Những câu chuyện bi tráng về Hải đội tàu ngầm đầu tiên ở Việt Nam

Xã hội 02/06/2017 03:55

Trước khi Việt Nam có đội tàu ngầm Kilo hiện đại, hải đội tàu ngầm đã được thành lập những năm 1980 với những chiến sĩ tinh nhuệ, xuất sắc nhất toàn quân chủng.

 

35 năm Hải đội tàu ngầm đầu tiên ở Việt Nam
Học viên khung tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam cùng giáo viên Trung tâm huấn luyện Riga. Ảnh: Hải đội tàu ngầm 182.

Sáng 1/6, các cựu quân nhân Hải đội tàu ngầm 182 (Quân chủng Hải quân) gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giữa thành phố cảng, những chàng lính thuỷ năm nào có người trở về đời thường, nhiều người là tướng tá quân đội bá vai nhau hát vang bài ca Thời thanh niên sôi nổi để nhớ lại năm tháng rèn luyện, gắn bó.

Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Hải đội trưởng Hải đội tàu ngầm 182 nhắc lại những mốc đáng nhớ của đơn vị. Nói về lý do ra đời lực lượng tàu ngầm, ông cho biết sau ngày thống nhất, Việt Nam có chương trình phát triển hải quân và nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân quyết định thành lập lực lượng tàu ngầm.

Đầu năm 1982, một cuộc tuyển chọn rầm rộ diễn ra trong toàn quân chủng, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hải quân trực tiếp đi từng đơn vị lấy quân về. Sĩ quan đa phần là cán bộ từng được đào tạo ở Liên Xô, ngoài sức khoẻ còn có lý lịch tốt, bản lĩnh vững vàng. 

Những bài kiểm tra trào máu mũi

Nguyên phó thuyền trưởng khung tàu ngầm đầu tiên Trần Văn Thịnh nhớ lại đó là một sáng mùa hè nắng gắt, ông đang trực chiến ở vịnh Bái Tử Long thì cano của lữ đoàn ra gọi vào bờ nhận nhiệm vụ mới. "Chưa biết nhiệm vụ gì, mình bàn giao công việc, chỉ khoác balo thế là đi thôi", ông Thịnh, nay đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá kể.

Cùng với những người khác, ông Thịnh phải trải qua hai vòng tuyển lọc: khám sức khoẻ và kiểm tra áp suất, tiền đình. Ông nhớ lại, áp suất nén đến 4 atmosphere, tương đương lặn ở độ sâu 40m khiến máu tai, máu mũi trào ra. Không khí bị nén nên nhiệt độ tăng cao, mồ hôi ai nấy vã như tắm.

Với bài kiểm tra tiền đình, các chàng trai trẻ bị cố định trên ghế, quay đủ 80 vòng. Sau vòng quay "đất trời nghiêng ngả" ấy, ai còn tỉnh táo, gọi tên chính xác những đồ vật đặt trên bàn cách đó vài mét thì trúng tuyển.

Trong hơn 6.000 người tham gia khám tuyển, có 120 người vượt qua.

2 35 năm Hải đội tàu ngầm đầu tiên ở Việt Nam
Những thuỷ thủ đầu tiên của lực lượng tàu ngầm Việt Nam hơn 30 năm trước. Ảnh: Hải đội tàu ngầm 182.

Ngày 1/6/1982, Tư lệnh hải quân khi ấy, Chuẩn tướng Đoàn Bá Khánh ký quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh "Đoàn 682", trực thuộc Bộ tham mưu Hải quân (tiền thân của Hải đội 182 sau này). Ban chỉ huy lâm thời gồm đoàn trưởng Phạm Tân, đoàn phó chính trị Nguyễn Thiện Toản.

Vượt hai vòng kiểm tra khắt khe, ông Thịnh cùng một số sĩ quan và hơn 100 chiến sĩ tập trung tại Bãi Cháy (Quảng Ninh). Mãi sau này, chiến sĩ mới biết được chọn để huấn luyện thành lập đơn vị tàu ngầm.

Không kể đông hay hè, đoàn di chuyển khắp nơi, từ Bãi Cháy, Hà Tê đến Tân Trào, vừa học tiếng Nga, vừa huấn luyện thể lực bằng các bài tập đu quay, cầu sóng, leo đồi, bơi hàng chục km trên vịnh Hạ Long…

"Công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng tàu ngầm khi ấy được coi là mẫu mực. Không quá khoa trương khi nói rằng, được chọn đều là những người xuất sắc nhất của toàn Quân chủng Hải quân", đại tá Thịnh tự hào nói.

Tháng 6/1984, Chuẩn đô đốc Giáp Văn Cương ký quyết định thành lập Hải đội 182 - hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Hải đội gồm ba thành phần là Cơ quan hải đội, Khung tàu ngầm 1 và Trạm nổi.

Mùa hè 1984, khi hoa phượng đỏ rực khắp các con đường của thành phố cảng cũng là lúc Khung tàu ngầm đầu tiên và Trạm nổi lên đường huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga, thuộc Cộng hoà Latvia (Liên Xô cũ), nơi huấn luyện tàu ngầm tân tiến nhất khối CNXH khi ấy. Các chàng trai trẻ còn làm thơ Phượng cười giữa buổi anh đi/ Bạch Đằng nổi sóng rầm rì tiễn quân để ghi nhớ ngày xuất quân lịch sử.

Ngay khi đoàn thứ nhất lên đường, công cuộc tuyển chọn tiếp tục và khung tàu ngầm thứ hai sang Riga một năm sau đó.

3 35 năm Hải đội tàu ngầm đầu tiên ở Việt Nam
Đại tá Phạm Tân, thuyền trưởng khung tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.

"Quân của thuỷ tề"

Những tháng đầu, kíp tàu học vận hành, điều khiển tàu ngầm diesel đề án 613. Họ chia ra các tổ hàng hải, lôi, máy, điện, thông tin...

Chương trình học khi trong phòng kín, lúc trên mặt và trong lòng biển Ban Tích. Những buổi lý thuyết bắt đầu trong phòng kín được thiết kế như khoang tàu, sau đến các bài tập bắn lôi, đi ngầm... rồi xuống tàu vận hành. 

Trong ký ức của các thuỷ thủ, Đấu tranh vì sự sống con tàu là môn học để lại nhiều ấn tượng nhất. "Một phút lắng nghe trên lớp là một năm sự sống của con tàu, của thuỷ thủ", lời dặn của sĩ quan đứng lớp năm đó còn văng vẳng bên tai.

Thuyền trưởng Phạm Tân phân tích, động tác của một người sẽ ảnh hưởng tới toàn tàu, sai thao tác có thể khiến con tàu mãi mãi chìm sâu. "Tàu ngầm giống như một quan tài sắt, không học thật tốt, không nắm bắt thật thành thạo thì các gia đình của chúng ta có thể chung một ngày giỗ", thuyền trưởng Tân thẳng thừng nói với toàn bộ kíp tàu để anh em chuẩn bị tư tưởng, quyết tâm, giữ kỷ luật trước khi bước chân xuống tàu.

Ông còn dặn dò thêm "Khi học, cứ coi mình là người mù, phải vận động mọi giác quan để rờ tay chỗ này, chỗ kia cũng biết đó là cái gì. Thao tác cần thành thục, chuẩn xác, biết mình đi mấy bước thì có thể vặn được cái van đầu tiên".

Kíp tàu Việt Nam học riêng một lớp. Khi đó, đoàn học viên Ba Lan, Ấn Độ đã được học vận hành Kilo 636. "Họ có tiền nên đã mua tàu Kilo hàng trăm triệu đô. Mình thì Liên Xô tài trợ nên học tàu cũ hơn. Thấy họ vận hành lớp tàu tối tân hơn thì thèm lắm chứ vì đậu gần nhau trong cảng Riga mà. Hồi đó chỉ nghĩ bao giờ Việt Nam mình mới sắm được tàu như thế", đại tá Tân nhớ lại.

4 35 năm Hải đội tàu ngầm đầu tiên ở Việt Nam
Các thành viên của Hải đội tàu ngầm 182 gặp mặt tại Hải Phòng nhân ngày truyền thống 1/6. Ảnh: Giang Huy.

Học tàu cũ nhưng kíp tàu Việt Nam lại giành kết quả xuất sắc nhất. Chuyên gia trung tâm công nhận khung tàu ngầm Việt Nam là một trong những khung tàu tốt nhất họ đào tạo lúc đó, về khả năng vận hành, kỷ luật và kết quả học tập hầu hết 5/5 (điểm tối đa).

Tháng 3/1986, các thuỷ thủ Việt Nam trải qua một nghi thức đặc biệt sau gần hai năm khổ luyện: mỗi người uống một cốc nước biển được lấy từ van thông đáy khi tàu lặn sâu 30 m. Kèm theo một mẩu chocolate, một miếng cá khô, họ chính thức được công nhận là thuỷ thủ tàu ngầm, trở thành "quân của thuỷ tề".

Với Phạm Tân thì đặc biệt hơn, ông phải uống cạn cốc vodka có chứa chiếc huy hiệu tàu ngầm bên trong mới được công nhận là thuyền trưởng. Ông nhớ mãi câu nói của Giám đốc trung tâm đào tạo Riga khi ấy "Lặn xuống thật tốt rồi nhưng phải nổi lên an toàn mới là lính tàu ngầm".

Giữa năm 1986, kíp tàu về nước, đóng quân tại căn cứ Cam Ranh. Đoàn thuỷ thủ tiếp tục rèn luyện thể lực sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

"Nghĩ đến lúc nhận tàu, được vùng vẫy trên biển Đông bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thì sung sướng lắm nên càng quyết tâm, vừa rèn luyện vừa tuyển quân cho khung tàu ngầm 3", thuyền trưởng Phạm Tân nhớ lại.

Chỉ tiếc rằng, ước mơ ấy chưa thể thành hiện thực.

Giải thể

Đoàn thuỷ thủ tàu ngầm về nước cũng là thời điểm đất nước khó khăn chồng chất. Tháng 8/1987, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định giải thể Hải đội 182, đưa quân về các đơn vị từ Đà Nẵng trở vào và sẵn sàng gọi trở lại khi có nhiệm vụ mới.

Các thuỷ thủ chia tay nhau, người ra quân, người về đơn vị mới. Ai nấy ngậm ngùi, tiếc công sức rèn luyện, học tập trong nhiều năm, nhưng vì điều kiện đất nước lúc bấy giờ nên đành chấp nhận.

Theo tướng Khuê, dù chỉ tồn tại hơn 5 năm (1982 - 1987) nhưng đó là "thời gian đáng tự hào vì toàn đơn vị đã học tập, rèn luyện một cách nghiêm túc, góp những viên gạch đầu tiên xây dựng binh chủng tàu ngầm của Hải quân Việt Nam".

Những kinh nghiệm ấy sau này góp phần nhiều trong việc xây dựng lực lượng Trung đoàn tàu ngầm 196, tham mưu cho quân chủng, Bộ quốc phòng khi thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Hải quân Phạm Xuân Điệp cảm ơn sự đóng góp của các cựu quân nhân. Từ hải đội đầu tiên, đến nay hải quân đã có trung đoàn, lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu Kilo lớp 636 hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải.

"Hải đội tàu ngầm 182 đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của binh chủng tàu ngầm Việt Nam. Đó là những người tiên phong, thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó của cán bộ, chiến sĩ để phát triển lực lượng mới", thiếu tướng Điệp khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận