Ngày 31/7, Cục Đăng kiểm VN tổ chức Hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến tuyên truyền phổ biển Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa (Thông tư số 48/2015 và Thông tư số 16/2022).
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Cục Đường thủy nội địa VN, đại diện các Sở GTVT, các hội nghề nghiệp liên quan và các đơn vị thiết kế, nhập khẩu, chế tạo, khai thác phương tiện thủy, các đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy trên toàn quốc.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng cho biết, việc xây dựng, ban hành Thông tư số 16/2023 nêu trên nhằm hướng đến ba mục tiêu: đơn giản hỏa thủ tục đăng kiểm để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền (từ Cục Đăng kiểm VN) cho Sở GTVT nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất trong quản lý đăng kiểm và không để khoảng trống quản lý và nhằm nâng cao năng lực thực hiện của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy.
"Quá trình xây dựng thông tư, dự thảo thông tư được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các đơn vị thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, khai thác phương tiện thủy nội địa. Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý, Sở GTVT, các hiệp hội, doanh nghiệp, chủ phương tiện, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phương tiện thủy trao đổi, trao đổi thông tin để đưa quy định vào cuộc sống", Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng thông tin.
Còn theo Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải, hướng đến các mục tiêu trên và phù hợp thực tiễn, hàm lượng thay đổi của Thông tư số 16/2023 khá lớn. Trong đó, có thể kể đến như các quy định liên quan đến phương tiện nhập khẩu.
Phổ biến các điểm mới nổi bật của Thông tư số 16/2023, đại diện Phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, thông tư bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Nội dung thông tư giải thích rõ ràng các thuật ngữ, khái niệm (như với mô tô nước được định hình là có chiều dài thân nhỏ hơn 4m, sử dụng động cơ kiểu bơm phụt nước); nhiều nội dung hồ sơ, thủ tục được giản lược, đơn giản hóa; cụ thể hóa phân cấp, phân quyền thực hiện công tác kiểm định…
Theo đó, có các loại hình kiểm tra (kiểm định) kỹ thuật phương tiện thủy: kiểm tra lần đầu (phương tiện khi đóng mới, phương tiện nhập khẩu, phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm); kiểm tra chu kỳ (định kỳ, hàng năm, trên đà, trung gian); kiểm tra bất thường; kiểm tra hoán cải. So với quy định hiện nay, bổ sung loại hình kiểm tra phương tiện đã đóng nhưng không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm và kiểm tra hoán cải.
Phương tiện thủy được đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu ở khu vực nào thì đơn vị đăng kiểm có đủ năng lực, thẩm quyền phụ trách khu vực đó thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định phân cấp rõ nét việc thực hiện đăng kiểm giữa Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc, đơn vị thuộc Sở GTVT. Cụ thể, Cục Đăng kiểm VN không còn trực tiếp kiểm định, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện thủy (nhập khẩu, đang khai thác…) như hiện nay mà chỉ thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế và tài liệu hướng dẫn của phương tiện.
Về phía Chi cục Đăng kiểm, thực hiện kiểm định phương tiện và đồng thời được phân cấp thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn của tàu (như Cục Đăng kiểm VN). Điều này nhằm giải quyết nhanh nhất hồ sơ, không xảy ra ách tắc trong duyệt hồ sơ thiết kế phương tiện.
Điểm mới khác, thông tư quy định: sản phẩm công nghiệp đã được Cục Đăng kiểm VN kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sử dụng cho tàu biển thì được sử dụng cho phương tiện thủy nội địa. Tương tự, sản phẩm công nghiệp được Cục Đăng kiểm VN hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài công nhận kiểu loại để sử dụng cho tàu biển thì được dùng cho phương tiện thủy.
Nhằm giảm thủ tục hành chính, thông tư cũng quy định việc nộp, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa bằng các hình thức trực tiếp, hệ thống bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến với trình tự, thời hạn giải quyết cụ thể.
Về thủ tục đăng kiểm phương tiện thủy đang khai thác, theo hướng dẫn của thông tư mới, trường hợp tàu có sự thay đổi chủ sở hữu phương tiện, khi đề nghị đăng kiểm phải có kèm theo bản sao hợp đồng mua bán phương tiện có chứng thực hợp đồng.
Về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng kiểm (phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa, đang khai thác), sau khi kết thúc kiểm định hiện trường và đạt chất lượng, đơn vị đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm trong thời hạn 1 ngày (với hiện trường kiểm tra cách trụ sở đăng kiểm dưới 70km) và 2 ngày (nếu cách xa quá 70km).
Theo thông tư mới, các đơn vị đăng kiểm thủy (Chi cục Đăng kiểm hoặc đơn vị thuộc Sở GTVT) được đánh giá năng lực, xếp theo các hạng I, II, III và được tiếp nhận đăng kiểm loại phương tiện tương ứng với năng lực.
Theo đó, đơn vị hạng I được tiếp nhận, kiểm định tất cả các loại phương tiện thủy; đơn vị hạng II đăng kiểm các loại phương tiện, chỉ trừ tàu dầu có tổng dung tích 3.000 GT trở lên, tàu VR-SB chở hàng có tổng dung tích 3.000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR-SB có sức chở 100 người trở lên, tàu chở hàng hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm; đơn vị hạng III đăng kiểm phương tiện thủy có tổng dung tích dưới 500 GT, có công suất máy chính dưới 300CV, có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở container, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm).
Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện đang đề xuất sửa đổi Thông tư số 49/2015 của Bộ GTVT (tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên… đơn vị đăng kiểm thủy nội địa), trong đó năng lực của đơn vị đăng kiểm sẽ gắn với năng lực (hạng) của đăng kiểm viên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.