Chùa Kim Liên nằm trên một doi đất bằng phẳng trong thôn Nghi Tàm, xã Quảng An. Ảnh: Hachi8. |
Không tính các con đường mang tên hoa trong một số khu đô thị, Hà Nội cũng có nhiều đường phố mang tên hoa được đặt từ xưa.
Phố tên loài hoa
Cổ nhất, có thể kể đến khu phố Kim Liên (sen vàng), mang tên theo ngôi làng cổ tại quận Đống Đa. Lịch sử ghi rằng, từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, khu vực phía Nam kinh thành mới đã có một làng tên gọi Đồng Lầm.
Đến năm Kỷ Sửu (1619), đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ, triều đình đổi tên làng Đồng Lầm thành Kim Hoa (Bông hoa vàng). Làng thuộc phường Kim Hoa và Đông Tác thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị đổi tên làng thành làng Kim Liên (Bông sen vàng), vì kỵ húy tên mẹ Vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa. Tên Kim Liên được sử dụng cho đến bây giờ và được đặt cho cả một phường, trong đó có khu tập thể Kim Liên.
Trước đây, tuy không chính thức, tên Kim Liên được dùng để gọi đoạn phố từ ngã tư Lê Duẩn – Giải Phóng – Đại Cồ Việt về hướng Phạm Ngọc Thạch. Từ khi thành phố xây dựng đường vành đai 1, nhiều người gọi đoạn từ ngã tư là đường Kim Liên mới. Đến năm 2008, đoạn phố này mới chính thức có tên là Xã Đàn.
Cũng mang tên hoa sen, Hà Nội còn có phố Liên Trì (ao sen) ở gần hồ Thiền Quang. Nguyên khu vực này là thôn Liên Thủy, sau đổi thành Liên Đường, ở đó có chùa Liên Trì, sau tên chùa được dùng để đặt cho tên phố. Còn trên phố Khâm Thiên, có con ngõ nhỏ tên là ngõ Liên Hoa (hoa sen). Ngõ này dẫn vào thôn Linh Quang, có chùa Liên Hoa ở trong thôn.
Còn ở quận Hà Đông, đối diện trường Đại học Kiến trúc, cũng có một hệ thống ngõ được đặt tên rất thuần Việt là ngõ Ao Sen.
Ở phía bắc Hồ Tây, giáp Công viên nước, trước khi được đặt tên là phố Trịnh Công Sơn, một con đường lãng mạn chạy ngang qua những đầm sen lớn thường được người dân gọi với cái tên thân mật là đường Sen Hồ Tây.
Phố Trịnh Công Sơn cách Hồ Tây khoảng 500m, gần khu đầm sen nổi tiếng bên hồ. Ảnh: Quý Đoàn. |
Trong khi đó, ở phía nam kinh thành Thăng Long cũ, nhưng chếch về phía đông, có một số làng cổ cũng được đặt tên theo những loài hoa rất đẹp: Bạch Mai (mai trắng) và Hoàng Mai (mai vàng). Theo các nhà nghiên cứu, thì phố Bạch Mai xưa có tên là Hồng Mai (mai hồng), nhưng cũng vì kỵ húy tên vua Tự Đức (Hồng Nhậm) mà đổi thành Bạch Mai.
Từ trước cách mạng tháng Tám, các tên làng này đã được dùng để gọi cho tên phố. Ngày nay, Hồng Mai và Bạch Mai là hai con phố vuông góc với nhau, còn đường Hoàng Mai thì lùi xuống dưới một chút, chạy từ phố Trương Định xuống đường Tam Trinh.
Một con phố nằm ở quận Hai Bà Trưng, mang tên cố đô nước Đại Cổ Việt là Hoa Lư, nhưng nguồn gốc tên địa danh này cũng nói về một loài hoa (hoa lau). Do đó, việc cái tên cố đô này được đặt cho con phố nối giữa phố Lê Đại Hành và đường Đại Cồ Việt là điều rất hợp lý.
Phố tên có chữ Hoa
Như trên đã nói, làng Kim Liên xưa có tên gọi là Kim Hoa, do đó cửa ô Đồng Lầm còn có tên gọi ô Kim Hoa. Vì vậy, ngày nay có một con phố nhỏ nằm song song với đường vành đai 1 Xã Đàn, đi từ cửa ô Kim Liên về phía sau lưng đình Kim Liên có tên gọi là phố Kim Hoa.
Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đặt thêm tên mới cho một số con đường ven hồ Tây, trong đó có phố Yên Hoa (2012) và Từ Hoa (2013).
Những ngôi nhà xanh mướt trên phố Yên Hoa, Từ Hoa. Ảnh: Đoàn Mạnh. |
Phố Yên Hoa nối từ đường Thanh Niên, đoạn gần cổng chùa Trấn Quốc, chạy ngang qua làng Yên Phụ, tới cổng Khách sạn Thắng Lợi trên Nghi Tàm. Lưu ý tên phố Yên Hoa có thể nhầm với phố Yên Hòa, con phố nằm ở quận Cầu Giấy.
Còn con đường chạy quanh làng cổ Nghi Tàm mang tên bà chúa tằm: Công chúa Từ Hoa. Theo sử sách, Từ Hoa là công chúa con gái vua Lý Thần Tông, người đã lập phủ tại làng Nghi Tàm sinh sống. Bà có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long.
Năm 2014, thành phố đặt thêm tên một loạt đường phố nữa, trong đó trên khu vực Hồ Tây, đoạn đường từ cổng chùa Phú Xá đến sau trường THCS Phú Thượng được đặt tên là phố Phúc Hoa.
Còn tại khu vực quận Cầu Giấy, tên phố Quan Hoa được đặt cho đoạn từ cầu T11 chạy ven sông Tô Lịch đến ngã tư giao cắt với đường Cầu Giấy (trụ sở UBND quận Cầu Giấy).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.