Cầu Long Đại đã cơ bản hoàn thành các hạng mục giữa sông nhưng phải ngưng để chờ giải phóng mặt bằng |
Chơ vơ giữa sông
Trong những ngày này, tại công trình thi công cầu Long Đại bắc qua dòng sông Tắc nối phường Long Bình với phường Long Phước (quận 9) không bóng người, khác với không khí đông vui, háo hức của những ngày tháng 3-2017, khi khởi công công trình.
Trên sông, những nhịp cầu vắt ngang, nhưng đến gần bờ lại dừng lại. Một cán bộ phường Long Phước cho biết, chiếc cầu này dài 765m, rộng 14m, kinh phí xây dựng 353 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 9 làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đầu năm 2019 cầu sẽ hoàn thành. Nhưng công trình đã phải ngưng lại vì không có mặt bằng thi công.
Trên đường Nguyễn Duy Trinh, công trình xây dựng cầu Ông Nhiêu nối phường Phú Hữu với phường Long Trường (quận 9) cũng gặp tình cảnh như vậy. Các thanh sắt, máy cẩu thi công trụ cầu giữa sông đã được rút khỏi công trình.
Ở 2 đầu cầu, tấm bảng niêm yết về công trình xiêu vẹo, chữ đã mờ, nhưng vẫn còn đọc được một số thông tin cơ bản. Cầu khởi công tháng 12-2017, dài 189m, rộng 19,5m, tổng kinh phí 425 tỷ đồng, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) làm chủ đầu tư.
Đơn vị thi công là liên doanh Công ty CP Xây dựng công trình 510, Công ty CP Công trình Thành Phát và Công ty CP Xây dựng Nasaco. Gọi đến số điện thoại của ông Đào Duy Tụng, chỉ huy trưởng công trình, không có ai bắt máy.
Cầu Long Đại đã cơ bản hoàn thành các hạng mục giữa sông nhưng phải ngưng để chờ giải phóng mặt bằng
Cầu có thời gian “dần xây” kỷ lục là cầu Phước Lộc trên đường Đào Sư Tích nối xã Phước Lộc và xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Tháng 12-2012, cầu được khởi công xây dựng, dài 386m, rộng 17m, kinh phí đầu tư 335 tỷ đồng. Nhiều năm qua, cầu đã được xây dựng các nhịp giữa sông nhưng không nối vào 2 bờ được, cũng vì không có mặt bằng.
Quản lý, điều hành ngược quy trình
Các công trình cầu bị chậm tiến độ không chỉ khiến người dân phải đi lại khó khăn, bất tiện, mà còn gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Theo cách quản lý hiện nay, chủ đầu tư dự án xây dựng cầu không phải chỉ “độc quyền” của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, mà do nhiều đơn vị tham gia.
Thí dụ, cùng nằm trên địa bàn quận 9, nhưng chủ đầu tư cầu Long Đại là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 9, còn cầu Ông Nhiêu lại do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Sự thiếu chuyên nghiệp trong quản lý đã góp phần làm chậm tiến độ.
Hầu hết cầu thi công chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng, nguyên nhân chính là do chủ đầu tư đang quản lý, điều hành ngược quy trình. Chủ đầu tư tiến hành khởi công xây dựng trước khi đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế, các hạng mục giữa sông được xây dựng trước, đến khi xây xong các hạng mục này lại không có mố cầu và đường dẫn.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, hiện nay tại mặt bằng công trình cầu Long Đại vẫn còn 10 hộ dân phường Long Phước chưa bàn giao mặt bằng. Tại công trình cầu Phước Lộc, 81 hộ dân xã Phước Kiển và xã Phước Lộc ở 2 đầu cầu chưa đồng ý giao mặt bằng.
Tại công trình cầu Ông Nhiêu, người dân vẫn án binh bất động, chưa di dời. Trách nhiệm di dời các hộ dân trong khu vực dự án thuộc về chính quyền địa phương, chứ không phải thuộc chủ đầu tư. Theo quy định hiện nay, UBND quận - huyện được giao nhiệm vụ giải tỏa, đền bù. Chủ đầu tư nắm kinh phí đền bù nhưng số tiền đền bù thực tế lại do chính quyền địa phương quyết định.
Sự không thống nhất trong tổ chức, quản lý và thực hiện quy trình đầu tư xây dựng cầu đường đã khiến nhiều công trình xây dựng bị chậm kéo dài. Chỉ với riêng 3 công trình cầu nêu trên, hơn 1.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước bị chôn vốn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.