Nhìn lượng mì ăn liền để hiểu xã hội Trung Quốc

Doanh nghiệp 24/12/2017 07:07

Sự sụt giảm trong tiêu thụ mì ăn liền tại Trung Quốc cũng cho thấy những thay đổi rõ nét ở đất nước này trong những năm qua như thế nào.

 

Nhìn lượng mì ăn liền để hiểu xã hội Trung Quốc
Mì ăn liền với nhiều sản phẩm đa dạng là thứ không thể thiếu trong các siêu thị tại Trung Quốc - Ảnh: AFP

Với tính chất dễ chế biến và giá thành rẻ, mì ăn liền từ lâu đã trở thành món ăn tiện lợi phổ biến hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiêu thụ mì ăn liền tại Trung Quốc đã giảm đi thời gian qua. Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi trong chất lượng cuộc sống của người dân nước này.

Là một món ăn vặt của học sinh, một bữa ăn vội trên tàu điện hay là món ăn lót dạ cho các công nhân, hơn 46,2 tỉ gói mì đã được bán ra tại Trung Quốc và Hong Kong trong năm 2013.

Tuy nhiên, đến năm 2016, số liệu của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy con số này đã giảm xuống còn 38,5 tỉ gói, tức giảm gần 17%.

Ăn mì giảm tức xã hội đổi thay

Căn cứ vào tình hình khá ổn định của các thị trường tiêu thụ mì ăn liền khác trên thế giới, sự thay đổi tại Trung Quốc cho thấy có điều gì đó bất thường.

Theo hãng tin BBC của Anh, mặc dù bất thường, nhưng diễn biến này cho thấy cách thức xã hội Trung Quốc đã "chuyển mình" rõ nét như thế nào.

Trước hết, người dân Trung Quốc ngày càng mong muốn có các bữa ăn được cải thiện hơn.

Nó sẽ không đơn giản như cách làm một bát mì ăn liền thơm lừng: mở bao mì, bỏ vắt mì và gia vị vào bát, đổ nước xôi và chỉ ngồi đợi vài phút.

Sự sụt giảm trong tiêu thụ mì ăn liền cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn vào chất lượng cuộc sống so với việc chỉ lấp đầy bụng đói”

Ông Zhao Ping - quan chức tại Hội đồng thúc đẩy thương mại quốc tế Trung Quốc (CPIT)

Thứ hai, số lượng mì ăn liền giảm đi cũng cho thấy một xu hướng là các công nhân có nguồn gốc nông thôn hiện cũng thường xuyên về nhà hơn.

Phải công nhận rằng một trong những khách hàng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất tại Trung Quốc là các công nhân nông thôn thường xuyên đi làm xa. Vì xa nhà, sống trong điều kiện chật hẹp với thiết bị nấu nướng hạn chế, họ có xu hướng tiết kiệm nhất có thể để gửi tiền về gia đình. Và mì ăn liền là người bạn luôn gắn bó với họ.

Tuy nhiên, tính đến năm 2014, số lượng dân nông thôn Trung Quốc chuyển tới sống tại các khu vực thành thị tăng nhanh. Điều đó cho thấy thu nhập của họ phần nào tăng và mưu cầu ăn ngon ngày một lớn hơn.

Số liệu cũng cho thấy số công nhân nhập cư sống trong các thành thị vào năm ngoái ít hơn 1,7 triệu người so với năm 2015. Điều này đã lý giải tại sao doanh thu mì ăn liền của các công ty tại Trung Quốc giảm đi.

Dịch vụ giao thông tốt hơn nhiều

Thứ ba, đó là sự chuyển mình trong hệ thống hạ tầng công tại Trung Quốc. Cách đây 20 năm, rất dễ bắt gặp cảnh người dân Trung Quốc xì xụp ly/tô mì ăn liền trên các chuyến tàu vì món ăn này rất tiện lợi cho những chuyến tàu dài ngày.

Tuy nhiên, hệ thống công cộng đã cải thiện, đặc biệt hệ thống tàu cao tốc đã giúp các chuyến hành trình nhanh hơn. Nhiều loại thức ăn nước ngoài cũng "bon chen" vào các ga tàu của Trung Quốc, lấn sân thị trường mì ăn liền.

Và cũng có sự bùng phát trong ngành hàng không khi tầng lớp trung lưu nổi lên ngày càng nhanh ở Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho các kỳ nghỉ trong nước và quốc tế bằng máy bay thay vì dùng xe lửa phổ biến như trước đây.

Theo Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc, gần 500 triệu lượt bay nội địa và quốc tế đã được thực hiện tại nước này trong năm 2016.

Cuối cùng là sự phổ biến của điện thoại di động và mạng Internet. Khoảng 730 triệu người ở Trung Quốc hiện có khả năng truy cập mạng Internet và khoảng 95% trong số những người này đang dùng điện thoại di động để truy cập.

Đi song song đó là các ứng dụng giao thức ăn tới tận nhà cùng văn phòng làm việc. Và dĩ nhiên thực đơn được bày ra sẽ có nhiều món ăn đắt tiền cũng như ngon hơn nhiều so với mì ăn liền.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, Trung Quốc vẫn còn là thị trường tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới. Số gói mì bán ra tại Trung Quốc vào năm 2016 vẫn nhiều gấp 3 lần so với "đối thủ" cận kề là Indonesia.

Theo BBC, thật sự số lượng mì ăn liền tiêu thụ ở Trung Quốc hiện vẫn tương đương số lượng mì ăn liền tiêu thụ ở các nước Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc và Philippines cộng lại. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất toàn cầu cũng không thể bỏ qua thị trường tỉ dân này.

Ý kiến của bạn

Bình luận