Với người mới lái xe, trước hết cần phải bình tĩnh, tự tin khi tham gia giao thông bằng cách trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng tối thiểu như nắm rõ luật, thuộc biển báo...
Khi bước lên xe, lái xe cần phải thử động cơ, phanh, vô lăng, đánh đèn… đảm bảo các chi tiết đều hoạt động ổn định trước khi cho xe chạy. Việc kiểm tra giúp giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn động cơ không hoạt động, phanh xe có vấn đề… nhằm giảm thiểu tai nạn không cần thiết.
Khi đã cầm vô lăng, lưu thông trên đường thì nhất định lái xe phải nắm rõ luật. Đặc biệt là khi bạn thiếu kinh nghiệm lái xe thì việc thuộc luật, thuộc biển báo, chỉ dẫn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để hòa mình vào dòng xe một cách an toàn.
Đi xe nhỏ và lái với tốc độ chậm là tiêu chí hàng đầu cho những “lính mới” khi chuyển từ 2 bánh qua 4 bánh. Xe nhỏ, công suất thấp sẽ giúp bạn luyện các kỹ năng cơ bản khi lái xe một cách thành thục. Kỹ thuật lái xe cũng được trải nghiệm từ tốc độ chậm rồi tăng dần, tăng dần tùy theo khả năng của mỗi người.
Mới lái xe cần phải biết nhường đường và đi với tốc độ chậm |
Đi đúng làn xe, tuy nhiên, lâu lâu chúng ta phải nhường đường cho xe khác. Đặc biệt trên cao tốc, người mới tập lái, chưa thể đi nhanh nên dễ bị xe chạy phía sau thúc giục bằng tiếng còi xin vượt. Cứ bình tĩnh, quan sát, đánh lái và nhường đường cho xe chạy nhanh phía được. Đừng hấp tấp chạy nhanh khi bạn chưa làm chủ tốc độ.
Khi mới tập lái không nên đi vào đường cao tốc, vì đường cao tốc, tốc độ của các tay lái lụa thường từ 100 đến 130km/giờ, không khéo bạn là người gây tai nạn cho người khác đấy.
Quan trọng là mới tập lái hoặc mới lấy bằng lái thì nên chạy quãng đường ngắn, quen thuộc; chạy cho thẳng đường, tấp lề, tập lùi xe, xem kiếng hậu, kiếng 2 bên, xi nhan trái phải, các chức năng xe cho thành thục. Một lưu ý nữa là phải thuộc lòng chân ga, chân số, chuyển làn bắt buộc phải xi nhan, đọc hiểu rõ các biển báo giao thông 2 bên đường (không nhớ thì lấy sách học lại) ít nhất 6 tháng – 1 năm trước khi chạy xa, lên cao tốc hay vào các khu dân cư, ngõ đông đúc.
Nếu lái xe số tự động thì tuyệt đối không được sử dụng 2 chân, mà chỉ được sử dụng một chân phải, phải nhớ nằm lòng là (khi đang chạy) buông ga thì đạp thắng, buông thắng thì đạp ga, để tránh tình trạng trong khi muốn đạp thắng thì lại đạp ga, hay ngược lại.
Vì mới lái nên bạn cần phải biết nhường đường, không thể “bon chen” như những tay lái cứng được.
Bên cạnh đó, giữ khoảng cách là điều khó nhất cho người lái xe, đặc biệt là khi di chuyển trong các thành phố đông đúc như Hà Nội hay TPHCM.
Ô tô không bao giờ đỗ với khoảng cách bạn đọc trong sách, xe máy thì liên tục chen ngang vào đầu xe bạn, hai bên sườn xe sẽ toàn là xe máy với khoảng cách chỉ 5-10 cm, nếu vào giờ cao điểm. Tất cả các tài xế dù non hay già đều gặp phải tình huống này, nhưng các bác “tài già” thừa kinh nghiệm để đọc khoảng cách thế nào là đủ để không va chạm.
Tìm một đoạn đường vắng xe qua lại, nhờ một người xi-nhan cho mình, bạn hãy tập tiến dần tới một chiếc xe máy, ô tô và dừng lại trước khi va chạm. Hãy cảm nhận và đo đạc khoảng cách an toàn giữa đầu xe mình và các xe phía trước. Nên nhớ, mỗi chiếc xe đều có phần đầu xe dài ngắn khác nhau, nên việc cảm nhận khoảng cách phía trước là rất cần thiết mỗi khi đi một chiếc xe lạ.
Quay đầu là kỹ năng khá cơ bản khi lái xe, nhưng lại không hề dễ dàng, nhất là với những người mới lái xe. Với điều kiện giao thông đông đúc, các xe luôn bấm còi thúc giục, việc quay đầu ở đoạn đường đông cần một sự bình tĩnh nhiều hơn là kỹ năng.
Ở những nơi có biển báo được phép sang đường, quay đầu, hay xi-nhan từ sớm, khi áp sát nơi có thể quay xe thì từ từ đánh lái, quan sát gương chiếu hậu.
Ở những phố cần áp dụng kiểu quay đầu giữa đường (rất nhiều ở Việt Nam), cần quan sát và tìm vị trí có thể quay đầu được mà ít ảnh hưởng tới giao thông trên đường nhất.
Đỗ xe theo kiểu ghép ngang (đỗ xe song song ) hay lùi chuồng đều cần thiết có một kỹ năng lái xe khéo léo. Khoảng cách tiêu chuẩn để đỗ xe ghép ngang không bao giờ đủ ở Việt Nam, vì vậy bạn cần lùi xe khéo léo hơn, cẩn thận hơn. Đỗ xe lùi (hay còn gọi là đỗ xe nghép dọc, hoặc 'lùi chuồng') là một kỹ thuật khó ở phần thi lái xe sa hình và ngay cả trong thực tế đối với những người mới học lái nhưng sẽ trở nên dễ dàng hơn sau vài lần tập trung tập luyện.
Ngoài ra, bạn cần phải mua bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Dù mới tập lái hay lái xe có kinh nghiệm, bạn cũng nên mua bảo hiểm cho chiếc xe của mình. Đặc biệt là với người mới lái xe, việc va đụng là khó tránh khỏi dù bạn có cẩn thận tới đâu, vì vậy hãy tìm hiểu và mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí sửa chữa./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.