Những công trình giao thông làm thay đổi bộ mặt Thủ đô sau 15 năm mở rộng

Tác giả: Thanh Bình

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/08/2023 17:26

Hôm nay (1/8/2023) - tròn 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12. Trong khoảng thời gian này, bộ mặt Thủ đô Hà Nội có nhiều thay đổi với nhiều công trình giao thông hiện đại, đã và đang phát huy hiệu quả trong lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 1.

Đại lộ Thăng Long dài 29,264 km là một trong những công trình giao thông trọng điểm được chọn làm công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình có điểm đầu giao cắt đường vành đai 3 Hà Nội, trước trung tâm Hội nghị Quốc gia; điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với QL21 - đường Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 2.

Là điểm đầu của Đại lộ Thăng Long, dự án nút giao Trung Hòa khởi công ngày 18/1/2015. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng.

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 3.

Cầu Nhật Tân là một trong những cây cầu nổi bật của Thủ đô, với tổng chiều dài 8.930m, bao gồm: phần cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755m với bề rộng mặt cầu 33,2m (6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp). Riêng cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp tượng trưng 5 cửa ô Hà Nội với tổng chiều dài 1.500m, phần đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.170m. Cầu được thông xe vào ngày 4/1/2015. Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 4.

Đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 12,1km, được tổ chức thông xe cùng thời điểm với công trình cầu Nhật Tân. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng với chức năng kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân vào nội thành Hà Nội giúp các phương tiện giảm thời gian đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô, đồng thời kết nối với đường Bắc Thăng Long - Nội Bài làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 5.

Đường Vành đai 2 trên cao là trục xuyên tâm nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018. Dự án đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội), bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng. Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở và được thông xe toàn tuyến vào tháng 1/2023. Tốc độ lưu hành cho phép đối với các xe trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60km/h

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 6.

Đường Vành đai 3 trên cao được thông xe vào tháng 10/2012. Thời gian này, dự án có điểm đầu là Mai Dịch và điểm cuối là phía Bắc hồ Linh Đàm dài 8,9km, gồm 385m đường dẫn và 8,5km cầu cạn chính tuyến, vận tốc theo thiết kế 100km/k. Đường có 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 7.

Khởi công vào năm 2011 và được đưa vào sử dụng vào tháng 11/2021, trong suốt 10 năm xây dựng, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến thời gian triển khai kéo dài. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và 1 khu depot, khai thác 13 đoàn tàu. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23 phút.

Những công trình thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô sau 15 năm mở rộng - Ảnh 8.

Cầu Đông Trù là cây cầu đầu tiên được xây dựng theo kiểu vòm ống thép tại Việt Nam, có chiều dài 1,1km, rộng 55m với 8 làn xe. Cầu Đông Trù đi vào hoạt động đã giúp việc di chuyển giữa 2 bờ sông Hồng, sông Đuống trở nên thuận tiện, góp phần giải tỏa lượng giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh phía Tây và Tây Bắc Hà Nội. Hiện tại, cầu Đông Trù đang là cây cầu vòm nhịp vượt sông rộng nhất Việt Nam