Cây có cội, nước có nguồn Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ này giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Câu ca dao này đã trở thành câu cửa miệng của hàng triệu người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu, trong hay ngoài nước đều hướng về nguồn cội dân tộc. Ngày Giỗ Tổ đã trở thành “Văn hóa tín ngưỡng” của người dân Việt Nam bên cạnh hàng loạt các di sản nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (Unesco) công nhận trong những năm gần đây. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng dân gian, lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, là kết quả của sự đan xen giữa lịch sử hàng nghìn năm nước Đại Việt và huyền thoại Hùng Vương. Trong gia đình thờ cúng ông bà, cha mẹ, rộng hơn nữa là Tổ quốc, thể hiện sự đoàn kết khi dân tộc Việt Nam có chung nguồn cội là mẹ Âu Cơ. Như thế, quá trình lịch sử hóa, huyền thoại hóa tương tác lẫn nhau, càng làm cho nhân vật phụng thờ của tín ngưỡng càng thêm thiêng liêng.
Việc thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại trong đời sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm nay và là nét đẹp của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ Vua Hùng là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của đất nước. Lễ hội Đền Hùng là sự thể hiện một tín ngưỡng “độc nhất vô nhị” trong tâm thức dân gian Việt Nam. Trải qua thời gian, vượt qua các thể chế chính trị, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã vận động, biến đổi và trở thành một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị.
Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng như một sợi chỉ đỏ nối kết quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam. Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, như một lẽ tự nhiên, người Việt thờ cúng Vua Hùng như một bậc tiên linh. Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” ở đền Thượng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh thể hiện sâu sắc quan niệm ấy của người Việt Nam. Trong tâm thức dân gian, trong quan niệm của các vương triều quân chủ, Vua Hùng là vị thánh tổ, thánh vương có công lao khởi dựng Nhà nước Văn Lang cổ đại.
Con lạc, cháu Hồng hướng về Đất Tổ
Giỗ Tổ Hùng Vương đến nay đã trở thành Quốc lễ, hoạt động tín ngưỡng này đã trở thành hoạt động văn hóa mang tầm cỡ quốc gia. Theo ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, năm nay Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 21 đến ngày 25/4/2018 (tức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất) do tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh là Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang. Các hoạt động được tổ chức trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các xã vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó trung tâm của Lễ hội là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP. Việt Trì.
Các tỉnh góp giỗ sẽ tham gia hoạt động phục vụ lễ hội gồm: Tiến dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương; đóng góp kinh phí tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và kinh phí tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng; tham gia Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy; trưng bày, giới thiệu sản vật đặc trưng của địa phương tại Hội chợ Hùng Vương, TP. Việt Trì; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp…
Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 của tỉnh Phú Thọ khẳng định mọi công tác sẽ được chuẩn bị chu đáo, theo đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 để đông đảo người dân địa phương được biết. Đồng thời, các tỉnh đề nghị tỉnh Phú Thọ bố trí, sắp xếp cho các tỉnh tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội vào ngày 6/3 âm lịch; cung cấp các đầu mối để liên hệ phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền cho lễ hội...
Cũng theo ông Hà Kế San, Phú Thọ cùng với các địa phương tham gia góp giỗ sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức một mùa lễ hội thành công, an toàn, tiết kiệm, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào và du khách thập phương
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.