoảng 755 triệu tấn, tăng khoảng 4%.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT để tiếp tục kéo giảm 5-10% TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương.
Nội dung được chú trọng khác là xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, với mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 80% các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ; triển khai các công nghệ số đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, bảo đảm tối thiểu 70% hệ thống thông tin được xác định cấp độ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.